KHÔNG CÓ AI CẢ TRÊN ĐỜI NÀY

Một phần của tài liệu Lưới trời ai dệt (Trang 66 - 69)

Ta cần biết rõ, thuyết Mười hai nhân duyên là một cách cụ thể hóa của thuyết Duyên khởi để lý giải sự sinh thành và hoại diệt của Nghiệp, của đời sống, nhất là của Khổ. Hiển nhiên đó là nội dung quan trọng nhất của thuyết Duyên khởi, nhưng thuyết Duyên khởi bao quát hơn Mười hai nhân duyên. Duyên khởi là thế giới quan trình bày tính chất chung của mọi hiện tượng, của mọi “pháp hữu vi” thuộc vật chất lẫn tâm thức. Nhiều người qui lý thuyết Duyên khởi đồng nghĩa với Mười hai nhân duyên, họ không biết sử dụng thuyết duyên khởi như một pháp nhận thức vô cùng quan trọng mà nền vật lý ngày nay đang cần đến.

Thuyết Duyên khởi khẳng định mọi sự vật dựa lên nhau mà sinh thành và hoại diệt, thực tại vật lý đang vận động, đó là điều xưa nay ai cũng biết, nhưng đạo Phật cho rằng cơ sở của sự vận động là mọi sự làm điều kiện cho nhau. Điều này mới nghe qua thì rất tầm thường. Thế nhưng ngay từ đầu, thuyết Duyên khởi loại bỏ một điều còn

lưu hành từ thời Thượng cổ đến bây giờ, đó là tư tưởng cho rằng động lực của sự vận động nằm trong tay một đấng sáng tạo. Thuyết Duyên khởi nêu lên một nhận thức mà ngày nay nền vật lý đang thừa nhận: sự vận động là qui luật nội tại của thực tại, nguồn gốc của sự vận động không nằm ở đâu khác ngoài tính chất nội tại của vũ trụ. Đó là cái chung giữa Duyên khởi và ngành vật lý nhưng cái khác biệt thì sâu sắc hơn mà trong chương trước ta đã đề cập tới. Đó là thuyết Duyên khởi khẳng định rằng thực tại không tồn tại tự nó, không có tự tính riêng biệt, nó tồn tại vì nó nằm trong một thể tương tác, “đối đãi” với con người. Đó là nội dung của tư tưởng “pháp vô ngã” của đạo Phật.

Còn bản thân con người thì sao? Phật giáo cho rằng, con người cũng không có tự tính, không tồn tại trên cơ sở tự tính, không có môt cái Tôi đứng sau mọi hiện tượng của cá thể, đó là tư tưởng “nhân vô ngã”.

Khi Đức Phật giảng về Duyên khởi, một bị tu sĩ hỏi: “Bạch Thế Tôn, ai cảm xúc, ai thọ, ai khát ái, ai chấo thủ?”. Phật trả lời: “Như Lai chỉ dạy Xúc, Thọ, Ái, Thủ… chớ không dạy người nào Xúc, Thọ, Ái Thủ… nên các câu hỏi đó không phù hợp với lý Duyên khởi. Câu hỏi phù hợp với lý Duyên khởi phải là, do duyên gì Xúc sinh, Thọ sinh…?”. Nội dung của câu trả lời này thật là khó hiểu cho những ai chưa quen với đạo Phật. Đó là có sự khát ái chứ không có người khát ái; có sự Sinh, có LãoTử nhưng không có ai sinh hay chết. Có Vô Minh nhưng không có ai vô minh, có sự giác ngộ nhưng không có người giác ngộ. Đó là tư tưởng “nhân vô ngã” của đạo Phật, một nền tảng cơ bản cả triết học Phật giáo.

Tư tưởng nhân vô ngã được trình bày khéo léo và thú vị nhất trong kinh Na-tiên tỉ-kheo, cũng có tên là Di-lan-đà vấn đạo kinh. Bộ kinh này xuất hiện lần đầu tiên trong khoảng thế kỷ thứ nhất và ngày nay được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới. Hãy dựa vào vài ẩn dụ trong tác phẩm này để đến với quan niệm vô ngã. Theo quan niệm này, tất cả mọi sự trong thế gian đều là “giả danh”. Mọi sự chỉ là một tập hợp cả nhiều phần tử và chỉ mang một danh tánh có tính qui ước, không có thực chất.

