Thực chất đây là những tiêu chí để chúng tôi phân biệt và khảo sát sự xuất hiện giữa các con vật trong truyện cổ tích thần kì. Khi đọc một truyện cổ tích thần kì, chúng ta thấy có sự xuất hiện của những con vật khác nhau, ngoài những con vật có yếu tố thần kì ra thì còn có những con vật xuất hiện đúng với bản chất của nó: chim biết bay, cá biết bơi, gà biết gáy,… Đó là những con vật không có yếu tố thần kì, là những con vật chúng ta thấy trong cuộc sống sinh hoạt đời thường của người nông dân, chúng gắn bó cùng người dân trong lao động, sinh hoạt. Chúng có bản năng riêng theo từng giống loài và bản năng này được thể hiện ra bên ngoài theo từng thời kì phát triển của chúng.
Vậy, tiêu chí phân loại trong luận văn này chính là phân loại những kiểu con vật thần kì với từng chức năng thần kì khác nhau theo tiến trình hành động và ý nghĩa của hành động đó trong từng truyện, tiêu chí này cũng xuất phát từ quan điểm của Propp khi nghiên cứu về truyện cổ tích thần kì.
Trước hết chúng tôi đưa ra những cách thức sau đây để xác định hành động thần kì của con vật:
- Thứ nhất: đó phải là những con vật tự bản thân có chứa yếu tố kì ảo, lạ thường. Tự bản thân con vật có một hoặc nhiều món vật quý, món vật này có giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần, có thể làm những hành động mà bản năng
bình thường của nó vốn không thể làm được, có thể hát, có thể nói hoặc nó có thể biết được con người ai tốt ai xấu để ban thưởng hoặc trừng phạt,…và con vật đó xuất hiện xuyên suốt theo diễn biến câu chuyện, hoặc chỉ xuất hiện ở một thời điểm nhưng lại giúp cho câu chuyện đi theo diễn biến đến kết thúc cuối cùng theo mong muốn của tác giả dân gian. Đọc truyện Ai mua hành tôi, chúng tôi thấy con vật xuất hiện trong truyện hoàn toàn phù hợp với tiêu chí trên. Con chim sẻ bị quạ bắt và chuẩn bị ăn thịt thì anh nông dân kịp thời xuất hiện để cứu giúp. Chim sẻ vì được cứu mạng mà tặng cho anh một lọ nước thần, con quạ thì hù dọa sẽ báo thù. Nhờ có lọ nước thần của chim sẻ mà vợ anh nông dân trở nên tuyệt đẹp. Còn quạ thì trả thù bằng cách quắp lấy bức tranh có hình người vợ mang vào cung để hãm hại, ý muốn nhà vua bắt lấy người vợ. Qua đó thực hiện được ý định trả thù của mình, nhưng chính lọ nước thần của chim sẻ lại giúp anh nông dân tìm gặp được vợ và tiêu diệt tên vua lộng quyền. Từ truyện mà chúng ta thấy chim sẻ tuy chỉ xuất hiện một lần nhưng lọ nước nước thần lại là chi tiết xuyên suốt câu chuyện, mang “dáng dấp” của chim sẻ. Còn quạ, nó biết nói và biết hành động để báo thù. Vậy, hai con vật xuất hiện trong truyện phù hợp với đặc điểm, chức năng trên. Ngoài ra còn các truyện khác như: Bầy lợn đá, Con sáo và phú trưởng giả, Hai con vịt vàng,…cũng thuộc vào nhóm hành động trên.
- Thứ hai: đó là những con vật chịu sự tác động, sai khiến của lực lượng thần kì nên có khả năng hành động thần kì. Như con vật xuất hiện trong các truyện: Con ngỗng trong truyện Con ngỗng kì lạ, Con chó đá trong truyện Hai
anh em và con chó đá, Con cá Sấu trong truyện Sự tích con muỗi, ... Đây là
những con vật xuất hiện hoàn toàn phụ thuộc vào “lệnh” hay yêu cầu của thần thánh, tiên, bụt và chúng chỉ làm theo những gì “cấp trên” yêu cầu. Vì vậy nên khi những con vật này bị sai khiến hoặc ép buộc làm theo một mệnh lệnh khác không phải từ “cấp trên” của chúng, chúng sẽ phản kháng và không làm theo những yêu cầu đó.
