Thế kỷ thứ 20 đánh dấu những bước tiến vĩ đại của ngành vật lý. Đặc trưng của ngành khoa học này là tin nơi một thế giới vật chất khách quan, độc lập với ý thức của con người. Lên đường đi tìm thực tại đó tức là nghiên cứu về các gọi là “vật chất”, tìm những yếu tố tạo nên vật chất, những gì làm chúng gắn chặt với nhau để tạo thành những gì làm chúng gắn chặt với nhau để tạo thành thế giới, tìm những qui luật về sự vận động của chúng.
Thế kỷ vừa qua đã mang lại những tri kiến chính xác nhất về vật chất, so với hàng thiên niên kỷ trước. Với nền vật lý hạt, con người đến được một mức độ là xác định những viên đá bé nhỏ nhất xây dựng nên thế giới vật chất. Thế giới của hạt là một không gian vô cùng bé, hoàn toàn nằm ngoài khả năng giác quan của con người. Chỉ thông qua những thiết bị tinh tế, con người mới suy đoán được một cách gián tiếp sự hiện diện của những phần tử được gọi là hạt đó. Đồng thời nhiều hạt trong số các hạt cơ bản nói trên tồn tại vô cùng ngắn ngủi. Sự hiện diện của chúng chỉ được đo bằng phần triệu của giây đồng hồ. Ngoài ra các hạt cơ bản cũng có khả năng biến thành những hạt khác một cách hết sức sinh động. Chúng chuyển hóa qua lại một cách quá dễ dàng, câu hỏi về tính “cá thể” của nó dường như không thể đặt ra. Trong giới các nhà vật lý, chỉ những điều này đã gây nên sự băn khoăn, liệu những hạt như thế có được gọi là “tồn tại” thực sự hay không.
Ngoài ra trong ngành vật lý hạt cũng xuất hiện khái niệm các hạt “giả”, sự tồn tại của chúng được xem là do có một sự phân hủy và hấp thụ một cách giả thiết. Trong những trường hợp đó, người ta cũng đặt vấn đề “có-không” một cách nghiêm túc, liệu tất cả khái niệm và lý thuyết đều chỉ là trò chơi của tư duy hay thiên nhiên “thực sự” vận hành như thế.
Ngoài luận đề có-không vô cùng phức tạp, cơ học lượng tử còn nêu lên một ý niệm khác nữa là, vật chất “đích thực” không phải là sóng cũng chẳng phải là hạt. Sóng hay hạt chỉ là dạng xuất hiện của vật chất khi người ta tìm hiểu và tra vấn nó. Như một ngôi tháp, sự vật hình như có niều mặt. Ta phải đến với nó và đi quanh nó và sẽ thấy nhiều mặt khác nhau. Mỗi bộ mặt đều là ngôi tháp nhưng không phải là tất cả ngôi tháp. Đó là cách nhận thức của triết học Ấn Độ. Chỉ khi ta hiểu nhiều mặt khác nhau của sự vật, ta mới hiểu sự vật đích thực. Vì lẽ đó mà ta có thể nói vật chất không phải là sóng, không phải là hạt; nhưng cũng có thể nói, vật chất vừa là sóng, vừa là hạt. Nguyên lý này được Niels Bohr phát hiện một cách hoàn toàn độc lập mà ông gọi là “nguyên lý bổ túc”. Chỉ vì ta đồng hóa sự vật là sóng hay hạt, thấy sóng hay hạt là “tự tính” của vật, ta mới thấy mâu thuẫn. Mâu thuẫn xuất hiện là do quan niệm của ta chứ không phải do sự vật. Cũng như điện có thể sinh ra hơi nóng, phát ra hơi lạnh. Nóng và lạnh mâu thuẫn với nhau nhưng chúng đều là “dụng” của điện, không phải tự tính của điện. Hiểu như thế thì không ai thấy điện “mâu thuẫn” cả.
Cũng trong ngành vật lý hạt, một vấn đề vô cùng lớn được đặt ra là tính chất xác suất của chúng. Vận tốc và vị trí của các hạt không phải là một con số chính xác nữa mà là một nhóm số mang tính xác suất được gọi là ma trận. Thế thì những gì là “chắc chắn” trong thế giới hạ nguyên tử? Không có gì cả ngoài tính chất thống kê cho một số lượng lớn những hạt. Khái niệm “có, không” bị đặt lại thành “có thể có, có thể không”.
