6. Kết cấu bài luận văn
3.3.1. Kiến nghị đối với Chính phủ
3.3.1.1. Xây dựng môi trường pháp lý an toàn, thân thiện
Chính phủ cần hoàn thiện và đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới, dịch vụ trung gian thanh toán, ban hành quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng và bên thứ ba, đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động ổn định, hạn chế rủi ro phát sinh và giám sát các hình thức, công cụ, hệ thống thanh toán mới. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng thương mại và các tổ chức không phải ngân hàng, tăng cường các biện pháp bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng các dịch vụ thanh toán thẻ.
Ngoài ra, Chính phủ cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng cho các điểm bán hàng, hoặc giảm thuế doanh thu mà doanh nghiệp
được giao dịch qua thẻ, thuế nhập khẩu các thiết bị POS, ATM, Máy sản xuất thẻ... bổ sung cho Quyết định 20/2007/QĐ - NHNN ban hành ngày 15/05/2007 về việc ban hành quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thanh toán thẻ ngân hàng.
3.3.1.2. Ban hành các tội danh và khung hình phạt
Hiện nay, tại Việt Nam Chính phủ đã ban hành một số quy định liên quan đến hoạt động thanh toán thẻ như Thông tư 19/2016/TT-NHNN Quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, những Thông tư này chưa có những quy định cụ thể về mức phạt với từng hành vi vi phạm thanh toán thẻ của người dùng, đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ, và ngân hàng. Ngoài ra, về tội danh liên quan đến lừa đảo, giả mạo thẻ thanh toán cũng chưa được đề cập và có mức xử lý cụ thể. Cho nên, Chính phủ cần sớm ban hành quy định tội danh và khung hình phạt nghiêm khắc trong Bộ luật Hình sự cho loại tội phạm sử dụng thẻ giả và cấu kết lừa đảo giả mạo giao dịch thẻ. Các hoạt động giả mạo thẻ thường có liên quan đến yếu tố nước ngoài nên Chính phủ có thể tham khảo luật và quy định của các tổ chức thẻ quốc tế như VISA, MasterCard và JCB cũng như các quy định của luật pháp quốc tế để ban hành các điều khoản có tính thực thi cao, phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh những tranh chấp quốc tế có thể xảy ra mà không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật Việt Nam.
Nhà nước cần áp dụng các biện pháp mạnh, có quy định cụ thể đối với tổ chức và cá nhân được phép thanh toán bằng tiền mặt với mức tiền cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển chung của nền kinh tế. Ví dụ, hiện nay nên quy định đối với cá nhân, thanh toán dưới 5 triệu đồng, đối với tổ chức dưới 10 triệu đồng được sử dụng tiền mặt, trên mức đó phải thanh toán KDTM. Đồng thời phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
3.3.1.3. Ban hành các quy định và chính sách khuyến khích về thanh toán thẻ
Chính phủ nên khuyến khích các ngân hàng thương mại trích một phần vốn điều lệ của ngân hàng thương mại vào đầu tư mạng lưới thanh toán thẻ thông qua các chính sách hỗ trợ hay giảm thuế, miễn thuế thu từ hoạt động thanh toán thẻ cho Ngân hàng.
Chính phủ nên chỉ đạo Bộ Công Thương ban hành các chính sách khuyến khích để các đơn vị lớn như cơ sở bán hàng, dịch vụ có số vốn lớn, siêu thị, trung tâm thương kết nối với các cổng thanh toán được cấp phép và cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ cho người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, Chính phủ nên nghiên cứu đưa ra các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ để lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ và ký hợp đồng thanh toán thẻ với ngân hàng để hỗ trợ khách hàng, người tiêu dùng mua sắm, chi tiêu bằng thẻ thanh toán.