2.3.2.1. Những hạn chế
Tuy những năm vừa qua, VietinBank - Chi nhánh KCN Phú Tài có những kết quả rất tích cực trong hoạt động tín dụng nhưng công tác quản trị RRTD vẫn còn bộc lộ những hạn chế sau:
Thứ nhất, mô hình tổ chức quản lý rủi ro tín dụng tại chi nhánh hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Chi nhánh hiện tại không có phòng ban chuyên về xử lý nợ. Do vậy khi phát sinh khoản nợ có vấn đề, bộ phận chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, xử lý và báo cáo chính vẫn là bộ phận phát triển kinh doanh, chính là các cán bộ QHKH tại chi nhánh. Cán bộ QHKH tại chi nhánh phải thực hiện tất cả các công việc liên quan đến một khoản tín dụng bao gồm: tìm kiếm khách hàng, thu thập thông tin và hồ sơ, thực hiện công tác thẩm định, giải ngân, nhắc nợ khách hàng, giám sát sau cho vay và xử lý rủi ro khi khoản vay trở thành nợ xấu. Điều này gây áp lực rất lớn lên cán bộ QHKH, làm giảm đi năng suất làm việc cũng như mục tiêu chính của bộ phận QHKH là phát triển kinh doanh.
Thứ hai, về công tác chấm điểm XHTDNB còn nhiều bất cập.
Nguồn nhập liệu chưa đáng tin cậy do báo cáo tài chính của doanh nghiệp chưa bắt buộc phải kiểm toán, nguồn thu nhập đối với khách hàng cá nhân đôi khi khó tiếp cận thông tin. Các chỉ tiêu để đánh giá xếp hạng phi tài chính có tỷ trọng điểm chưa phù hợp, cách cho điểm phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan của cán bộ
thực hiện chấm điểm. Do vậy cán bộ có thể điều chỉnh điểm theo hướng có lợi để cấp tín dụng cho khách hàng.
Thứ ba, công tác thẩm định khách hàng còn nhiều khó khăn.
Việc tiếp cận thông tin khách hàng còn nhiều khó khăn, cán bộ QHKH thẩm định theo ý chí chủ quan của bản thân, việc thẩm định chú trọng nhiều vào tài sản bảo đảm mà có phần xem nhẹ những thông tin liên quan khác. Việc nắm bắt quy trình quy định của các cán bộ, đặc biệt là cán bộ QHKH, những người hiện tại đang phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ và không có thời gian để nghiên cứu sâu rộng các văn bản của NHCT hiện còn nhiều hạn chế. Vì vậy khi đối mặt với rủi ro, cán bộ QHKH còn nhiều lúng túng, việc tìm kiếm quy định cũng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng công việc cũng như tốc độ xử lý của cán bộ.
Thứ tư, việc kiểm tra, giám sát sau cho vay chưa thực sự hiệu quả.
Mặc dù về tổng thể chi nhánh kiểm soát tốt chất lượng tín dụng trong những năm gần đây tuy nhiên về công tác kiểm tra định kỳ, giám sát sau cho vay đối với từng khách hàng còn lỏng lẻo. Còn nhiều phòng ban, cán bộ chưa thực hiện theo đúng quy định với tần suất kiểm tra 3 tháng/lần với các khoản vay ngắn hạn và 6 tháng/lần đối với các khoản vay trung dài hạn. Việc kiểm tra chỉ được thực hiện khi phòng KTKS nội bộ tiến hành chuyên đề kiểm tra hoặc khi khách hàng gặp vấn đề dẫn đến không thanh toán nợ đúng hạn. Điều này gây ra rủi ro rất lớn cho chi nhánh vì công tác theo dõi, giám sát sau cho vay không được thực hiện thường xuyên liên tục.
Thứ năm, tình hình chất lượng nợ quý 2/2021 có chiều hướng suy giảm.
Tỷ lệ nợ xấu của chi nhánh tăng gấp 31 lần so với năm 2020. Nợ xấu tăng đột biến đến từ một khoản vay tài trợ dự án lớn là dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức hợp đồng BOT của Công ty Cổ phần BOT Biên Cương. Tuy chỉ là khoản nợ xấu xuất phát từ một khách hàng, không thể đem lại cái nhìn chung về RRTD của toàn bộ các khoản vay khác, nhưng cũng bộc lộ phần nào hạn chế của
chi nhánh trong việc thiếu kinh nghiệm trong cho vay tài trợ các dự án lớn và thời hạn dài.