Tính chất xác suất của hạt đưa đến một nhận thức luận vô cùng đáng ngạc nhiên. Đó là vật chất “khách quan”, khi nó vận động mà không ai biết đến nó, thì như thế nào? Theo cơ học lượng tử, trường phái Copenhagen, thì sự vận động là tổng hợp của mọi sóng xác suất, tất cả đều là khả năng. Chỉ khi con người truy tìm vật chất thì quan sát viên mới chính là tác nhân làm “sụp đổ” các phương trình sóng xác suất, biến một trong những khả năng đó thành hiện thực.
Điều xem ra thật khó hiểu này được Schrödinger cụ thể hóa thành “nghịch lý con mèo” nổi tiếng: Một con mèo bị giam trong một cái lồng có bình chứa acid. Giả định bình acid bị vỡ hay không chỉ vì một sự phân hủy nguyên tử duy nhất. Sự phân hủy nguyên tử này được giả định là tác nhân mở khóa đập vỡ bình và xác suất vỡ bình là 50%, xác suất nguyên vẹn là 50% trong vòng một tiếng đồng hồ. Nếu bình vỡ, con mèo sẽ chết.
Theo trường phái Copenhagen, khi người ta chưa mở lồng ra, chưa xem xét con mèo sống hay chết thì trạng thái của nguyên tử nọ là sự tổng hợp của hai sóng xác suất nói trên, trạng thái của nó không được xác định. Điều đó có nghĩa là số phận con mèo trong thời gian đó là sự tổng hợp của xác suất “nửa sống nửa chết”. Với hành động mở lồng, người ta xác định số phận con mèo là chết hay sống.
Theo đó thì con mèo chết hay sống chỉ vì hành động mở lồng. Nhưng “thực tế” là nếu con mèo chết thì nó đã chết trước đó. Đó là nghịch lý con mèo nổi tiếng của Schrödinger mà ngày nay người ta còn bàn cãi. Bản thân
Schrödinger, một nhà sáng lập quan trọng của cơ học lượng tử, là người đã viết nên các phương trình sóng cũng “khổ sở” với các hệ quả triết học nghịch thường của lượng tử. Ông từng nói: “Tôi không ưa nó (cơ học lượng tử), thật đáng tiếc là tôi đã từng làm việc với nó”.
Nghịch lý con mèo được Schrödinger nêu lên là để công kích trường phái Copenhagen. Quan điểm của trường phái này được Bohr và Heisenberg phát biểu: “Thuyết lượng tử nói về sự vận hành của tự nhiên trong lĩnh vực nguyên tử, cho thấy nó (tự nhiên) phản ứng thế nào khi được các thiết bị đo lường xem xét”. Trường phái này xem “thiết bị đo lường” có một vai trò trung tâm. Theo quan niệm này, khi không “đo lường” (tức là không mở lồng ra xem xét con mèo) thì con mèo không phải là đối tượng của nền vật lý lượng tử. Cho nên họ không quan tâm con mèo sống hay chết trước khi mở lồng. Họ chỉ quan tâm đến những gì quan sát và đo lường được.
Ngày nay ta biết rõ hơn, thái độ vật lý được gọi là “thực chứng” này chứa đựng một nội dung sâu sắc hơn nữa. Đó là quan niệm thế nào là có và không. Quan niệm này cho rằng khi sự vật không nằm trong tương tác với ý thức con người thì nó “không có”. Nếu con mèo đã không có thì làm gì có con mèo sống hay con mèo chết.
Bởi quan niệm trên của Niels Bohr và Heisenberg phải được phát biểu là “Thuyết lượng tử nói về sự vận hành của tự nhiên trong lĩnh vực nguyên tử, cho thấy nó (tự nhiên) phản ứng thế nào khi được nhận thức bởi một chủ thể có ý thức”. Và nếu phát biểu về thuyết lượng tử như thế thì ta đến rất gần với quan điểm của vị giám mục Berkeley “Ess est percipi, thực tại là thực tại được nhận thức”. Câu này nghe qua khó hiểu nhưng nếu nói một cách khác, ta có thể phát biểu” “không có người quan sát thì không có vật được quan sát”. Không có chủ thể thì không có khách thể.
