3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân
3.2.7. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin hiện đại là nền tảng, là cơ sở để phát triển hoạt động của ngân hàng hiện đại. Đến nay, mặc dù triển khai xong dự án hiện đại hoá ngân hàng, BIDV vẫn cần quan tâm đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin để nâng cao chất lượng đường truyền thông tin, kho dữ liệu...
Đối với các phần mềm hiện sử dụng trong nội bộ BIDV, cần có kế hoạch
bảo trì, nâng cấp hệ thống để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng. Ban Công nghệ đầu mối phối hợp với Trung tâm CNTT xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai quyết liệt dự án nâng cấp SIBS. Trung tâm CNTT cần đẩy mạnh nghiên cứu nâng cấp phần mềm thẩm định dự án tín dụng sao cho đỡ phức tạp cho cán bộ thẩm định dự án, nâng cấp phần mền hệ thống xếp hạng doanh nghiệp để liên kết các chương trình với nhau để số liệu được thống
nhất và tập trung cao, thuận tiện trong quản trị, cụ thể là:
- Liên kết phân hệ tín dụng và phân hệ khách hàng của hệ thống SIBS với phần mềm XHTDNB để khai thác được những thông tin khách hàng đã được khai báo trên hệ thống SIBS: Tên khách hàng, loại hình doanh nghiệp,
mã chi nhánh, số CIF khách hàng, mã số thuế, dư nợ (tổng dư nợ, dư nợ ngắn hạn, dư nợ trung dài hạn).
- Tích hợp và liên kết phần mềm XHTDNB với phần mềm đánh giá thực trạng tài sản đảm bảo tiền vay, xác định mức DPRR phải trích.
- Liên kết khách hàng giữa các kỳ chấm điểm với nhau để có thể theo dõi việc khách hàng đổi hạng và nhóm nợ cũng như kiểm soát được các thông tin của khách hàng biến động qua các kỳ khác nhau.
- Xây dựng chương trình quản trị dòng tiền của khách hàng, của từng loại sản phẩm.
- Xây dựng chương trình phần mềm theo dõi và kiểm soát giới hạn tín dụng theo ngành nghề.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về khách hàng, sự phát triển kinh tế, ngành nghề, lĩnh vực để tạo nguồn dữ liệu cho công tác phân tích dự báo.
3.2.8. Sử dụng các công cụ bảo hiểm và bảo đảm tiền vay
RRTD xuất phát từ nhiều nguyên nhân rất đa dạng mà đôi khi những rủi ro đó ngân hàng không thể lường trước được. Vì vậy sử dụng các công cụ bảo hiểm và áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay để hạn chế tổn thất khi rủi ro xảy ra là cực kỳ quan trọng. Một số giải pháp cần thực hiện:
- Yêu cầu khách hàng vay phải mua bảo hiểm trong quá trình xây dựng và bảo hiểm công trình (đối với các dự án đầu tư), bảo hiểm hàng hóa... Trên thực tế thời gian qua, nhờ sử dụng yêu cầu này mà những tổn thất vốn vay do thiên tai gây ra đã được cơ quan bảo hiểm thanh toán, giảm thiểu đáng kể những tổn thất.
- Hoàn thiện về mặt pháp lý của các tài sản bảo đảm tiền vay để thuận lợi trong xử lý tài sản bảo đảm, nguồn thu nợ thứ hai khi RRTD xảy ra. Qua xử lý một số tài sản bảo đảm tiền vay cho thấy sở hữu về tài sản không rõ ràng, không có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nên việc bán tài sản rất khó
khăn (cơ quan công chứng không chịu công chứng hợp đồng, người mua e ngại...). Nguyên nhân của tình trạng này là do khách hàng ngại tốn chi phí nên không đăng ký sở hữu tài sản (đặc biệt là đối với nhà xưởng, công trình trên đất), ngân hàng không đôn đốc khách hàng hoàn thiện các thủ tục về tài sản bảo đảm, việc đăng ký sở hữu tài sản trên đất gặp nhiều khó khăn về thủ tục.nên khá nhiều tài sản trên đất, đặc biệt là nhà xưởng, công trình xây dựng trên đất thế chấp tại Chi nhánh chưa có giấy tờ về sở hữu tài sản. Do đó hồ sơ bảo đảm tiền vay không đầy đủ, gây khó khăn cho quá trình xử lý tài sản thu hồi nợ. Để giảm những rủi ro về mặt pháp lý, cần thỏa thuận việc hoàn thiện về thủ tục đăng ký sở hữu tài sản sau khi dự án hoàn thành là một điều kiện tín dụng, đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, liên tục rà soát hồ sơ pháp lý và thực trạng của tài sản bảo đảm.
