Điều trị theo giai đoạn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả điều trị bước một ung thư phổi giai đoạn IV bằng erlotinib tại bệnh viện phổi trung ương (Trang 29 - 31)

*Giai đoạn I, IIA, IIB: Phẫu thuật được chỉ định rộng rãi nhưng có thể xạ trị đơn thuần triệt căn. Ở giai đoạn IA, sau phẫu thuật nếu diện cắt dương tính có thể hóa xạ trị bổ trợ nhưng cân nhắc, nếu diện cắt âm tính thì theo dõi là đủ. Giai đoạn IB: diện cắt âm tính cũng thường được theo dõi, hóa chất bổ trợ được khuyên dùng cho những trường hợp có các nguy cơ cao như: u biệt hóa thấp, xâm lấn mạch, bóc tách u, bờ gần, đường kính u > 4cm, xâm lấn màng phổi lá tạng và Nx. Nếu diện cắt dương tính ở những BN giai đoạn này thì BN nên được cắt bỏ lại sau đó hóa trị bổ trợ hoặc điều trị bằng hóa xạ trị đồng thời sau đó là hóa chất.

Đối với BN giai đoạn IIA, IIB (T1ab-2ab,N1), bờ âm tính thì nên hóa trị bổ trợ. Còn nếu BN có những yếu tố không thuận lợi như vét hạch trung thất không thỏa đáng, hạch phá vỡ vỏ, nhiều hạch rốn phổi và cắt sát bờ thì nên hóa xạ trị đồng thời sau đó hóa trị bổ trợ tiếp. Đối với BN T1ab-2ab, N1 bờ dương tính thì có hai quan điểm: cắt lại và hóa chất bổ trợ hoặc hóa xạ trị đồng thời sau đó hóa chất bổ trợ.

*Giai đoạn IIB, IIIA: ưu tiên phẫu thuật trong trường hợp có thể phẫu thuật. Đối với IIB (T3N0) và IIIA (T3,4N1), quan điểm điều trị phụ thuộc vào vị trí u. Đối với những u cắt bỏ được T3 xâm nhập N0-1 (giai đoạn IIB) ở thùy trên sau phẫu thuật nếu bờ âm tính nên hóa xạ trị xen kẽ, nếu bờ dương tính thì hóa xạ trị đồng thời sau đó có thể tiếp tục điều trị bằng hóa chất. Đối với những BN

có u thùy trên không cắt bỏ được (T4 xâm lấn, N0-1) thì nên điều trị bằng xạ trị triệt căn và hóa chất. Đối với BN có các khối u ở thành ngực, gần đường hô hấp, trung thất (T3-4, N0-1) thì cắt bỏ là quan điểm ưa thích.

Nếu giai đoạn IIIA (T1-2,N2) được phát hiện trong khi phẫu thuật thì nếu diện cắt âm tính sẽ hóa trị trước sau đó xạ trị, nếu diện cắt dương tính sẽ hóa xạ trị đồng thời sau đó hóa chất bổ trợ.

Đối với T4 không cắt bỏ được, N0-1 không có tràn dịch màng phổi thì điều trị bằng hóa xạ trị đồng thời trước sau đó là hóa chất.

*Giai đoạn IIIB:

Giai đoạn IIIB bao gồm 2 nhóm: u cùng hạch trung thất đối bên T1-3N3 và T4N2-3, giai đoạn này là không cắt bỏ được. Nhóm 1 nên được điều trị bằng hóa xạ trị đồng thời sau đó củng cố thêm bằng hóa chất. Còn nhóm 2 thì điều trị hóa xạ trị đồng thời còn hóa chất củng cố sau đó hiện vẫn chưa được ủng hộ hoàn toàn.

Xạ trị rất có giá trị trong giảm nhẹ bệnh ở các BN thể trạng yếu. Cũng như giai đoạn IIIA, kết hợp với hóa trị giảm được 10% tỷ lệ chết so với nhóm điều trị bằng xạ trị đơn thuần.

Điều trị thuốc ngắm trúng đích EGFR cũng có thể được chỉ định trong giai đoạn này khi ung thư của bệnh nhân có đi kèm đột biến gen EGFR.

*Giai đoạn IV:

Đây là giai đoạn hay gặp nhất ở những bệnh nhân được chẩn đoán. Ở giai đoạn này, phổ biến nhất trong nhiều năm qua vẫn là biện pháp hóa trị liệu. Ngày nay, có thêm điều trị ngắm trúng đích và điều trị miễn dịch liệu pháp.

Với bệnh nhân không có đột biến gen: Hóa trị có đi kèm hoặc không kèm Bevacizumab. Trong đó, Bevacizumab đi kèm đã cho thấy hiệu quả giúp tăng tỷ lệ đáp ứng, kéo dài thời gian bệnh không tiến triển cũng như thời gian sống còn toàn bộ [3]. Nghiên cứu ECOG so sánh hiệu quả điều trị của 2 nhóm bệnh nhân, nhóm sử dụng hóa chất (Paclitaxel + Carboplatin + Bevacizumab)

cho thấy tỷ lệ đáp ứng và thời gian sống còn toàn bộ lần lượt là 35% và 12.3 tháng so với 15% và 10.3 tháng của nhóm sử dụng hóa chất bộ đôi (Paclitaxel + Carboplatin) [3].

Với bệnh nhân có đột biến gen: Tùy loại đột biến gen có những loại thuốc ngắm trung đích tương ứng. Phổ biến nhất là đột biến gen EGFR với các thuốc điều trị: Erlotinib, Gefitinib, Afatinib và Osimertinib. Các nhóm thuốc đích khác liên quan đến các loại đột biến gen khác như: ALK, ROS1, BRAFV600E... [46].

Với bệnh nhân có biểu hiện PD-L1 dương tính (PD-L1 ≥ 1%): có thể lựa chọn các phác đồ: Pembrolizumab, Pembrolizumab/carboplatin/pemetrexed (UTBM vảy), carboplatin/paclitaxel/bevacizumab/atezolizumab (Ung thư biểu mô không biểu mô vảy) hoặc carboplatin/paclitaxel/pembrolizumab (Ung thư biểu mô vảy) [14]. Với bệnh nhân có PD-L1 âm tính, vẫn có thể sử dụng thuốc điều trị miễn dịch Atezolizumab [47].

Ngoài ra: Tùy theo cơ quan di căn sẽ có những phương pháp điều trị đi kèm

o Di căn não: Xạ não (xạ phẫu hoặc xạ toàn não).

o Di căn xương: Thuốc chống hủy xương (Zoledronic acid).

o Di căn thượng thận: Nên sinh thiết để loại trừ adenoma thượng thận.

o Di căn màng phổi: chọc hút dịch màng phổi, gây dính màng phổi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả điều trị bước một ung thư phổi giai đoạn IV bằng erlotinib tại bệnh viện phổi trung ương (Trang 29 - 31)