Thứ nhất, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức cán bộ.
Đối với những cán bộ mới tuyển dụng ngoài việc đào tạo kỹ lưỡng ngay từ đầu bằng các khóa đào tạo cán bộ mới, chi nhánh cần thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, các khóa kỹ năng để nâng cao trình độ của cán bộ. Các khóa đào tạo về những nội dung liên quan đến khâu kiểm soát sau, quản lý rủi ro, cảnh báo rủi ro, những vướng mắc, tình huống xảy ra trong thực tế, những đổi mới trong cơ chế chính sách,... cần được chú trọng đào tạo để trau dồi khả năng nhận diện, nắm bắt dấu hiệu rủi ro cho cán bộ QHKH, đồng thời cập nhật liên tục những phương án, biện pháp tháo gỡ khó khăn trong xử lý rủi ro, lắng nghe ý kiến đóng góp của tất cả mọi người để hoàn thiện quy trình quản trị rủi ro tại chi nhánh.
Từ thực trạng rủi ro tín dụng và nguyên nhân của rủi ro tín dụng mang tính chủ quan xuất phát từ phía Ngân hàng, bên cạnh đó do đặc thù của chi nhánh cán bộ làm công tác tín dụng đa phần là cán bộ trẻ vì vậy để hạn chế rủi to tín dụng các cấn bộ cần thực hiện:
+ Về năng lực công tác: Yêu cầu mỗi cán bộ, đặc biệt có liên quan đến lĩnh vực tín dụng phải thường xuyên nghiên cứu học tập, cập nhật các văn bản chế độ của nội ngành, ngoại ngành, nhận biết các thủ đoạn lợi dụng của khách hàng. Việc đào tạo ở đây vừa là tự đào tạo vừa là tham gia các lớp đào tạo do VietinBank - Chi nhánh KCN Phú Tài tổ chức.
+ Về phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm: Yêu cầu mỗi cán bộ phải luôn tự tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, nêu cao ý thức trách nhiệm trong xử lý công việc.
Ngoài ra, chi nhánh phải xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, có các kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung và dài hạn, có thể kể đến những chiến lược như:
+ Có cơ chế tuyển dụng phù hợp, ưu tiên tuyển dụng cho bộ phận tín dụng.
+ Thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho cán bộ tín dụng, xây đựng đội ngũ cán bộ có đạo đức, có năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
+ Tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ: thực hiện trẻ hoá đội ngũ cán bộ tín dụng, cán bộ quản lý rủi ro với các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính, các kiến thức cơ bản về pháp luật, thị trường... cùng với các kỹ năng phân tích đánh giá nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công tác.
+ Khuyến khích cán bộ công nhân viên tự học thêm các lớp học nhằm nâng cao kiến thức, bổ trợ kiến thức chuyên môn phục vụ hàng ngày.
+ Thực hiện chế độ phân phối thu nhập theo vị trí, kết quả công việc thực tế của từng cá nhân, quan tâm đời sống tinh thần của cán bộ, nhân viên, tôn trọng tài năng, tạo điều kiện thuận lợi để tài năng cá nhân phát huy năng lực, sở trường và phát triển.
Thứ hai, chi nhánh cần có sự đánh giá trung thực hơn về công tác quản lý của các lãnh đạo phòng tại các phòng khách hàng.
Việc đánh giá nhận xét nên được tổ chức định kỳ hàng quý trong các cuộc họp giao ban và có sự đánh giá trực tiếp từ nhân viên vào cuối năm. Việc đánh giá không nên hướng đến sự chỉ trích quá nặng nề mà nên cởi mở, như một cách chia sẻ, về những mặt làm được và chưa làm được. Các lãnh đạo phòng cũng không nên phó thác toàn bộ công việc cho cán bộ QHKH, mà phải không ngừng hoàn thiện bản thân, trau dồi năng lực nghiệp vụ vì công việc luôn có sự thay đổi. Lãnh đạo phòng là người sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động tại phòng khách hàng, lắng nghe những ý kiến của cán bộ nhân viên, cùng hoàn thiện chất lượng hoạt động nói chung và chất lượng kiểm soát RRTD nói riêng tại phòng.
Thứ ba, chi nhánh ngoài việc coi trọng công tác thẩm định tài sản bảo đảm, thì mọi khâu trong công tác thẩm định cũng cần được chú trọng hơn.
Điều này phụ thuộc rất lớn vào quan điểm của ban lãnh đạo. Do vậy ban lãnh đạo chi nhánh cũng cần khéo léo hơn trong khâu chỉ đạo công tác thẩm định. Có thể hướng cán bộ QHKH đến mọi phương diện cần phải thẩm định và đặt chúng lên cùng một tầm quan trọng như nhau để cán bộ QHKH không chỉ chú trong vào công tác thẩm định tài sản mà còn chú trọng tất cả những vấn đề khác có thể phát sinh RRTD sau này. Ngoài ra chi nhánh cũng có thể áp dụng giải pháp chuyên môn hóa công tác thẩm định cho một số cán bộ nhất định, góp phần tăng chất lượng thẩm định khi cho vay.
Thứ tư, cán bộ tín dụng cần tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động của khách hàng.