Nội dung của phát biểu vừa rồi có vẻ khá “điên rồ” nhưng thật ra nó rất phù hợp với quan điểm Trung quán của Phật giáo mà ta sẽ nói đến sau. Ngày nay có nhiều nhà vật lý đã nhìn thực tại theo quan điểm nói trên. Nhà vật lý
người Anh cùng thời với chúng ta John Gribbin từng nói, các hạt như nhân nguyên tử và electron cũng không hề có trước thế kỷ thứ 20 vì trước đó không ai thấy chúng cả.
Thế nhưng ngoài trường phái Copenhagen còn có nhiều quan niệm triết học “điên rồ” hơn nữa. Trường phái “đa thế giới” sẽ nói gì về con mèo trong lồng? Đối với quan điểm này thì có hai con mèo, một con sống và một con chết. Chúng nằm trong hai thế giới khác nhau. Theo phép diễn dịch này thì sự phân hủy nguyên tử đã buộc con mèo lẫn tất cả các thiết bị thí nghiệm phải tách ra làm hai thế giới, trong thế giới này thì con mèo sống, trong thế giới này thì con mèo sống, trong thế giới kia thì con mèo chết. Nếu chúng ta tìm cách biết con mèo sống hay chết thì bản thân chúng ta cũng bị tách đôi, trong thế giới này thì ta thấy con mèo sống, trong thế giới kia ta thấy con mèo chết. Sau người thứ nhất, nếu có thêm mười người nữa muốn biết con mèo sống hay chết thì cả mười người bị tách đôi. Trong thế giới này thì cả mười một người đồng thanh nói con mèo sống, thế giới kia thì họ đều thấy con mèo chết. Nếu có ai nói khác với những người còn lại thì người đó bị đưa vào “nhà thương điên”.
Nhưng chưa hết, giả định sau đó con mèo sống bị đưa vào một tình huống với khả năng xảy ra năm tình trạng khác nhau thì lập tức có năm con mèo “tách ra” và nằm trong năm thế giới mới. Còn con mèo chết kia thì sao? Nó nằm ngoài khả năng nhận thức của người ở thế giới này nhưng nó vẫn có thật. Các con mèo đều có số phận khác nhau, đó là lý do mà quan niệm đa thế giới được Hawking và Gell-Mann gọi tên là thuyết “đa số phận”.
Theo tinh thần của thuyết đa thế giới thì trong vũ trụ mọi thứ đều có, nhưng chỉ có một số biến cố lọt vào trong thế giới riêng lẻ của từng con người. Đó là quan điểm “tất cả đều có”, một thuyết đã từng có mặt trong triết học phương Đông, thí dụ của phái Nhất thiết hữu bộ.
Thú vị thay, các trường phái diễn dịch cơ học lượng tử nêu lên những nhận định cực kỳ khó tin và một số trong đó lại trùng hợp với những luận đề tưởng chừng như phi khoa học, như của Berkey, của Trung quán luận, của Nhất thiết hữu bộ. Chúng ta sẽ còn trở lại những luận điểm này.
Cơ học lượng tử cũng như những phát triển mới nhất của ngành vật lý còn vạch rõ ra một điều cơ bản nữa. Đó là cách suy tư và tất cả những khái niệm của chúng ta đều bị qui định bởi không gian và thời gian đặc biệt của con người. Đó là một không gian ba chiều và thời gian một chiều. Thiết bị máy móc của chúng ta cùng để đo lường cũng bị qui định trong khuôn khổ đó. Nghĩa là khái niệm và thiết bị của chúng ta vốn luôn luôn “cổ điển”, còn đối tượng của chúng ta – thí dụ thế giới hạ nguyên tử - thì tuân thủ các nguyên lý lượng tử. Sự khác biệt cơ bản là, vật bị quan sát và người quan sát nằm ở trong hai bình diện khác hẳn nhau. Và khi đo lường và nhận thức những vận động của cơ học lượng tử, con người không những dùng khái niệm cổ điển để xem xét chúng mà còn dùng để mô tả và diễn dịch chúng. Hành động mô tả và diễn dịch cũng phải dựa trên ngôn ngữ, khái niệm, tức là dựa trên sản phẩm của một thế giới quan cổ điển ba chiều. Đó là cái khó cơ bản nhất của con người khi có tham vọng tìm hiểu tự tính của thực tại. Tức là toàn bộ nhận thức của con người về thế giới “khách quan” không thể đúng như nó (thế giới) là, mà bị phụ thuộc vào chính số phận “ba chiều” của mình.