- Thứ ba: đó là lực lượng thần kì mượn lốt con vật để xuất trong một thời gian. Sau đó, con vật được tháo lốt ra và trở lại thành người. Vì một số nguyên nhân như phải chịu hình phạt, thử lòng đối phương,…Đặc điểm này thấy rõ trong các truyện như: Lấy chồng dê, Nàng tiên ốc, Người lấy cóc, ...Ở kiểu con vật này, chúng tôi nhận thấy có luận văn của tác giả Nguyễn Thị Cao với đề tài
Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam (Trường Đại học Sư
phạm Tp HCM, 2013). Trong luận văn, tác giả đã khảo sát trong 56 truyện và đưa ra các mô típ về đề tài: mô-típ sự ra đời thần kỳ; người đội lốt vật; thách
đố; tài năng thần kỳ; cởi lốt và kết hôn; người em út bị hại; vật phù trợ. Trong
đó, chúng tôi quan tâm đến hai mô típ là người đội lốt vật và mô típ cởi lốt và
kết hôn. Cả hai mô típ đều xuất hiện với tỉ lệ 100%, tức là số lượng các truyện
với kiểu đội lốt và tháo lốt để kết hôn là nhiều, nên chúng tôi quyết định đặt nó làm một đặc điểm riêng để phù hợp với quá trình tìm hiểu.
- Thứ tư: đó là những con vật có nguồn gốc như là một con vật bình thường, nhưng sống lâu năm và thành tinh, có mọi phép thần thông biến hóa. Đây là kiểu con vật thường làm những việc độc ác, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng con người. Sau đó bị chính con người hoặc thần thánh trừng trị thích đáng. Tuy con vật mang đặc điểm này chỉ xuất hiện với bốn truyện:
Chàng đốn củi và con tinh, Con gà trống biến thành ma ác, Người học trò với
ba con quỷ, Tinh con chuột.
- Thứ năm: đó là những con vật xuất hiện ở cuối truyện do bị trừng phạt. Nguồn gốc của đặc điểm này là do con người vi phạm vào quy chuẩn của phẩm chất đạo đức và nhân dân đã trừng trị bằng cách là khiến người đó bị hóa thân thành con vật. Các truyện như: Con mụ Lường bị hóa thân thành con cá he, truyện Nhà sư và con cá Kình thì con cá Kình bị Đức Phật trừng phạt do làm việc xấu, hoặc nhân vật nhà trưởng giả trong truyện Sự tích con khỉ đã bị trừng phạt biến thành con khỉ,... Đây là một trong những nhóm con vật thần kì chứa đựng nhiều quan điểm đạo đức và quan niệm nhân sinh của nhân dân. Tuy
nhiên, khi xem xét về nhóm con vật này, chúng tôi thấy bản thân con vật chỉ xuất hiện ở cuối truyện chứ không góp phần vào từng chi tiết sự việc xảy ra trong câu chuyện đó, tức là con vật xuất hiện còn mờ nhạt và mang chức năng khác so với hướng đi của đề tài, nên chúng tôi sẽ không đi vào mô tả nhóm con vật này.
- Trong quá trình khảo sát, chúng tôi còn thấy có những con vật chỉ xuất hiện thoáng qua trong truyện như truyện Ả chức nàng Ngưu có sự xuất hiện của đàn quạ, truyện Ba chàng thiện nghệ có chim đại bàng, trong truyện Chàng đốn củi khi mà công chúa đang đứng xem thì bị con ác điểu sà xuống tha nàng về hang,…
Qua những cách thức phân loại trên, chúng tôi thấy con vật thần kì xuất hiện trong truyện cổ tích thần kì rất phong phú và đa dạng, những con vật đó xuất hiện với hành động và chức năng khác nhau. Với mỗi chức năng, con vật sẽ đảm bảo thực hiện một nhiệm vụ, vai trò nào đó trong diễn biến câu chuyện mà tác giả dân gian muốn phản ánh. Trong đề tài này, chúng tôi chọn khảo sát nghiên cứu những truyện có con vật xuất hiện với 3 nhóm đặc điểm chức năng chính làm nên sự thần kì đó là:
- Nhóm 1: những con vật tự bản thân có chứa yếu tố kì ảo, lạ thường. - Nhóm 2: những con vật chịu sự tác động, sai khiến của lực lượng thần kì nên có khả năng hành động thần kì.
- Nhóm 3: những con vật được lực lượng siêu nhiên mượn lốt con vật để xuất hiện trong một thời gian với mục đích riêng.
Chúng tôi đưa ra cách chọn này vì một phần những con vật đó có hành động đúng theo khái niệm “thần kì” đã nêu ở trên; một phần đó là những con vật tham gia trực tiếp vào diễn biến của câu chuyện, đẩy câu chuyện lên mức cao trào, thử thách được nhân vật hơn.
Qua quá trình nghiên cứu và khảo sát, chúng tôi nhận thấy các tiêu chí đưa ra đều phù hợp với đặc điểm và chức năng của con vật thần kì, chúng tôi sẽ làm
rõ từng nhóm đặc điểm chức năng của con vật thần kì để đối tượng nghiên cứu được hiểu trên nhiều khía cạnh khác nhau, người đọc có thêm cơ sở để phân loại và đánh giá về hành động chức năng của con vật và từ đó sẽ có cách đánh giá khách quan hơn.