Điều trị các bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng là điều trị đa mô thức theo cá thể. Vì vậy, việc phát hiện ung thư khi bệnh còn ở giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp các nhà điều trị ung thư học lựa chọn được biện pháp điều trị triệt căn hoặc tối ưu nhất cho người bệnh. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại ở nước ta, việc phát hiện ung thư thường gặp khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Đặc biệt đối với ung thư phổi, do ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng, khi có biểu hiện bất thường thì đã ở giai đoạn tiến triển [23],[44]. Chính vì vậy, vai trò của các biện pháp chẩn đoán phát hiện sớm UTP ngay từ khi không triệu chứng, đặc biệt ở những người nguy cơ cao là vô cùng quan trọng.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, các bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi loại biểu mô tuyến khi bệnh đã ở giai đoạn IV đến viện trong vòng 3 - 6 tháng tính từ khi có triệu chứng đầu tiên, chiếm tỷ lệ cao nhất (57,6%), số trường hợp đến viện trong 1 tháng đầu là 23 bệnh nhân, chiếm 39%.
Như vậy, mặc dù BN đến các cơ sở y tế sớm để được khám và chẩn đoán nhưng bệnh đã ở giai đoạn muộn. Điều này có thể được giải thích do phổi là cơ
quan ở sâu trong cơ thể, các triệu chứng thường không đặc hiệu, có thể gặp ở nhiều loại bệnh khác nhau của hệ hô hấp.
4.1.3. Tình trạng hút thuốc
Hút thuốc là nguyên nhân chính gây UTP. Những người hút trên 1 bao thuốc/ngày thì nguy cơ tăng lên 10 – 20 lần [14]. Mức độ tăng nguy cơ tùy theo loại tế bào ung thư, nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào nhỏ ở những người hút thuốc tăng 5- 20 lần, còn nguy cơ bị ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào lớn tăng 2- 5 lần so với những người không hút thuốc.
Nguy cơ mắc tăng theo số lượng thuốc hút trong mỗi ngày, số năm hút thuốc, tuổi bắt đầu hút, độ sâu khi hút. Nguy cơ bắt đầu giảm trong vòng 2- 3 năm đầu sau khi bỏ thuốc và giảm đều đặn trong 10 năm sau [14]. Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc UTP với chỉ số nguy cơ tương đối khoảng từ 1,2 đến 1,5. Thuốc lá không những là yếu tố nguy cơ gây UTP mà còn làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến tiên lượng cũng như làm giảm hiệu quả của hóa trị. Hàng loạt các nghiên cứu bệnh chứng đã cho thấy mối liên quan giữa ung thư phổi và thói quen hút thuốc. Hơn 3000 chất có khả năng gây ung thư khoang miệng và ung thư phổi, khiến thuốc lá là một nguyên nhân quan trọng hàng đầu gây ra UTP [46]. Vì vậy, muốn giảm được tỷ lệ UTP cần phải có chương trình giáo dục cộng đồng nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã phát động chương trình giáo dục cộng đồng nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá để phòng tránh UTP và một số bệnh ung thư khác.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ hút thuốc là 64,4%, không ghi nhận trường hợp nữ hút thuốc. Tại Việt Nam, nghiên cứu về tình trạng hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc của các tác giả Phan Văn Trường (2013), Nguyễn Thị Thanh Nhàn (2012) lần lượt là 60%, 65% [47],[48].
Theo các tác giả nước ngoài, Scagliotti và cộng sự năm 2008 (nghiên cứu 1725 bệnh nhân), tỷ lệ hút thuốc là 73% [33]. Tỷ lệ hút thuốc trong nghiên cứu
của chúng tôi thấp hơn có thể do trong quá trình nghiên cứu không ghi nhận được các trường hợp hút thuốc lá thụ động.