Qua nghiên cứu kinh nghiệm điều hành CSTT của một số nước trong việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam trong điều hành CSTT như sau:
Một là, để thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia cần phải “ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát”; thực hiện nghiêm túc và coi đó mục tiêu quan trọng trong việc thực hiện CSTT.
Hai là, cần nâng cao tính độc lập tương đối cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tách bạch rõ vai trò, các giải pháp cũng như tác động của CSTT và chính sách tài khóa đến mục tiêu kiềm chế lạm phát và mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa CSTT, chính sách tài khóa, chính sách thương mại và đầu tư... đến mục tiêu tổng thể là ổn định kinh tế vĩ mô.
Ba là, chủ động điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, tập trung vào điều hành lãi suất chủ động, linh hoạt để điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Bốn là, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, tăng cường công tác phân tích, thống kê, để kịp thời có các đối sách phù hợp.
Năm là, thiết lập hệ thống cung cấp thông tin, thực hiện minh bạch đối với các kỳ vọng chính sách cũng như trách nhiệm giải trình của các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách. Phối hợp của các cơ quan truyền thông để định hướng tâm lý thị trường, hạn chế tâm lý bất lợi không đáng có, ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường vào điều hành chính sách vĩ mô nói chung và điều hành CSTT nói riêng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong chương 1, luận văn tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận cơ bản về nghiệp vụ thị trường mở. Tôi xin tóm tắt một số nội dung chính của chương như sau:
- Nghiệp vụ thị trường mở là hoạt động mua bán giấy tờ có giá giữa NHTW và các TCTD. Thông qua hoạt động mua bán giấy tờ có giá. NHTW tác động trực tiếp đến dự trữ hệ thống các TCTD và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường. Như vậy NHTW có thể tác động đến hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng cả về mặt số lượng và về lãi suất. Khi NHTW mua giấy tờ có giá trên thị trường mở làm tăng dự trữ của ngân hàng, từ đó làm tăng tiền cơ bản và tăng tiền cung ứng. Ngược lại, khi NHTW bán giấy tờ có giá trên thị trường mở làm giảm dự trữ của hệ thống ngân hàng và đồng thời cũng làm giảm tiền cơ bản và giảm tiền cung ứng.
- Các giấy tờ có giá thường giao dịch ngắn hạn trên thị trường là giấy tờ có giá ngắn và dài hạn như trái phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ, tín phiếu, trái phiếu ngân hàng .v.v..
- Tổ chức tham gia giao dịch nghiệp vụ thị trường mở trước hết là NHTW và các đối tác chủ yếu là ngân hàng và có thể là các tổ chức tài chính phi ngân hàng.
- Các nhân tố ảnh hưởng đến sự vận hành của nghiệp vụ thị trường mở phải kể đến như khả năng dự báo cung cầu vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng, mức độ đa dạng của hàng hóa trên thị trường mở, mức độ phát triển của thị trường tài chính và sự phối hợp giữa các công cụ chính sách tiền tệ.
- Đưa ra kinh nghiệm điều hành CSTT của một số nước, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG NGHIỆP VỤ THỊ TRƯỜNG MỞ TRONG ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ Ở VIỆT NAM
GIAI ĐOẠN 2013-2016