3.2.9. Giải pháp về nhân sự
Yếu tố con người luôn là yêu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự thành bại của bất cứ một hoạt động nào trên mọi lĩnh vực. Đối với hoạt động tín dụng thì yếu tố con người lại càng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng để phát hiện, đánh giá và hạn chế kịp thời RRTD nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra tổn thất tín dụng từ những rủi ro xuất phát từ yếu tố đạo đức, năng lực yếu kém. Vì vậy chỉ có thể nâng cao hiệu quả quản trị RRTD bằng cách sử dụng con người là yếu tố tiên quyết trong vận hành cơ chế quản trị RRTD một cách hiệu quả. Một mô hình quản trị RRTD có hoàn hảo, một quy trình cấp tín dụng có chặt chẽ đến mấy nhưng những con người cụ thể để vận hành mô hình đó bị hạn chế về năng lực hoặc không đáp ứng được các yêu cầu về đạo đức thì sự thiệt hại, tổn thất tín dụng vẫn xảy ra, thậm chí là rất nặng nề. Do đó, các giải pháp về nhân sự giữ một vai trò cốt yếu trong xây dựng các biện pháp phòng ngừa RRTD. Một số nội dung trong giải pháp này:
- Lựa chọn những cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn và đạo
đức tốt để bố trí vào bộ phận tín dụng, quản trị RRTD. Trong các công việc ngân hàng, tín dụng là một nghề đòi hỏi phải có năng lực về phân tích, đánh giá, tính chịu trách nhiệm rất cao và luôn có những cạm bẫy nên cần có bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp. Do đó cần tiêu chuẩn hóa CBTD theo các tiêu chí chuyên môn, đạo đức rõ ràng, làm cơ sở để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm việc trong một môi trường đầy rủi ro.
- Bố trí đủ và phân công công việc hợp lý cho cán bộ, tránh tình trạng quá tải cho cán bộ để đảm bảo chất lượng công việc, giúp cho cán bộ có đủ thời gian nghiên cứu, thẩm định và kiểm tra giám sát các khoản vay một cách có hiệu quả.
- Tăng cường công tác đào tạo, tái đào đạo, thực hiện đào tạo định kỳ và thường xuyên để nâng cao trình độ kiến thức cũng như khả năng vận dụng những kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong thẩm định tín dụng, quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Đào tạo phải theo đúng định hướng, chú trọng đào tạo ngắn hạn theo các chuyên đề bổ trợ cho công việc trực tiếp hàng ngày, đào tạo nâng cao cho các cán bộ chủ chốt và đã được quy hoạch để xây dựng bộ khung cho sự phát triển ổn định và vững chắc sau này.
- Gắn kết việc đào tạo với việc bố trí và sử dụng đúng người, đúng việc, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với từng bộ phận chức năng, gắn trách nhiệm đi đôi vơi quyền lợi, tạo đồng lực khuyến khích người lao động. Xây dựng cơ chế điều hành thông suốt và phối hợp trôi chảy từ cấp trên xuống cấp dưới, gữa các bộ phận trong ngân hàng để tạo ra sự đồng thuận cao trong việc thực hiện mục tiêu kinh doanh của ngân hàng.
- Thực hiện luân chuyển cán bộ trong quản trị khách hàng để giảm trừ những tiêu cực do những mối quan hệ được tạo lập quá dài.
