2.4.2.1 Những tồn tại
Kinh tế duy trì được ở mức tăng trưởng khá song chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Quy mô kinh tế và thu ngân sách địa phương còn nhỏ bé chưa đáp ứng nhu cầu chi, chưa khai thác được nguồn thu lớn tại chỗ mang tính bền vững, đặc biệt là nguồn thu từ đất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực doanh nghiệp còn thấp, nhất là ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp chỉ đạt 10-15%/năm. Việc chuyển đổi những cơ sở công nghiệp sang công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường còn rất chậm.
Tình hình suy thoái kinh tế thế giới và đất nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và huyện, ảnh hưởng đến năng lực tài chính của các nhà đầu tư trên địa bàn, nhiều dự án triển khai nhưng chậm tiến độ do thiếu vốn.
Do điểm xuất phát nền kinh tế thấp, dân cư đông, hạ tầng cơ sở thấp kém, các thành phần kinh tế hầu như có vốn đầu tư nhỏ, không có điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh với quy mô lớn. Nguồn thu ngân sách tăng trưởng còn chậm, tỷ lệ huy động vào GDP của ngân sách chưa cao nên cân đối ngân sách thường gặp nhiều khó khăn.
Trong quản lý ngân sách thì phân cấp ngân sách là một trong những vấn đề phức tạp nhất. Huyện đã có nhiều cố gắng điều chỉnh phù hợp từng giai đoạn song hiện nay còn bộc lộ những hạn chế:
- Nguồn thu chủ yếu hàng năm chưa ổn định phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh. Do vậy, ngân sách huyện mất cân đối, hàng năm hưởng trợ cấp nên phụ thuộc lớn vào tình ổn định của các chính sách ban hành từ trung ương và tỉnh nên chưa thực sự chủ động xây dựng dự toán thu - chi ngân sách. Hiện nay, trong điều kiện ngân sách quốc gia còn khó khăn, ở tình trạng bội chi nên phương pháp phân bổ vốn cho một số chương trình mục tiêu của Chính phủ và hỗ trợ đầu tư cho các địa phương, cũng như từ tỉnh cho ngân sách huyện chưa được xây dựng mang tính ổn định và lâu dài, tiêu thức phân bổ chưa khoa học nên địa phương khó tổ chức thực hiện, nếu ưu tiên cho các mục tiêu này thì phải giảm mục tiêu khác, sau đó mới xin bổ sung. Sự thiếu ổn
định lâu dài đã dẫn đến những khó khăn cho địa phương trong điều hành ngân sách, xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn. Hơn nữa, việc ổn định cũng dẫn đến tư tưởng bao cấp cơ chế xin cho, tạo nhiều kẽ hở.
- Do phương pháp lập kế hoạch dựa trên phương pháp chênh lệch số thu và chi làm cho dự toán ngân sách thiếu tích cực, thiếu khoa học và chưa đảm bảo tính đồng đều, phát huy vai trò địa phương trong việc khai thác nguồn thu và tiết kiệm chi.
- Do NSNN phân thành nhiều cấp cùng đặt ra các khoản thu chủ yếu và điều tiết giữa các cấp nên ngân sách khó xác định cụ thể, dẫn đến chiếm dụng nguồn thu, bỏ sót nguồn thu. Mặt khác, do cơ chế cùng một nhiệm vụ chi nhưng nhiều cấp ngân sách chi dễ dẫn đến sơ hở trong công tác quản lý.
Bộ máy cán bộ quản lý ngân sách huyện và xã chưa đủ mạnh để thực hiện phân cấp tốt hơn, chương trình sử dụng vốn kéo dài, huy động vốn nhưng khả năng trả nợ không đảm bảo dẫn đến mất cân đối.
+ Thu ngân sách huyện tăng khá song chưa ổn định, cân đối ngân sách của huyện và xã phụ thuộc lớn vào nguồn thu khác, thu từ sản xuất kinh doanh chưa cao.
+ Hiệu quả hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp, hộ kinh doanh do huyện quản lý hoạt động hiệu quả thấp, thiếu bền vững, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của huyện. + Vốn đầu tư tuy có tập trung cho một số công trình trọng điểm nhưng về tổng thể thì còn dàn trải, chưa tập trung, nhiều công trình lớn kéo dài quá thời gian cho phép, làm cho đồng vốn đầu tư chờ điều chỉnh danh mục vào cuối năm gây sức ép căng thẳng cho ngân sách và cơ cấu chi đầu tư.
