Các lựa chọn sự phạm này là lựa chọn ban đầu cho thực nghiệm của chúng tôi, với mục đích chủ yếu là tạo thuận lợi, giảm bớt khó khăn để học sinh có thể hoàn thành thực nghiệm đạt mục đích ban đầu chúng tôi đặt ra.
𝐕𝟏 : Cách tổ chức cho học sinh làm việc
V1a: Cho học sinh làm việc cá nhân V1b: Cho học sinh làm việc nhóm
V1c: Cho học sinh làm việc theo lớp (tập thể)
Chúng tôi chọn lựa chọn V1b: Cho học sinh làm việc nhóm (từ 4 đến 5 em một nhóm) để có sự tranh luận, tạo ra sự đối kháng mâu thuẫn giữa các thành viên trong nhóm để có thể giải quyết tình huống.
𝐕𝟐: Môi trường cung cấp cho học sinh
V2a: Môi trường giấy bút
V2b: Môi trường công nghệ thông tin
Ở bài toán này, chúng tôi lựa chọn cả 2 lựa chọn trên cho buổi thực nghiệm. Trước tiên, học sinh được thực nghiệm trên môi trường giấy bút và sau đó chuyển qua môi trường công nghệ thông tin.
Ở lựa chọn V2a – Môi trường giấy bút, học sinh vẽ hình theo yêu cầu trong phiếu đưa ra, diễn biến đi từ chưa biết lý do vì sao phải khoét các lỗ, đến việc phải làm như vậy để tính toán làm mô hình trò chơi cho trẻ và cuối cùng là viết thông báo cung cấp số đo cho các bạn lớp khác thực hiện việc khoét các lỗ như đã làm trước đó.
Ở lựa chọn V2b – Môi trường công nghệ thông tin giúp cho sự mô phỏng trò chơi giống với thực tế nhờ vào chức năng tương tác của phần mềm với người dùng thông qua công cụ di chuyển đối tượng – thay đổi kích thước của hình, di chuyển thả hình – mà môi trường giấy bút hạn chế sự mô phỏng thực tế này. Chức năng tương tác rất quan trọng, có thể giúp học sinh khám phá được đâu là vị trí mà các hình thoả được yêu cầu của trò chơi, từ đó đưa ra các dự đoán và chứng minh các dự đoán đó.
𝐕𝟑: Tính chất đa giác
V3a: Đa giác đều
V3b: Không là đa giác đều
Chúng tôi lựa chọn V3a – Đa giác đều, nhằm mục đích tạo thuận lợi cho học sinh trong việc tính toán.
𝐕𝟒 : Số lượng hình được cố định kích thước
V4a : Trong từng cặp 2 hình, có 1 hình được cố định kích thước. V4b : Không có hình nào được cố định kích thước.
Chúng tôi lựa chọn V4a – trong từng cặp 2 hình, có 1 hình được cố định kích thước thì mới tìm đc mối liên hệ giữa 2 hình với nhau, kích thước hình còn lại được tính theo hình được cố định.
𝐕𝟓 : Số lượng chữ số thập phân
V5a: Tuỳ ý, không giới hạn chữ số thập phân. V5b: Chỉ lấy 1 chữ số ở phần thập phân.
Chúng tôi lựa chọn V5b : Chỉ lấy 1 chữ số ở phần thập phân nhằm tạo sự quen thuộc với học sinh vì trong phần hình học, các bài toán giải tam giác trong sách giáo khoa đều yêu cầu học sinh làm tròn 1 chữ số thập phân dù việc lấy 1 chữ số thập phân có sai số nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả.
𝐕𝟔 : Giá trị các cạnh hình vuông, tam giác đều, bán kính hình tròn
V6a: Số quen thuộc (hiểu theo nghĩa các số này được các nhóm chọn lại từ pha 3 trước đó). Vì đây là các số quen thuộc và ở pha 3 các nhóm đã vẽ thử với các số đo này nên dễ xuất hiện các chiến lược trên giấy bút.
V6b: Số không quen thuộc (hiểu theo nghĩa chỉ có số đo của một hình được cho, có thể giống với số đo của nhóm ở pha 3, hình còn lại không được cho số đo cụ thể) khiến cho việc vẽ trên giấy khó khăn hơn so với khi dùng Geogebra hỗ trợ, thúc đẩy chiến lược dùng Geogebra.
Chúng tôi lựa chọn biến V6b ở pha 4 nhằm gây khó khăn cho việc thực hiện chiến lược 𝑆𝑡ℎử−𝑠𝑎𝑖. Lúc này chiến lược Geogebra là một lựa chọn tốt hơn.