Hãy nhìn một sự vật thông thường trong đời sống hàng ngày, thí dụ một chiếc xe máy. Ta hay nói, chiếc xe này có động cơ, có giàn xe, có bánh lái, có đèn trước đèn sau… nói như thế thì ai cũng hiểu nhưng thật ra câu nói đó không chính xác. Câu nói đó dường như cho rằng chiếc xe là một thực thể có sẵn, nó sở hữu những thứ như động cơ, giàn xe, bánh lái…, dường như thiếu đi những thứ đó thì vẫn có chiếc xe. Thực tế là – điều mà ai cũng biết – những thứ vừa kể phải được tập hợp lại, và tập hợp theo một trật tự và qui luật nhất định thì mới hình thành chiếc xe. Cho nên phải nói chính xác là, chiếc xe là sự tập hợp cua các chi tiết đó. Chiếc xe có tính cách là một thực thể riêng biệt không hề có, nó chỉ là một tập hợp. Về mặt ngôn ngữ, chiếc xe không hề có cái gì cả, mà nó là những cái gì khác xác lập nên. Động từ có phải được thay bằng động từ là.

Nơi đây không phải là trò chơi chữ vô bổ mà điều này phản ánh một nhận thức luận sâu sắc. Đạo Phật xem chiếc xe không tồn tại trên cơ sở tính, nó chỉ là “giả danh”, chiếc xe là vô ngã.

Một sự tập hợp của nhiều thành phần, theo một trật tự nhất định, sẽ hình thành một “vật”, vật đó tuy tồn tại với một danh tánh riêng biệt nhưng nó không có tự tính riêng, nó chỉ tồn tại một cách “qui ước”.

Thế nên, đạo Phật quan niệm mọi sự vật “vô ngã” vì sự vật nào cũng đều gồm những phần tử khác hợp lại. Thực tế là không có sự vật nào trên thế gian mà không có cấu trúc nội tại, không do nhiều phần tử khác hợp thành. Theo đạo Phật, sự vật là vô ngã, vì ngoài tính chất có một cấu trúc nội tại, chúng còn một lý do khác, đó là chúng luôn luôn nằm trong một mối quan hệ nhất định với các vật khác. Trong thí dụ trên, “chiếc xe” còn được cái may mắn là luôn luôn được gọi là chiếc xe, các sự vật khác chưa chắc được như thế. Tập hợp của một miếng gỗ với bốn cái chân, khi nó mang đề đạc sách vở thì được gọi là “cái bàn”, khi người ta dùng nó để ngồi thì nó mang tên “cái ghế”, dùng để nằm thì là “cái giường”. Cái bàn, cái ghế hay cái giường – với tính cách vật thể có tự tính riêng – không hề có thật, chúng đều là giả danh. Thông qua thí dụ cái bàn hay cái ghế, ta thấy sự vật phát sinh và tồn tại thông qua một mối quan hệ nhất định. Trong quan hệ với người sử dụng mà một vật có thể có những danh tánh khác nhau.

Hãy lấy một ẩn dụ khác cơ bản: một bà mẹ sinh ra đứa con. Ta thường nói đứa con được bà mẹ sinh ra. Nhưng ta cũng có thể nói bà mẹ được đứa con sinh ra. Tại sao? Nếu không có đứa con thì người đàn bà đó không bao giờ được gọi là bà mẹ, người đó chỉ là một phụ nữ, một nữ sinh viên, một chị bán hàng, một cô y tá… Thế nên, “bà mẹ” và “đứa con” được sinh ra đồng thời, cả hai phải dựa lên nhau mà có, cả hai nằm trong một mối quan hệ mà thuật ngữ tiếng Việt của đạo Phật gọi là “đối đãi” nhau mà sinh ra.

Trên cơ sở “đối đãi” đó, mọi sự vật, mọi hiện tượng, mọi khái nệm trên thế gian được gọi là “có”, nhưng chúng tồn tại một cách tương đối, qui ước. Chúng không thể tồn tại riêng, cũng như “bà mẹ” không thể tồn tại nếu không sinh con. Tương tự như thế, không thể có “ngừơi mua” nều không có “người bán”, không thể có “tốt” nếu không có “xấu”, không thể có “khách quan” nếu không có “chủ quan”, không thể có Phật nếu không có chúng sinh, không thể có Niết-bàn nếu không có Sinh Tử. Tất cả đều là danh tánh giả hợp, chúng chỉ tồn tại nếu một quan hệ đối đãi nhất

định được thiết lập. Lý luận vô ngã này được Long Thụ, luận sư nổi tiếng của đạo Phật trình bày rõ trong Trung Luận, giáo pháp chủ yếu của Trung quán tông.