- Cán bộ làm tại bộ phận quản trị rủi ro phải có một tiêu chuẩn rõ ràng về trình độ, kinh nghiệm thực tế, thời gian trải qua công tác tại bộ phận quan
hệ khách hàng. Kiên quyết loại bỏ, thuyên chuyển sang bộ phận khác những cán bộ yếu về tư cách đạo đức, thiếu trung thực, những CBTD thiếu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.
- Xây dựng cơ chế tiền lương phù hợp với hiệu quả công việc, đảm bảo cho cán bộ yên tâm công tác, động viên và khuyến khích kịp thời những cá nhân có đóng góp tích cực và có giá trị đến kết quả kinh doanh của BIDV, quan tâm đến đời sống tinh thần của cán bộ, nhân viên, tôn trọng nhân tài cá nhân, tạo điều kiện để tài năng cá nhân được phát huy tối đa, hạn chế các vụ việc tiêu cực trong hoạt động nghiệp vụ.
Việc mở rộng mạng lưới hoạt động phải đi đôi với khả năng quản lý, nhất là quản trị RRTD. Ngoài việc tăng cường giáo dục nhận thức, trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, ngân hàng cần quan tâm giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tăng cường quản lý rủi ro đạo đức, nâng cao nhận thức trách nhiệm, tinh thân tự giác đối với cán bộ tín dụng và quản trị RRTD.
3.3. KIẾN NGHỊ
3.3.1. Với Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan
• Đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô
Trong việc hoạch định chính sách, cần cân đối một cách thích hợp giữa các mục tiêu thích ứng yêu cầu phát triển kinh tế, ổn định tiền tệ và sự phát triển bền vững của hệ thống NHTM, tránh tình trạng thắt chặt hoặc thả lỏng quá mức, thay đổi định hướng quá đột ngột gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kinh doanh của NHTM.
• Hoàn thiện môi trường pháp lý
Khung khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng về cơ bản đã được tạo lập. Tuy nhiên, trong thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập do vậy đề nghị cần hoàn thiện các ngành luật và các văn bản dưới luật có liên quan để tạo môi trường pháp lý vững chắc cho hoạt động ngân hàng đặc biệt hoàn chỉnh
hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến việc xử lý phát mại tài sản thế chấp nhằm tạo thế chủ động hơn cho ngân hàng trong vấn đề xử lý tài sản thế chấp khi người vay không còn khả năng thanh toán nợ hoặc không có thiện chí trả nợ.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Trong đó quy định định rõ vai trò của NHTM, với tư cách là bên cho vay, đối với các quyết định liên quan đến việc cổ phẩn hoá doanh nghiệp như việc định giá doanh nghiệp.
Do yêu cầu về quản trị đất đai, Nhà nước mà trực tiếp là chính quyền địa phương nên xem xét tiếp tục đẩy nhanh và hoàn thiện các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một mặt làm tăng thu ngân sách nhà nước, một mặt tạo điều kiện làm chủ quyền sử dụng đất của nhân dân và để đáp ứng các điều kiện vay vốn có tài sản bảo đảm của ngân hàng. Bên cạnh đó Nhà nước cũng nên xem xét xác nhận việc thực hiện thế chấp bảo đảm tiền vay đối với tài sản là quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất song chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, các tài sản này sẽ được định giá trên cơ sở có loại trừ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Ban hành các chế tài về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay đảm bảo nhanh chóng, chính xác, đảm bảo lợi ích cho cả ngân hàng đầu tư vốn, và bên có tài sản thế chấp cầm cố.
• Minh bạch hóa chính sách, thông tin và chế tài xử phạt hợp lý
Minh bạch hóa mọi sự thay đổi của pháp luật và chính sách của Nhà nước là một yêu cầu đặt ra đảm bảo sự phát triển cho mọi chủ thể giảm rủi ro cho hoạt động tín dụng của ngân hàng. Mọi chủ thể trong nền kinh tế đều hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước ban hành ra các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn, các chính sách để các chủ thể trong nền kinh tế hoạt
động theo. Vì vậy, mọi sự thay đổi liên quan đến luật pháp và chính sách của nhà nước đều ảnh hưởng đến hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế. Nhà nước cần xem xét thông báo những chính sách một cách rõ ràng nhất đến mọi đối tượng trong nền kinh tế, đảm bảo mọi sự thay đổi cần tham khảo ý kiến, và mọi sự thay đổi cần thực hiện một cách có lộ trình tránh hiện tượng các chủ thể hoạt động trong nền kinh tế bị sốc chính sách.