Thứ sáu, chi nhánh chưa chú trọng quản lý danh mục tín dụng.
Một hạn chế nữa cũng cần lưu ý trong quá trình cấp tín dụng tại chi nhánh, đó là quyết định cấp tín dụng cho một khoản vay/khách hàng chủ yếu dựa trên các đặc điểm của riêng khoản vay/khách hàng đó mà chưa xem xét, đánh giá tác động của khoản vay/khách hàng đó tới tổng thể rủi ro của danh mục đầu tư theo ngành, lĩnh vực kinh tế, khu vực địa lý và các sản phẩm cụ thể.
Thứ bảy, tiềm ẩn rủi ro từ việc cho vay vốn nhưng không thẩm định kỹ mục đích sử dụng vốn vay.
Tình hình khách hàng giải ngân vốn vay bằng tiền mặt vẫn rất lớn. Điều này dẫn đến việc khó kiểm soát dòng tiền của khách hàng, dẫn đến nhiều khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, tăng nguy cơ dẫn đến rủi ro tín dụng cho chi nhánh. Mặt khác tình trạng khách hàng khai báo mục đích sử dụng vốn khác với việc sử dụng vốn thực tế, lừa dối cán bộ QHKH, vay hộ, vay ké vẫn còn xảy ra.
Thứ tám, nguyên tắc hoán đổi lợi nhuận - rủi ro chưa được áp dụng tại chi nhánh.
Điều này thể hiện ở việc định giá khoản vay còn mang tính chung chung, áp dụng cùng một lãi suất đối với các khoản vay có mức độ rủi ro khác nhau.
2.3.2.2. Nguyên nhân
a. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, năng lực và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ nhận viên chưa cao.
Cán bộ tín dụng tại chi nhánh đa phần tuổi đời còn trẻ, nhiều cán bộ chỉ mới ra trường ít lâu, kinh nghiệm làm việc còn thiếu. Một số cán bộ còn chạn chế về ý thức học hỏi, trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu tập trung trong công việc, làm việc theo lối mòn của những cán bộ đi trước. Việc kiểm soát nợ xấu lại đòi hỏi không chỉ trình độ nghiệp vụ vững vàng mà còn phải nắm chắc các quy định và kỹ năng xử lý khéo léo. Trong khi đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên
môn cho nhân viên tại chi nhánh chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Hiện tại cán bộ QHKH tại chi nhánh chủ yếu được đào tạo các lớp nghiệp vụ về công tác bán hàng, đào tạo về sản phẩm nghiệp vụ mới, hướng dẫn thẩm định khách hàng. Các nội dung khác thiên về quản lý rủi ro như nhận biết thật giả về chứng từ, sổ sách, giấy tờ liên quan tài sản bảo đảm, sổ tay nhận diện rủi ro khi cho vay, hay các lớp đào tạo về nghiệp vụ xử lý nợ phần lớn hướng đến đối tượng là các cán bộ hỗ trợ tín dụng, cán bộ phòng tổng hợp, trong khi đó việc xử lý rủi ro tại chi nhánh vẫn là cán bộ QHKH thực hiện. Điều này dẫn đến những bất cập trong công tác tổ chức quản lý, phân công nhiệm vụ và đào tạo của NHCT và chi nhánh.
Thứ hai, lãnh đạo phòng ban còn thiếu sót trong khâu quản lý.
Việc điều hành quản lý phòng ban của một số lãnh đạo phòng tập trung chủ yếu vào phát triển kinh doanh, tìm kiếm khách hàng mà không quá chú trọng vào khâu kiểm soát rủi ro, dẫn đến việc ra quyết định tín dụng không dựa trên công tác thẩm định sâu sát, tìm hiểu kỹ thông tin khách hàng, tạo ra lỗ hổng để cán bộ hoặc khách hàng lợi dụng. Đây cũng là một nguyên nhân mà chi nhánh cần phải quan tâm lưu ý nhiều hơn trong công tác kiểm soát RRTD.
Thứ ba, chi nhánh hiện tại vẫn coi tài sản đảm bảo là yếu tố quan trọng khi quyết định cho vay.
