Theo Từ điển Tiếng Việt, kết cấu là “Sự phân chia và bố trí các phần, các
chương mục theo một hệ thống nhất định để thể hiện nội dung của tác phẩm”.
Cốt truyện là “Hệ thống sự kiện làm nòng cốt cho sự diễn biến các mối quan hệ và sự phát triển của tính cách nhân vật trong tác phẩm văn học loại tự sự”
(Hoàng Phê, 2002). Như vậy, một truyện cổ tích có ý nghĩa hay không là phụ thuộc vào kết cấu, cốt truyện của truyện cổ tích đó.
Trong Thi pháp truyện cổ tích thần kỳ người Việt, Nguyễn Xuân Đức đã phân loại cốt truyện của truyện cổ tích thần kì theo 4 đặc điểm: Cốt truyện là một chuỗi sự kiện, các sự kiện xâu chuỗi bằng nhân vật trung tâm, cốt truyện
được xây dựng trên những cặp đối tuyến và cốt truyện chi phối nhân vật. Phải
nói rằng với 4 đặc điểm trên, tác giả đã hệ thống rõ ràng những “kiểu” cốt truyện cổ tích thần kì người Việt. Tác giả còn khẳng định “Cổ tích đã loại bỏ những đoạn miêu tả chân dung nhân vật. Nhìn vào một truyện cổ tích người ta chỉ thấy một hệ thống các sự kiện”, “suốt tiến trình câu chuyện là một chuỗi
các sự kiện” (Nguyễn Xuân Đức, 2011). Đặt những quan điểm trên vào 40
truyện cổ tích thần kì đang được khảo sát là hoàn toàn hợp lí. Tuy nhiên, cách xây dựng kết cấu, cốt truyện như vậy lại phù hợp với nội dung của truyện cổ
tích mà tác giả dân gian đã xây dựng. Có những nhân vật chúng ta không biết rõ nguồn gốc, tên tuổi, quê quán,… nhưng chúng ta lại có thể hình dung được đặc điểm về tính cách, về phẩm chất. Có những con vật khi xuất hiện lại chẳng rõ nguồn gốc chúng ở đâu, chúng từ đâu đến như con chim Phượng hoàng trong truyện Phượng hoàng đậu cây khế, truyện chỉ giới thiệu “Có một đàn phượng
từ đâu bay đến, đậu trên cây khế, ăn sạch hết khế”; Hay trong truyện Nhân
tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong cũng vậy, “tự nhiên có con chim đại
bàng ở đâu sà xuống bên cạnh cây lúa của anh mổ lấy mổ để” ,…. Nhưng nếu
trong hai truyện này không có sự xuất hiện của con chim Phượng hoàng và con chim đại bàng thì diễn biến câu chuyện sẽ kết thúc một cách “dở dang”, hay nói cách khác, sự xuất hiện của con vật thần kì có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng kết cấu, cốt truyện cổ tích thần kì. Chúng giúp cho các sự kiện xảy ra trong truyện được kết nối lại với nhau, từ đó mà câu chuyện đi đến kết thúc cuối cùng.
Trong truyện cổ tích thần kì, các cặp nhân vật đối tuyến trong truyện cũng góp phần làm nên cốt truyện. Đặt vào luận văn này, chúng tôi xét theo cặp đối tuyến giữa những con vật thần kì trong truyện, là sự đối tuyến giữa hành động trả ơn và báo thù của 2 con vật trong một câu chuyện nhất định. Như truyện Ai
mua hành tôi, con chim sẻ bé nhỏ bị rơi vào miệng con quạ độc ác, nhờ hành
động cứu giúp của người nông dân mà con chim sẻ được cứu. Cũng từ đó mà 2 con vật này trở thành đối tuyến với nhau: chim sẻ trả ơn bằng lọ nước thần, quạ báo thù bằng hành động quắp bức tranh người vợ của anh nông dân đi. Như vậy, nhờ có sự xuất hiện của con vật thần kì mà các sự kiện xảy ra trong truyện cứ thế hình thành cốt truyện.
Con vật thần kì với sự xuất hiện ở những thời điểm khác nhau trong truyện nhưng đó là sự xuất hiện “dẫn dắt” các tình tiết của truyện đi theo đúng diễn biến của truyện. Ví dụ như con vật thần kì trong nhóm những con vật chịu sự tác động, sai khiến của lực lượng thần kì nên có khả năng hành động thần
kì, dù sự xuất hiện của con vật là do bị sai khiến và chỉ xuất hiện để thực hiện hoàn tất một nhiệm vụ nào đó thì con vật thần kì trong nhóm này đều có vai trò của riêng nó. Con ngỗng trong truyện Con ngỗng kì lạ xuất hiện dưới lệnh của lực lượng thần kì và vai trò của nó là chỉ được nghe theo yêu cầu của người nông dân. Trong truyện Người con út hiếu thảo, con Bạch hạc được lực lượng thần kì gọi tới nhằm đưa người con út qua sông và nó đã thực hiện hoàn thành nhiệm vụ. Trong những truyện khác cũng vậy, mỗi truyện đều có sự xuất hiện của con vật thần kì và con vật thần kì dù có xuất hiện với mục đích hay nhiệm vụ gì thì chúng cũng góp một phần không nhỏ vào kết cấu, cốt truyện của truyện cổ tích thần kì người Việt.
Như vậy, trong tiểu loại truyện cổ tích thần kì người Việt, con vật thần kì mang chức năng góp phần vào xây dựng kết cấu, cốt truyện là một đặc điểm không thể phủ nhận. Chính sự góp phần này mà kết cấu, cốt truyện trở nên trọn vẹn và gây cấn hơn.