- Phòng ngừa rủi ro tỷ giá: Trong thương mại và đầu tư quốc tế, các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với rủi ro tỷ giá. Tỷ giá biến động có thể làm cho một khoản lỗthương mại trở thành một khoản lợi nhuận, và một khoản lợi nhuận có thể trở thành một khoản lỗ lớn. Trong 2 nguy cơ trên thì nguy cơ thứ hai có khả năng xảy ra nhiều hơn. Do vậy, phòng ngừa rủi ro tỷ giá là biện pháp tốt nhất để bảo toàn thu nhập và chi phí. Với một chi phí chấp nhận được, các giao dịch ngoại hối phái sinh (forward, swap, future, option) giúp các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến ngoại tệ cố định chi phí và bảo toàn lợi nhuận, tránh ảnh hưởng bởi sự biến động của tỷ giá.
- Chủ động nguồn ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu: Đối với hoạt động nhập khẩu, các doanh nghiệp cần ngoại tệ để thanh toán tiền hàng. Nếu không chuẩn bị trước nguồn ngoại tệ thì doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng thiếu hụt ngoại tệ hoặc không có ngoại tệ để thanh toán, kết quả là không nhận được hàng nhập khẩu hoặc phải chịu một khoản chi phí tăng thêm do chậm thanh toán, hoặc phải mua ngoại tệ với tỷ giá cao hơn nhiều. Những nguy cơ đó doanh nghiệp đều có thể tránh được bằng cách sử dụng các giao dịch ngoại hối phái sinh để chủ động nguồn ngoại tệ, đảm bảo có ngoại tệ để thanh toán tiền hàng nhập khẩu.
- Kinh doanh trên cơ sở chênh lệch tỷ giá: Doanh nghiệp có thể khai thác chiều hướng biến động có lợi của tỷ giá để thu lợi nhuận. Một quyền chọn mua hay bán (kiểu Mỹ) có thể được thực hiện trước ngày đáo hạn nếu tỷ giá giao ngay trên thị trường cao hơn hay thấp hơn tỷ giá quyền chọn với dự báo rằng tỷ giá có xu hướng biến động ngược chiều trong tương lai.
- Tạo công cụ bảo hiểm rủi ro ngoại hối cho các hoạt động kinh doanh đặc thù: Các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho thị trường thế giới thông qua hoạt động đấu thầu sẽ có nguồn thu ngoại tệ nhưng không chắc chắn vì còn phụ thuộc vào kết quả đấu thầu. Trong trường hợp này, một giao dịch quyền chọn bán ngoại tệ sẽ rất thích hợp để bảo toàn khoản lợi nhuận nếu doanh nghiệp trúng thầu cung cấp sản phẩm.