2.4.2.2 Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung 2 nguyên nhân chính là: *Về chính sách:
- Hệ thống chính sách thu chưa bao quát hết đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế. Nguyên nhân là do khi xây dựng chính sách thuế chưa nhận thức hết phạm vi điều chỉnh của từng sắc thuế và chưa lường hết các nguồn thu sẽ phát sinh trong quá trình
phát triển của nền kinh tế thị trường. Đồng thời trong quá trình thực hiện chưa sâu sát thực tế, chưa phát hiện và đề xuất kịp thời các biện pháp để thu các khoản thu nhập mới nộp vào ngân sách Nhà nước như các khoản thu nhập từ chuyển nhượng đất đai, nhà cửa và một số khoản thu nhập khác của tổ chức, cá nhân.
- Hệ thống chính sách thuế cò nhiều mức thuế suất nên chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyên môn hóa và hợp tác hóa trong sản xuất kinh doanh.
- Chính sách thuế còn nặng về bảo hộ sản xuất trong nước. Các ngành kinh tế chưa có chiến lược phát triển dài hạn, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, do đó việc bảo hộ bằng thuế còn thiếu sự chọn lọc, thậm chí nhiều mặt hàng còn bảo hộ quá mức nên các doanh nghiệp chưa chủ động sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý để tăng sức cạnh tranh của mình.
- Hệ thống chính sách thuế vẫn còn lồng ghép nhiều chính sách xã hội, nhiều mức miễn, giảm thuế làm hạn chế tính trung lập, không đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế, dễ phát sinh tiêu cực, làm phức tạp công tác quản lý thuế.
*Công tác quản lý thu:
- Công tác quản lý thu thuế là công tác kinh tế - xã hội tổng hợp liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, để làm tốt công tác quản lý thuế đòi hỏi chính sách, chế độ và các biện pháp quản lý thuế phải đơn giản, minh bạch, công khai, dân chủ để nâng cao nhận thức của mọi thành viên trong xã hội nhằm tuân thủ tự giác các nghĩa vụ về thuế. Song môi trường tác động đến công tác quản lý thuế trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện:
+ Nội dung các sắc thuế còn phức tạp, cơ chế quản lý chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tục hành chính thuế còn rườm rà, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân nộp thuế. Chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác thuế.
+ Nhìn chung, trình độ hiểu biết về thuế, ý thức chấp hành các luật, pháp lệnh về thuế của đại bộ phận nhân dân còn hạn chế, chưa tạo được dư luận rộng rãi, lên án mạnh mẽ các hành vi trốn thuế, gian lận về thuế, thậm chí còn có trường hợp thờ ơ, khuyến khích, đồng tình. Các giải pháp quản lý kinh tế, xã hội chưa được cải cách đồng bộ để hỗ trợ cho công tác quản lý thuế như: quản lý đất đai, quản lý thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý đăng ký kinh doanh,... đã làm hạn chế rất nhiều đến kết quả quản lý thuế.
- Đối với cơ quan thuế: Năng lực trình độ quản lý thuế còn có những điểm chưa đáp ứng được so với yêu cầu quản lý thuế hiện đại, khoa học, cụ thể:
+ Công tác giáo dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật thuế còn thiếu thường xuyên và rộng rãi, hình thức, phương pháp phổ biến còn đơn điệu, cứng nhắc, chưa phong phú, sinh động để đi vào lòng người, vào cuộc sống thực tiễn.
+ Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về thuế của cơ quan thuế chưa được đặt đúng tầm và chưa phù hợp với thực trạng trên địa bàn và trình độ dân trí thấp, nhận thức trách nhiệm pháp luật chưa cao. Chất lượng kiểm tra còn hạn chế, chưa phát hiện và có bện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận trong việc tính thuế, kê khai thuế, gian lận trong hoàn thuế, miễn giảm thuế. Chức năng và quyền hạn của thanh tra, kiểm tra thuế còn bị bó hẹp, chưa trở thành công cụ có hiệu lực để chống thất thu ngân sách và răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm về thuế.