Điều này chịu ảnh hưởng một phần vì giai đoạn trước đây chi nhánh phát sinh rất nhiều khoản nợ xử lý rủi ro do cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm, hoặc chỉ bảo đảm một phần. Với chính sách này, cán bộ tín dụng chưa thật sự đánh giá đúng mức tư cách cá nhân và KHDN khi vay vốn, không coi trọng tính khả thi của phương án sản xuất, kinh doanh từ đó dẫn đến việc thẩm định còn sơ sài. Đây là điều rất đáng lo ngại, một mặt ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng, mặt khác bỏ lỡ những cơ hội phát triển các khách hàng có tình hình sản xuất kinh doanh tốt.
Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát sau giải ngân còn chưa sát sao.
Việc kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần đối với các khoản vay ngắn hạn và 6 tháng/lần đối với các khoản vay trung dài hạn chưa thực sự được cán bộ QHKH tại
chi nhánh nghiêm túc thực hiện. Điều này tạo ra lỗ hổng rất lớn trong khâu kiểm soát RRTD tại chi nhánh hiện nay.
Thứ năm, chi nhánh chưa có bộ nhận diện rủi ro riêng cho hoạt động tín dụng tại chi nhánh.
Công tác thẩm định của các cán bộ, nhất là cán bộ mới còn ít kinh nghiệm phần nào sẽ gặp khó khăn do chi nhánh không có bộ công cụ nhận diện rủi ro cụ thể. Việc thẩm định khách hàng bị phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của cán bộ thẩm định. Thời gian thẩm định tương đối ngắn do áp lực hoàn thành sớm hồ sơ và kinh nghiệm thẩm định ít ỏi, không có bộ nhận diện rủi ro sẽ là nguyên nhân dẫn đến RRTD tại chi nhánh.
Thứ sáu, việc lựa chọn danh mục cho vay tại chi nhánh còn nhiều rủi ro.
Chi nhánh lựa chọn tham gia tài trợ vốn vay cho những dự án cho vay liên chi nhánh, quy mô lớn và có thời hạn dài. Đa phần các dự án cho vay theo hình thức liên chi nhánh thường có số vốn tài trợ rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cao. Khi tham gia vào dự án tài trợ đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức hợp đồng BOT của Công ty Cổ phần BOT Biên Cương, VietinBank - Chi nhánh KCN Phú Tài là chi nhánh thành viên. Trong công tác thẩm định cấp tín dụng, việc tiếp xúc với khách hàng khác địa bàn, địa bàn xa và việc nắm bắt thông tin về khách hàng căn bản vẫn còn chưa sâu sát, chủ yếu tìm hiểu qua giấy tờ, văn bản làm việc của chi nhánh đầu mối. Chi nhánh cũng còn thiếu kinh nghiệm trong việc cho vay các dự án lớn dẫn đến các quyết định khi tham gia thường nhắm đến con số dư nợ mà chi nhánh được chia sẻ, mà bỏ qua rủi ro tín dụng tiềm tàng rất lớn từ những dự án như trên. Vì để thuận tiện cho khách hàng nên trong giao dịch, khách hàng chỉ làm việc với chi nhánh đầu mối, điều này cũng gây bất lợi cho các chi nhánh thành viên trong việc tiếp cận sớm các thông tin về khách hàng. Nhìn chung trong quy trình cho vay những dự án lớn, dự án mang tính trọng điểm quốc gia, để phân tán rủi ro và phù hợp với giới hạn cấp tín dụng của từng chi nhánh, NHCT đã lập ra quy trình cho vay liên chi nhánh. Tuy nhiên việc lựa chọn dự án tài trợ vẫn là từ phía chi
nhánh. Các dự án lớn nói chung, và các dự án BOT nói riêng, là các dự án đã được nhiều chuyên gia cảnh báo về mức độ rủi ro rất cao. Cùng với đó là việc dự toán phương án tài chính của chủ đầu tư không đạt như yêu cầu, vì vấp phải nhiều sự phản đối thu phí từ người sử dụng phương tiện giao thông lưu thông qua trạm thu phí buộc chủ đầu tư phải miễn giảm phí nhiều lần. Đến đầu năm 2021 thì khách hàng gặp khó khăn trong việc hoàn trả nợ vay, việc hoàn trả phụ thuộc lớn vào bên bảo lãnh thứ ba là tập đoàn Sun Group. Những yếu tố ảnh hưởng trên đã khiến cho khoản nợ vay liên chi nhánh của VietinBank - Chi nhánh KCN Phú Tài trở thành nợ xấu, làm cho tỷ lệ nợ xấu quý 2/2021 tăng đột biến. Rủi ro tín dụng đến từ khoản vay liên chi nhánh tài trợ cho dự án BOT trên đã xảy ra. Hiện tại chi nhánh vẫn còn những dự án tương tự, chủ yếu cho vay các dự án cho vay bất động sản như: dự án bất động sản du lịch, khách sạn, resort, chung cư thương mại. Đây cũng là lĩnh vực đầu tư bất động sản tiềm ẩn rủi ro cao, có thể gia tăng RRTD trong tương lai nếu chi nhánh không giám sát khoản vay hiệu quả.
b. Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, môi trường kinh tế xã hội chưa ổn định.
Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội,... biến động bất thường ngoài dự kiến. Hiện tại việc xây dựng chiến lược kinh doanh và chiến lược quản trị rủi ro của NHCT mang tính trung dài hạn, từ 3 đến 5 năm. Tình hình kinh tế xã hội toàn cầu hiện nay gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân bất khả kháng, đó là những ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến từ đại dịch Covid-19 kéo dài từ cuối năm 2019 cho đến nay, tình hình vẫn chưa khả quan hơn. Các chính sách, biện pháp tăng cường kiểm soát dịch bệnh, rồi lại nới lỏng giãn cách, lặp đi lặp lại trong những năm qua khiến cho các kế hoạch, định hướng của NHCT ít nhiều bị ảnh hưởng, cũng như kế hoạch phát triển kinh doanh, kiểm soát rủi ro tại VietinBank - Chi nhánh KCN Phú Tài gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, cơ chế chính sách về kinh tế và công tác giám sát từ xa của NHNN còn nhiều vấn đề chưa phù hợp thực tế.
Các định hướng phát triển của Nhà nước thường xuyên thay đổi, điều chỉnh cơ chế chính sách làm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Cơ chế chính sách của Chính phủ, của NHNN về cho vay, bảo đảm tiền vay, xử lý nợ xấu... còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với thực tế, đổi mới và chỉnh sửa bổ sung còn chậm. Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ, NHTM có quyền xử lý tài sản đảm bảo nợ vay. Trên thực tế, các NHTM không làm được điều này vì ngân hàng là một tổ chức kinh tế, không phải là cơ quan quyền lực nhà nước, không có chức năng cưỡng chế buộc khách hàng bàn giao tài sản đảm bảo cho ngân hàng để xử lý. Việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo của NHTM cần có sự hỗ trợ của Cơ quan Công an các cấp. Công tác xử lý tài sản bảo đảm qua thi hành án, qua trung tâm bán đấu giá còn chậm, không hiệu quả. Bên cạnh đó các chính sách khác của NHNN còn nhiều kẽ hở và các NHTM tận dụng những kẽ hở này để lách luật, nhằm tạo điều kiện vay vốn dễ dàng hơn cho khách hàng.
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả của NHNN.
Bên cạnh những cố gắng và kết quả đạt được trong những chính sách kinh tế vĩ mô, hoạt động thanh tra ngân hàng và đảm bảo an toàn hệ thống của NHNN chưa có sự cải thiện căn bản về chất lượng. Vai trò kiểm toán chưa đựơc phát huy và hệ thống thông tin chưa được tổ chức một cách hiệu quả. Mô hình tổ chức của thanh tra ngân hàng còn nhiều bất cập, dẫn đến những sai phạm tại NHCT không được thanh tra NHNN cảnh báo để đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời.
Thứ tư, NHNN chưa có biện pháp quyết liệt trong công tác kiểm soát, hạn chế việc vốn vay đổ vào hoạt động kinh doanh bất động sản.
Tỉnh Bình Định là địa bàn đang có những phát triển kinh tế sôi động trong những năm qua. Hoạt động du lịch cùng những dự án trọng điểm đã kéo theo hoạt động kinh doanh bất động sản tăng nóng. Việc người dân tập trung vào kinh doanh bất động sản và việc cạnh tranh lãi suất giữa các NHTM dẫn đến việc vay vốn sai mục đích ngày càng trở nên phức tạp và nguyên tắc hoán đổi rủi ro - lợi nhuận