Minh bạch, công khai thông tin doanh nghiệp và có chế tài xử phạt hợp lý đối với việc không thực hiện là một yêu cầu để đảm bảo các thông tin ngân hàng nhận được từ doanh nghiệp là kịp thời, chính xác, đảm bảo hiệu quả trong công tác thẩm định khách hàng, nhận diện rủi ro trong hoạt động tín dụng. Hiện nay, thông tin các doanh nghiệp đưa ra cho những đối tượng khác nhau không giống nhau. Mặc dù, một số doanh nghiệp thuê kiểm toán độc lập nhằm công khai và minh bạch thông tin hoạt động của mình. Song, mức độ còn chưa như mong muốn. Nhiều doanh nghiệp vẫn có những thủ thuật để che giấu thông tin. Vì vậy, việc Nhà nước cần xem xét để có một chế tài xử phạt hợp lý là một cách để các doanh nghiệp tuân thủ việc công khai và minh bạch hóa thông tin.
• Chính phủ chỉ đạo toà án, bộ, ngành, các cơ quan thực thi pháp luật cần tạo điều kiện, cơ chế hỗ trợ tích cực cho ngân hàng trong công tác xử lý các vụ kiện và thi hành án được nhanh chóng; giúp ngân hàng tận thu nợ gốc, lãi vay quá hạn.
3.3.2. Với Ngân hàng Nhà nước
• Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng
Trung tâm thông tin tín dụng CIC của NHNN có chức năng thu thập thông tin của các doanh nghiệp, cá nhân thông qua việc nhận thông tin từ các TCTD trong và ngoài nước có hoạt động tại Việt Nam. Trong những năm qua, thông tin mà trung tâm thông tin tín dụng CIC thuộc NHNN cung cấp cho các
TCTD là nguồn tin quan trọng trong việc thẩm tra thẩm định khách hàng vay vốn. Tuy nhiên, hoạt động của trung tâm thông tin tín dụng CIC vẫn còn hạn chế. Đó là thông tin về doanh nghiệp trung tâm cung cấp cho các TCTD có độ trễ tương đối lớn có nghĩa là thông tin thường có tính cập nhật không cao, nhiều thông tín cung cấp vẫn còn chưa chính xác, chưa có sự phân tích đánh giá cụ thể tình hình doanh nghiệp và có những cảnh báo kịp thời, thời gian cung cấp thông tin còn chưa nhanh. Chính vì vậy, trong thời gian tới, NHNN mà trực tiếp là trung tâm thông tin tín dụng nên xem xét để có những giải pháp nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động để tạo ra những nguồn thông tin quan trọng, kịp thời cho các NHTM, cảnh báo những rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTM. Một số biện pháp NHNN nên xem xét thực hiện:
- Phối hợp chặt chẽ với các NHTM, mạng thông tin quốc gia, cơ quan quản trị nhà nước để thu thập thêm các thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh, tình hình quan hệ tín dụng của các cá nhân và tổ chức kinh tế.
- Có chế tài xử phạt hợp lý đối với các TCTD không thực hiện cung cấp thông tin, cung cấp thông tin không kịp thời.
- Thực hiện tham khảo thông tin từ các tổ chức, ngân hàng trên thế giới đối với các pháp nhân nước ngoài thực hiện hoạt động tại Việt Nam.
- Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, áp dụng những tiến bộ mới nhất của khoa học công nghệ trong việc thu thập thông tin và công bố thông tin.
• Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát
Tăng cường hiệu quả thanh tra giám sát hoạt động tín dụng tại các ngân hàng nhằm hạn chế RRTD. Giám sát kỷ luật hoạch toán và việc CBTD tuân thủ các quy định về tín dụng đã được đề ra trong quy trình cấp tín dụng.