+ Ứng dụng công nghệ tin học trong việc quản lý thuế còn hạn chế. Tuy phần mềm quản lý thuế tập trung đã được đưa vào sử dụng nhưng có nhiều lỗi trong quá trình sử dụng, mới tập trung chủ yếu vào công việc quản lý, đăng ký thuế, cấp mã số thuế, quản lý biên lai, ấn chỉ. Đại bộ phận công việc quản lý thuế vẫn là thủ công, năng suất, hiệu quả quản lý thuế còn thấp dẫn đến hạn chế khả năng kiểm soát và quản lý thuế của cơ quan thuế.
+ Một bộ phận quản lý thuế trình độ hiểu biết và thực thi về chính sách thuế còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại và yêu cầu cải cách hành chính trong quản lý thu. Thái độ và phong cách ứng xử của một số cán bộ thuế chưa thật tận tụy, công
tâm, khách quan giữa quyền lợi của Nhà nước với quyền lợi của đối tượng nộp thuế. Chưa trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của các đối tượng nộp thuế trong việc thực hiện các luật thuế.
- Đối với người nộp thuế:
+ Tình trạng trốn thuế, lậu thuế, gian lận thuế, nợ đọng thuế còn diễn ra ở nhiều khoản thu, sắc thuế vừa làm thất thu cho ngân sách Nhà nước, vừa không bảo đảm công bằng xã hội.
+ Một số doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chưa chấp hành nghiêm túc việc kê khai một cách chính xác.
- Đối với các cơ quan chức năng và tổ chức có liên quan: Cấp ủy và chính quyền một số nơi chưa thực sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo các công tác thu, coi công tác thu là nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan thuế, chưa gắn công tác thuế với công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn. Sự phối kết hợp, hỗ trợ của các ngành, các cơ quan nhất là cơ quan hành pháp và tư pháp chưa chặt chẽ. Do đó, các hiện tượng trốn lậu thuế, chây ỳ không nộp thuế và thậm chí lăng mạ cán bộ thuế đang thi hành công vụ chưa được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Mặc dù trong các Luật thuế đã có những quy định về xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu hoặc kê biên tài sản, nếu nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm về thuế, song thực tế hiện nay chưa được các cơ quan tư pháp quan tâm đúng mức dẫn đến thất thu thuế và thi hành các luật thuế kém hiệu lực.
Tình hình trên một phần do cơ quan thuế các cấp chưa chủ động; mặt khác các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân chưa nhận thức rõ, đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ thu ngân sách.
Kết luận chương 2
Toàn bộ chương 2 luận văn đã mang đến cái nhìn tổng quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Thông qua các số liệu khảo sát, thu thập tài liệu tại huyện, tác giả đã mô tả, đánh giá được thực trạng về công tác thu ngân sách trên địa bàn huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2018.
Bên cạnh những ưu điểm đạt được như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng hiệu quả từng bước được nâng lên. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện tăng từ 4.552 tỷ đồng năm 2016 lên 6.505 tỷ đồng năm 2018, bằng 102,7% kế hoạch với tốc độ tăng trưởng đạt 7,8% so với năm 2017 thì vẫn còn tồn tại những hạn chế:
+ Kinh tế duy trì được ở mức tăng trưởng khá song chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
+ Nguồn thu ngân sách tăng trưởng còn chậm, tỷ lệ huy động vào GDP của ngân sách chưa cao nên cân đối ngân sách thường gặp nhiều khó khăn.
+ Nguồn thu chủ yếu hàng năm chưa ổn định phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh.
+ Bộ máy cán bộ quản lý ngân sách huyện và xã chưa đủ mạnh để thực hiện phân cấp tốt hơn, chương trình sử dụng vốn kéo dài, huy động vốn nhưng khả năng trả nợ không đảm bảo dẫn đến mất cân đối.
+ Thu ngân sách huyện tăng khá song chưa ổn định, cân đối ngân sách của huyện và xã phụ thuộc lớn vào nguồn thu khác, thu từ sản xuất kinh doanh chưa cao.
+ Hiệu quả hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp, hộ kinh doanh do huyện quản lý hoạt động hiệu quả thấp, thiếu bền vững, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của huyện. Trên cơ sở những nguyên nhân tìm được, chương 3 của luận văn sẽ đề ra một số giải pháp nhằm tăng nguồn thu ngân sách huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
CHƯƠNG 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG THU NGÂN SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐOAN HÙNG, TỈNH PHÚ THỌ