Vì những lý do trên, thuyết vô ngã của đạo Phật được xem như có hai cơ sở. Một là, mọi sự vật – kể cả các hiện tượng tâm lý, nói chung là mọi “pháp hữu vi”- đều do nhiều yếu tố khách hợp thành. Hai là, mọi sự vật đều nằm trong một quan hệ đối đãi lẫn nhau. Thế nhưng cả hai cơ sở này đều bắt nguồn từ thuyết Duyên khởi với nội dung “cái này có thì cái kia có”. Giữa hai cái thì cơ sở đầu tiên – mọi sự vật đều do nhiều yều tố hợp thành, mọi sự vật đều có cơ cấu nội tại của nó – là điều dễ hiểu và dễ áp dụng cho thực tại vật chất hơn. Cơ sở thứ hai – quan hệ đối đãi – là tinh tế hơn và dễ vận dụng hơn trong các vấn đề triết học và bản thể học của thế giói hiện tượng. Chiếc xe là ẩn dụ nổi tiếng của Na-tiên. Dĩ nhiên ngày xưa, chiếc xe đó là chiếc xe ngựa của nhà vua Di-lan-đà, ngày nay là chiếc xe máy hay xe hơi chạy quanh đường phố. Thế nhưng mọi sự vật trong thế gian đều như chiếc xe, chúng đều là những giả hợp, tên của chúng đều là giả danh. Không có một sự vật gì mà không do các phần tử khác tạo thành, mọi sự vật đều có một cơ cấu nội tại của nó, kể cả các vật nhỏ nhất như phân tử, nguyên tử. Nền vât lý hiện đại cho thấy nguyên tử do các hạt hạ nguyên tử hình thành và bản thân các hạt này do các hạt nhỏ hơn nữa tập hợp. Các hạt “nhỏ nhất” đó lại chuyển hoá được lẫn nhau và là dạng của năng lượng vô hình.

Như ta đã biết, nhiều nhà vật lý tìm hiểu “tự tính” của vật chất, chúng là sóng hay hạt, tại sao chúng “mâu thuẫn” lãn nhau. Họ đi tìm tự tính vì họ cho rằng vật chất có tự tính, cho rằng vật chất tồn tại trên cơ sở tự tính. Nếu vận dụng nguyên lý của đạo Phật, cho rằng mọi vật không có tự tính, nó chỉ là một tập hợp giả danh thì cái “mâu thuẫn” giữa sóng và hạt biến mất. Tập hợp nọ có khi là cái bàn, có khi là cái ghế, không có gì mâu thuẫn giữa bàn và ghế cả vì tất cả đều là giả danh. Cả hai khái niệm sóng và hạt dều là giả danh, chúng là do con người đặt tên ra cả, đúng như phái công cụ trong vật lý đã nhận thức. Vật chất hiện ra như sóng nếu ta hỏi nó theo một cách nhất định, vật chất hiện ra như hạt nếu ta hỏi nó một cách khác. Đó là điều mà Heisenberg đã khẳng định với câu “Điều mà ta quan sát thấy không phải tự tính đích thực của thiên nhiên mà là thiên nhiên hiện ra dưới cách vấn hỏi của ta”.

Đến đây, với quan niệm cho rằng mọi sự vật là một tập hợp, không có tự tính riêng, chỉ là giả danh, ta thấy tuy nó mới lạ nhưng còn có thể hiểu được. Thế thì đạo Phật nói gì về bản thân con người?

Cũng lại là vị tỉ-kheo Na-tiên giảng giải vấn đề này một cách duyên dáng và thú vị. Ông hỏi nhà vua Di-lan-đà từng thứ, cái gì “là đại vương”, phải chăng là tóc, tai, da thịt; phải chăng là ý niệm, là cảm thọ vui buồn. Di-lan-đà không tìm đâu ra là cái Tôi cả. Cũng như chiếc xe chỉ là giả danh. Chỉ một tập hợp của những thành phần cấu tạo thành xe, thì con người cũng chỉ là một tập hợp của hai thành phần tâm lý và thể chất, cũng chỉ là một giả danh.

Theo đạo Phật, thành phần tâm lý gồm có bốn mức độ, bốn giai đoạn mà thuật ngữ gọi là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Bốn yếu tố này cũng với yếu tố thể chất (Sắc) hợp thành “năm yếu tố” mà đạo Phật gọi là Ngũ uẩn. Năm yếu tố này vận hành theo lý thuyết Duyên khởi, có cái này thì có cái kia, thúc đẩy lẫn nhau, làm nền tảng cho nhau, sinh thành và hoại diệt theo nhau để hình thành hoạt động của con ngừoi. Chỉ có năm yếu tố vận hành, không có cái gì làm chủ nhân của chúng, không có một cái Tôi nào đứng đằng sau chúng. Cái Tôi mà mỗi chúng ta nghĩ là “chính mình” chỉ là một sự nhầm lẫn của tri thức. Đó là quan niệm “nhân vô ngã” của đạo Phật.

