Chi nhánh cần phân định rõ chức năng nhiệm vụ từng phòng, cũng như cơ chế phối hợp giữa các phòng, tách bạch chức năng kinh doanh, chức năng quản lý rủi ro và chức năng tác nghiệp. Các phòng ban phải có mối quan hệ mật thiết trong việc đảm bảo chất lượng của khoản tín dụng. Xây dựng mô hình tổ chức QTRR tín dụng hợp lý hiệu quả giúp cho yêu cầu, trách nhiệm, sự nhận thức về QTRR tín dụng của mỗi phòng ban, mỗi nhân viên tăng lên. Đây là một yếu tố quan trọng để giảm thiểu được RRTD của Chi nhánh. Do đó, mô hình này sẽ nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý rủi ro của ngân hàng, đặc biệt là rủi ro tín dụng. Các phòng ban được xác định nhiệm vụ cụ thể như sau:
❖Các Phòng Quan hệ khách hàng
- Tìm kiếm, tiếp thị, tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc các khách hàng.
- Phối hợp cùng các bộ phận liên quan cung cấp trọn gói các sản phẩm, dịch vụ của NHCT cho các khách hàng, kết hợp bán chéo, bán thêm các sản phẩm, dịch vụ cho các khách hàng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, tối đa hóa lợi ích mang lại cho ngân hàng.
- Thẩm định khách hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh/phương án/dự án/ đề nghị cấp tín dụng; Đánh giá lợi ích khách hàng mang lại khi cấp tín dụng; Lập Báo cáo thẩm định và đề xuất cấp tín dụng cho khách hàng, chuyển Phòng quản lý rủi ro và nợ có vấn đề thẩm định và đề xuất quyết định tín dụng cho khách hàng theo quy định.
- Theo dõi, giám sát khoản vay, đôn đốc thu hồi nợ vay; Đầu mối phối hợp với Phòng quản lý rủi ro và nợ có vấn đề thu hồi các khoản nợ xấu, nợ ngoại bảng, nợ xử lý rủi ro.
- Phối hợp với bộ phận Thẻ và dịch vụ ngân hàng điện tử thực hiện cung cấp các sản phẩm, dịch vụ về thẻ ATM, thẻ tín dụng quốc tế, các dịch vụ ngân hàng điện tử trên các kênh SMS, Mobile, Internet.
- Phối hợp với Bộ phận Tài trợ thương mại cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến hoạt động Thanh toán xuất nhập khẩu, Tài trợ thương mại,...cho khách hàng doanh nghiệp theo quy định hiện hành của Ngân hàng công thương.
- Quản lý, khai thác hồ sơ, thông tin khách hàng theo quy định của Ngân hàng công thương.
- Nghiên cứu, đề xuất cải tiến sản phẩm, dịch vụ hiện có và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng.
- Xác định thị trường kinh doanh mục tiêu và đối tượng khách hàng mục tiêu.
- Xây dựng chính sách khách hàng, trực tiếp tham gia thực hiện chính sách khách hàng và đánh giá việc thực hiện chính sách khách hàng.
- Trực tiếp triển khai các biện pháp Marketing giới thiệu khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng có lợi thế và có thể cung ứng.
- Tổ chức việc đánh giá thực hiện chính sách khách hàng định kỳ, trực tiếp khởi tạo và quản lý mối quan hệ với khách hàng.
- Tùy theo đặc điểm riêng của từng khách hàng, phối hợp cùng các phòng ban khác thiết kế các loại sản phẩm phù hợp và có tính chất hấp dẫn đối với khách hàng.
❖ Phòng quản lý rủi ro và nợ có vấn đề
- Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, xây dựng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, quản lý rủi ro, quản lý nợ có vấn đề của Chi nhánh.
- Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ từ các phòng quan hệ khách hàng. Thực hiện chức năng thẩm định, phân tích đánh giá thị trường, ngành hàng, phân tích rủi ro và các biện pháp giảm thiểu rủi ro, chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng, lập Tờ trình thẩm định và đề xuất quyết định tín dụng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. - Tham gia quy trình phê duyệt tín dụng, tham gia giám sát qúa trình thực hiện các quyết định đã được phê duyệt, tham gia xử lý các khoản cấp tín dụng có vấn đề. - Phối hợp với các phòng khách hàng quản lý, xử lý thu hồi các khoản nợ xấu, nợ xử lý rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay.
- Thực hiện triển khai các công việc QLRR tín dụng, QLRR hoạt động, QLRR thị trường, quản lý nợ có vấn đề, pháp chế đối với toàn bộ hoạt động tại Chi nhánh.
❖ Phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ
- Thường xuyên kiểm tra và đánh giá nghiêm túc hơn việc chấp hành pháp luật, các quy định của NHNN Việt Nam, các quy định và chính sách của Vietinbank trong lĩnh vực tín dụng tại Chi nhánh nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm, sai lệch trong hoạt động tín dụng, từ đó đề xuất các biện pháp bổ sung, điều chỉnh.
- Tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên hơn hoạt động tín dụng của Chi nhánh.
- Mạnh dạn đưa ra các kiến nghị cải thiện các chính sách tín dụng, quản lý rủi ro, quy định và thủ tục cho vay lên Trụ sở chính.