Theo số liệu thống kê năm 2018, lượng vốn huy động bằng đồng ngoại tệ của Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Ninh Bình vẫn chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên tổng nguồn vốn huy động. Vì vậy, để khắc phục vấn để này, chi nhánh cần tiếp cận được phân khúc khách hàng có nguồn thu ngoại tệ ổn định và doanh nghiệp
FDI chính là một trong số đó. Qua thực tiễn có thể thấy tốc độ tăng trưởng nguồn vốn ngoại tệ đã dần tăng lên sau khi chi nhánh có hướng phát triển mở rộng phân khúc khách hàng FDI từ năm 2017. Hiện nay, khu công nghiệp Gia Viễn của tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định, thu hút rất nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn nước ngoài do đó định hướng này vẫn là một định hướng đúng đắn giúp chi nhánh vừa thu hút được nguồn vốn ngoại tệ có tính chất ổn định, vừa mở rộng được quy mô tín dụng khi thực hiện cấp tín dụng cho các khách hàng này.
Tuy nhiên, thực tế đặt ra hiện nay khi tiếp cận nhóm khách hàng này là vấn đề pháp lý của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp FDI trên địa bàn đều có đại diện theo pháp luật là người nước ngoài dẫn tới khó khăn trong việc thu thập được đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật. Theo Điều 13 của luật doanh nghiệp Việt Nam 2014, người đại diện pháp luật phải là người cư trú trong khi các đại diện doanh nghiệp FDI đều là là người nước ngoài, mất nhiều thời gian mới có thể được cấp thẻ cư trú tại Việt Nam. Điều này khiến cho MB Ninh Bình gặp rất nhiều vướng mắc khi tiến hành thỏa thuận huy động vốn cũng như cấp tín dụng dành cho nhóm khách hàng. Chính vì vậy, để có thể thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nhóm khách hàng này, MB Ninh Bình cần thực hiện:
Một là, lên kế hoạch tiếp cận cụ thể đối với nhóm khách hàng FDI từ đó thực hiện trình lên cấp hội sở xây dựng một chính sách, sản phẩm riêng dành cho nhóm khách hàng này. Hiện tại, MB đã có rất nhiều chính sách và sản phẩm dành riêng cho từng nhóm khách hàng sản phẩm ngành điều, sản phẩm ngành dược, sản phẩm ngành xây lắp...) tuy nhiên chưa có một sản phẩm, hướng dẫn cụ thể dành riêng cho nhóm khách hàng có 100% nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong quá khứ, chi nhánh Móng Cái khi đã trình thành công chính sách dành riêng cho các khánh hàng logistic trên địa bàn thành phố Móng Cái - Nơi có nhiều giao dịch kinh tế với các doanh nghiệp Trung Quốc. Như vậy, với vị thế là một chi nhánh lớn của hệ thống Ngân hàng TMCP Quân đội, chi nhánh Ninh Bình hoàn toàn có khả năng trình được một chính sách riêng dành cho nhóm khách hàng.
Hai là, làm việc với bộ phận pháp chế và quản trị rủi ro để tháo gỡ các vướng mắc về vấn đề pháp lý hiện nay của các doanh nghiệp FDI khi thực hiện quan hệ tín dụng với MB. Như đã phân tích phía trên, các doanh nghiệp FDI hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề pháp lý và thủ tục hành chính tại Việt Nam. Chính vì vậy, chi nhánh nên có những đề xuất lên bộ phận pháp chế và khối quản trị rủi ro, từ đó đưa ra những danh mục những hồ sơ pháp lý cần thiết trên tinh thần vừa đảm bảo quy định của pháp luật và MB vừa đơn giản hóa các thủ tục cho khách hàng. Ngoài ra, chi nhánh cũng cần hỏi rõ bộ phận phận pháp chế về trình tự hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, từ đó đưa ra tư vấn dành cho khách hàng, giúp khách hàng giảm thiểu thời gian tại các cơ quan hành chính tại Việt Nam.
Ba là, tìm kiếm cộng tác viên là người thành thạo ngoại ngữ là tiếng Hàn và tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tại khu công nghiệp Gia Viễn hiện nay, 100% doanh nghiệp FDI đều là doanh nghiệp có nguồn vốn Hàn Quốc hoặc Nhật Bản và hầu hết các chủ doanh nghiệp đều không thành thạo hoặc không biết tiếng Việt, do đó, chi nhánh rất khó khăn khi thực hiện trao đổi với khách hàng. Ngoài ra, hiện nay, chi nhánh đều thực hiện làm việc với khách hàng FDI thông qua phiên dịch của doanh nghiệp. Điều này phát sinh rủi ro khi nội dung cuộc trao đổi không được dịch thuật đúng như ý tưởng của MB cũng như khách hàng, đồng thời MB cũng không thể kiểm chứng được độ chính xác. Chính vì vậy, để phát triển nhóm khách hàng là doanh nghiệp FDI thì việc tìm kiếm cộng tác viên phụ trách dịch thuật tiếng Hàn và tiếng Nhật là vô cùng cần thiết.