Cái Tôi vắng bóng cũng như “chiếc xe” không có thật, cả hai đều là một sự tập hợp giả danh. Cả hai đều không có thực thể để tự mình sở hữu một cái gì, cả hai đều là một trạng thái nhất định, cả hai đều không có, chỉ được xem là “có” một cách qui ước.

Nếu ẩn dụ chiếc xe là dễ hiểu thì nhận thức rằng con người chỉ là dạng vận động vô chủ của năm nhóm vật lý và tâm lý, rằng chúng xếp bên nhau, sau lưng chúng không có gì cả, nhận thức đó thật khó hiểu cho mỗi người chúng ta. Có thể nói rằng, nhận thức này khó chấp nhận tới mức mà, nếu ai nghe hay đọc nguyên lý “nhân vô ngã” lần đầu mà không bị choáng váng thì phải nói người đó chưa hiểu nguyên lý này.

Con người chỉ là tập hợp của những cảm xúc, nhận thức, ý niệm, hành động... đang vận hành vô chủ. Những trạng thái đó là hậu quả cùa một trạng thái trước và là nguyên nhân sinh ra một trạng thái sau, chúng vận hành có nguyên nhân và theo một qui luật nhất định nhưng không có một chủ thể đưa đường dẫn lối cho chúng. Vì thế nên Đức Phật mới nói: “Như Lai chỉ dạy Xúc, Thọ, Ái, Thủ... chớ không dạy người nào Xúc, Thọ, Ái, Thủ...”.

Nếu xem Xúc, Thọ, Ái, Thủ... là những tình trạng được cụ thể hóa như những viên bi thì những biên bi đó có động lực, chúng vận động và thúc đẩy lẫn nhau như những trái banh bi-da. Và vô ngã có nghĩa là giữa những viên bi đó không có một sợi dây nào nối chúng lại với nhau cả, chúng chỉ đẩy lẫn nhau. Cũng trong ẩn dụ này thì quan niệm hữu ngã được hình dung như có một sợi dây kết những viên bi lại với nhau, thí dụ như một xâu chuỗi hạt trai và sợi dây chính là chủ thề. Đạo Phật từ chối sợi dây đó. Con người vì “vô minh” nên nhầm lẫn tưởng mình có một cái Tôi và đó là nguyên nhân của mọi phiền toái trong đời sống vô tận mà thuật ngữ đạo Phật gọi là Sinh Tử.

Tới đây ta cần nhớ lại thời kỳ lúc Đức Phật nêu lên những luận điểm này. Đó là thời đại mà trên thế giới, kể cả Ấn Độ, loài người còn đắm chìm trong quan niệm về một chủ thể sáng tạo tuyệt đối, toàn năng. Đức Phật đã nêu lên

những nhận thức hết sức mạnh dạn và triệt để về sự vận động của thế giới và tính chất vô ngã của mọi sự vật. Đó là, mọi sự vật dựa lên nhau mà vận hành, sự vận động là tính chất nội tại của sự vật, không có một thần quyền nào điều khiển sự vận động đó. Đó là, mọi sự vật là một giả hợp, không có tự tính, không tồn tại riêng biệt, chỉ tồn tại tương đối trong một mối quan hệ nhất định.

Hai nhận thức trên được gọi là hai “pháp ấn” của Phật giáo mà thuật ngữ gọi là Vô Thường và Vô Ngã. Vô thường chỉ nói lên tính chất biến dịch cùa sự vật mà nền triết học Đông Tây nào cũng biết tới. Thế nhưng Vô Ngã mới là điều đặc sắc của đạo Phật mà cả Ấn Độ giáo cũng không quan niệm. Trong Vô Thường ta có thể có hai quan niệm hữu ngã và vô ngã, nếu ta nhớ lại hai ẩn dụ của cái nồi đất sét và củi tàn thành tro. Vô Thường của đạo Phật là Vô Thường Vô Ngã. Vì lẽ đó không thể quên Vô Ngã khi nói đến Vô Thường trong đạo Phật.

Trong một thời đại cách đây 25 thế kỷ, hai nhận thức đó là một cuộc cách mạng về triết học tự nhiên – mặc dù Đức Phật không hề muốn triết lý. Và, lạ thay, trong thời đại ngày nay, hai nhận thức đó không bị khoa học hiện đại phản bác mà ngược lại , ngày càng được sự chú ý của cá giới vật lý.

Một phần của tài liệu Lưới trời ai dệt (Trang 66 - 69)