Góp phần xây dựng nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) con vật thần kì trong truyện cổ tích thần kì người việt (Trang 89 - 91)

Ở chương 1, chúng tôi đưa ra kết luận rằng con vật thần kì chính là một “nhân vật chức năng” riêng biệt, có đóng góp vào diễn biến của các sự việc xảy ra trong truyện. Đó là những con vật biết nói năng, hoạt động, tính cách như con người. Và ở chương 2, chúng tôi có những cách để phân loại nhân vật trong truyện cổ tích thần kì. Nhân vật trong luận văn này mà chúng tôi hướng tới là con vật thần kì, mà mỗi con vật lại mang những chức năng riêng, hành động riêng, bao gồm ba nhóm chức năng chính là: trả ơn, trung gian và báo thù. Hành động của con vật sẽ quyết định con vật đó là tốt hay xấu để người đọc có những cách đánh giá khác nhau.

Trong Thi pháp truyện cổ tích thần kỳ người Việt của Nguyễn Xuân Đức, tác giả chia nhân vật thành những nhóm sau: nhân vật phân tuyến, nhân vật cực tuyến, nhân vật là những nét nhân cách, nhân vật phiếm chỉ và nhân vật chức năng. Tác giả còn đưa ra quan điểm “Rõ ràng mỗi truyện cổ tích đều phản ảnh

một khía cạnh nào đó của nhân vật. Chúng ta không thể tìm ngay trong một truyện mọi nét nhân cách của nhân vật, hay nói cách khác chúng ta không thể tìm được đầy đủ mọi thông tin về nhân vật trong một truyện. Chính vì vậy cổ

tích thường có xu hướng nói về một loại người hơn là một người.”. Bàn luận

về vấn đề này, chúng ta thấy con vật thần kì thuộc kiểu “nhân vật chức năng” nhiều nhất. Trong khi “Chức năng của nhân vật cổ tích khá rõ nét. Nhân vật hầu như hành động theo chức năng đã được định sẵn mà không cần tư duy,

không cần tính toán, suy ngẫm.” (Nguyễn Xuân Đức, 2011). Điều này nếu xét

vào con vật thần kì cũng chưa hoàn toàn thỏa đáng vì con vật mà chúng ta tìm hiểu là những con vật có suy nghĩ, có tình cảm, biết trả ơn khi được cứu giúp,… Tổng kết lại, chúng tôi thấy con vật thần kì có những chức năng trong xây dựng nhân vật như sau:

- Con vật thần kì có tác dụng làm nổi bật tính cách của các nhân vật khác trong truyện, phân biệt được nhân vật nào là tốt, là xấu. Từ đó cách tác động khác nhau đến nhân vật trong truyện.

- Con vật thần kì có thể suy nghĩ và hành động như con người.

- Con vật thần kì biết trả ơn khi được cứu giúp, biết trả thù khi bị hại. - Con vật thần kì là kiểu nhân vật trung gian, hành động của con vật ra sao sẽ phụ thuộc vào cách hành động của nhân vật trong truyện. Chúng không thiên vị cho bất kì ai, ai cũng có thể nhận được phần thưởng nhưng phải đáp ứng được yêu cầu của chúng.

- Con vật thần kì giúp cho đối tượng là con người trong truyện được bộc lộ tính cách, phẩm chất của mình thông qua cách hành xử của con người.

Chức năng xây dựng nhân vật trong truyện thực chất là tiến trình của nhân vật đó được thể hiện như thế nào ở trong truyện, điều này khi phân tích về các nhóm con vật thần kì ở chương 2 cũng đã phần nào đã được làm rõ. Từ đó, chúng ta thấy được con vật thần kì chính là một kiểu nhân vật được xây dựng theo những nét tính cách, hành động giống như con người. Cách xây dựng

nhân vật này của tác giả dân gian phần nào thể hiện lên ý muốn về những “con người” có hành động thần kì như con vật. Phải chăng những khó khăn, thiếu thốn, những bất công tồn tại khiến cho họ khát khao được vẫy vùng, được thoát ra khỏi thực tại bất lực đó. Điều này lại càng tác động khiến người đọc thêm trân trọng và yêu quý con vật - nhân vật thần kì, và chắc hẳn càng yêu quý những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) con vật thần kì trong truyện cổ tích thần kì người việt (Trang 89 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)