Sau khi cấp tín dụng các cán bộ phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay. Mục đích của việc kiểm tra sử dụng vốn vay đối với khách hàng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng vốn sai mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Đồng thời, việc thực hiện thường xuyên kểm tra sẽ giúp chi nhánh giám sát và quản lý được dòng luân chuyển vốn vay để thu hồi nợ. Để cán bộ QHKH thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra giám sát sau cho vay, chi nhánh cần đưa vào phân công nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời phòng hỗ trợ tín dụng trong khâu kiểm soát hồ sơ giải ngân, yêu cầu phòng khách hàng bổ sung đầy đủ biên bản kiểm tra định kỳ của khách hàng và lưu hồ sơ. Việc rà soát của phòng hỗ trợ tín dụng sẽ giúp hoàn thiện khâu kiểm soát sau giải ngân hiệu quả hơn.
Thứ năm, chi nhánh cần đưa ra bộ nhận diện rủi ro cụ thể cho từng khách hàng.
Đối với từng phân khúc khách hàng: khách hàng cá nhân, KHDN nhỏ và vừa, KHDN lớn, chi nhánh đưa ra từng bộ nhận diện rủi ro cụ thể. Bộ nhận diện rủi ro chú trọng các nội dung như tính pháp lý, biện pháp nhận diện hành vi lừa đảo, bộ đánh giá tình hình tài chính kinh doanh, phương pháp thẩm định giá từng loại tài sản bảo đảm, bộ điều kiện ngành nghề kinh doanh, các điểm lưu ý khi đọc báo cáo
tài chính,.... Thông qua thang chấm điểm và kết hợp hệ thống XHTDNB, kết quả tra cứu thông tin tín dụng quốc gia CIC, đưa ra kết luận về mức độ rủi ro của từng khách hàng.
Thứ sáu, chi nhánh cần xây dựng danh mục tín dụng cụ thể.
Danh mục tín dụng thể hiện khẩu vị rủi ro, mức độ chấp nhận rủi ro tín dụng của chi nhánh. Hiện nay chi nhánh chỉ chú trọng phát triển các ngành nghề có tiềm năng để tăng trưởng dư nợ mà ít chú trọng đến rủi ro mà những ngành nghề đó mang lại. Việc thể hiện quan điểm rõ ràng thông qua xây dựng danh mục tín dụng cụ thể sẽ định hình phương hướng kinh doanh của chi nhánh theo hướng phát triển bền vững hơn. Để xây dựng danh mục tín dụng, có thể áp dụng các phương án như:
+ Đầu tư vào nhiều ngành nghề kinh tế khác nhau để tránh sự cạnh tranh của các tổ chức tín dụng khác cũng như tránh gặp phải rủi ro do những chính sách của Nhà nước với mục đích hạn chế hoạt động của một số ngành nghề nhất định trong kế hoạch cơ cấu lại một số ngành nghề kinh tế.
+ Đầu tư vào nhiều đối tượng sản xuất kinh doanh, nhiều loại hàng hóa khác nhau, tránh tập trung cho vay sản xuất một số loại sản phẩm, đặc biệt là những loại sản phẩm không thiết yếu hay những sản phẩm đã xuất hiện quá nhiều trên thị trường.
+ Tránh cho vay quá nhiều đối với một khách hàng, luôn đảm bảo một tỷ lệ cho vay nhất định trong tổng số vốn hoạt động của khách hàng để tránh rủi ro bất ngờ có thể xảy ra.
+ Tạo lập một tỷ lệ thích hợp giữa cho vay bằng VND và cho vay bằng ngoại tệ; cho vay giữa KHDN và KHBL; cho vay các thời hạn khác nhau; đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế và cân bằng trong cơ cấu tín dụng của chi nhánh.
Thứ bảy, chi nhánh cần đặc biệt lưu ý khi tham gia hoạt động cho vay liên chi nhánh.
Để giảm thiếu RRTD phát sinh từ các khoản vay liên chi nhánh, các khoản vay tài trợ dự án có mức cấp tín dụng cao, thời hạn dài, đầu tư vào lĩnh vực nhiều
rủi ro như bất động sản du lịch, các dự án BOT. Chi nhánh cần xem xét cẩn trọng hơn trong việc nhận lời mời tham gia vào dự án hoặc gửi đề nghị tham gia dự án. Chi nhánh hiện tại đang chú trọng phát triển mảng KHBL, tốc độ tăng trưởng dư nợ tương đối tốt, luôn hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên chỉ tiêu cho vay đối tượng KHDN hàng năm chỉ đạt khoảng 90% chỉ tiêu mà NHCT giao. Việc tìm kiếm nguồn KHDN trên địa bàn tương đối khó khăn, do vậy chi nhánh thường tìm đến những dự án cho vay mang nhiều yếu tố rủi ro trên. Việc tăng cường nắm bắt thông tin dự án, thông tin khách hàng từ mọi nguồn có thể, thêm vào đó là chú trọng công tác thẩm định khách hàng, đánh giá phương án tài chính là yêu cầu hàng đầu khi chi nhánh tiếp nhận cho vay dự án lớn, có thể mời thêm chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực liên quan, tất cả những giải pháp này có thể đem lại cho chi nhánh cái nhìn tốt hơn, công tác thẩm định cũng sâu sát hơn và việc ra quyết định cũng sẽ hạn chế được nhiều rủi ro phát sinh sau này.