THIÊN NHIÊN
Xuất phát từ tính chất của từng loại TNTN, hiệu lực của cơ chế thị trường và nhu cầu phát triển bền vững của xã hội loài người, việc sử dụng TNTN cần dựa trên những nguyên lý cơ bản sau:
1.Sử dụng tài nguyên khoáng sản
Khi khai thác tài nguyên khoáng sản phải tính toán cả những chi phí gây ra cho tương lai và cho các đối tượng bên ngoài khác. Cụ thể:
Giá khoáng phải bao gồm chi phí khai thác một đơn vị khoáng hiện nay và chi phí gây ra cho tương lai do làm giảm đi một đơn vị khoáng trong lòng đất. Loại chi phí sau được gọi là chi phí người sử dụng (user cost). Với thị trường tự do, giá khoáng được tính bằng tổng của chi phí khai thác biên và chi phí người sử dụng hay (P = MC + MU).
Chi phí người sử dụng thực chất là giá trị một đơn vị khoáng nếu nó còn lại trong lòng đất. Giá trị này được đo bằng chi phí thăm dò, và bằng với chi phí thăm dò biên (Marginal Cost of Exploration). Nếu sản lượng khoáng trong lòng đất giảm thì chi phí thăm dò sẽ tăng trong tương lai.
Nếu việc khai thác khoáng sản gây ra những tổn thất cho môi trường như ô nhiễm môi trường, giảm diện tích rừng hoặc đất nông nghiệp thì giá tài nguyên khoáng sản phải bao gồm cả các chi phí gây ra cho bên ngoài đó khi tăng khai thác một đơn vị khoáng. Chi phí này được gọi là chi phí ngoại ứng biên (Marginal External Cost). Tóm lại, điều kiện cơ bản về giá phải là P = MC + MCE +MEC (P: Giá khoáng sản; MC: Chi phí khai thác biên; MCE: Chi phí thăm dò biên; MEC: Chi phí ngoại ứng biên).
Điều tiết quy mô khai thác phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững, cần có sự can thiệp của nhà nước để thị trường hóa các chi phí trên. Khi sử dụng tài nguyên khoáng sản phải chú ý việc tái chế phế thải và thay thế dần sang các dạng tài nguyên vô hạn hoặc tái tạo được, đặc biệt chuyển sử dụng nhiên liệu các hóa thạch sang các dạng năng lượng sạch và vô tận như năng lượng mặt trời, thủy triều …
Nguyên lý về giá trên đây sẽ tạo động lực thường xuyên cho quá trình tái chế phế liệu và thay thế tài nguyên.
2.Nguyên lý sử dụng tài nguyên tái tạo
Duy trì tốc độ sử dụng bằng với tốc độ tái sinh của tài nguyên sinh vật.
Áp dụng nguyên lý giá do tính hữu hạn của chúng. Nếu tốc độ sử dụng bằng với tốc độ tái sinh thì chi phí người sử dụng sẽ không đổi và giá tài nguyên sinh vật sẽ không tăng cao.
Nguyên lý trên đây gọi là nguyên lý cố định hóa dự trữ tài nguyên sinh vật. Phải có sự quản lý của nhà nước mới thực hiện được nguyên lý này. Nguyên nhân chủ yếu là do các loại tài nguyên này rất khó xác định quyền sở hữu.
Nhà quản trị tài nguyên: căn cứ điều kiện kinh tế và sinh thái để xác định tốc độ tái sinh của từng loại sinh vật để duy trì tốc độ sử dụng tương ứng, hạn mức đánh bắt hoặc khai thác thích hợp và phải có quá trình kiểm tra thường kỳ. Sử dụng đất phải kèm theo cải tạo, chống xói mòn như cải tạo đất phèn mặn và đất bạc màu, trồng rừng, phủ xanh đồi trọc. Duy trì tổng lượng phế thải bằng khả năng tự làm sạch của môi trường đất, nước, không khí. Nhà nước phải tạo thị trường cho các giá trị sinh thái của những tài nguyên này. Khả năng tự làm sạch của môi trường phải được tăng lên theo lượng thải và có tác dụng khuyến khích xử lý chất thải.
Chương 06
Ô nhiễm môi trường là hậu quả của những tác động làm thay đổi các thành phần môi trường, thay đổi các thành phần vật lý hóa học, các nguồn năng lượng, mức độ bức xạ, đa dạng của sinh vật, làm mất cân bằng trạng thái môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sinh vật và môi trường tự nhiên. Những thay đổi làm mất cân bằng trạng thái môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến con người thông qua đường thức ăn, nước uống và không khí hoặc ảnh hưởng gián tiếp tới con người do thay đổi điều kiện vật lý hóa học và suy thoái môi trường. Ô nhiễm môi trường cũng có nghĩa là có sự xuất hiện nhân tố lạ (về số lượng và thành phần) trong hợp phần nào đó của môi trường gây phương hại cho sinh vật. Như vậy muốn kiểm soát được ô nhiễm, trước hết phải biết giới hạn sinh thái đối với từng yếu tố sinh thái của môi trường và xử lý ô nhiễm có nghĩa là thực thi các giải pháp nhằm đưa các yếu tố sinh thái trở lại bên trong giới hạn chống chịu của quần thể sinh vật.
I. KHÁI NIỆM
1.Ô nhiễm
Ô nhiễm môi trường là sự làm thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm tiêu chuẩn môi trường, thay đổi trực tiếp hoặc gián tiếp các thành phần và đặc tính vật lý, hóa học, nhiệt độ, sinh học, chất hòa tan, chất phóng xạ… ở bất kỳ thành phần nào của môi trường hay toàn bộ môi trường vượt quá mức cho phép đã được xác định.
Chất gây ô nhiễm là những nhân tố làm cho môi trường trở thành độc hại, gây tổn hại hoặc có tiềm năng gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn hay sự phát triển của con người và sinh vật trong môi trường đó. Chất gây ô nhiễm có thể là chất rắn (như rác) hay chất lỏng (các dung dịch hóa học, chất thải của dệt nhuộm, rượu, chế biến thực phẩm), hoặc chất khí (SO2 trong núi lửa phun, NO2 trong khói xe, CO từ khói đun …), các kim loại nặng như chì, đồng … cũng có khi nó vừa ở thể hơi vừa ở thể rắn như thăng hoa hay ở dạng trung gian.
Suy thoái môi trường là sự làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của con người và thiên nhiên.
2.Sự cố môi trường
Sự cố môi trường là các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên, gây suy thoái môi trường nghiêm trọng. Sự cố môi trường có thể xảy ra do: Bão, lụt, hạn hán, nứt đất, động đất, trượt đất, sụt lở đất, núi lửa phun, mưa acid, mưa đá, biến động khí hậu và thiên tai khác; Hỏa hoạn, cháy rừng, sự cố kỹ thuật gây nguy hại về môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; Sự cố trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác và vận chuyển khoáng sản, dầu khí, sập hầm lò, phụt dầu, tràn dầu, vỡ đường ống dẫn dầu, dẫn khí, đắm tàu, sự cố tại cơ sở lọc hóa dầu và các cơ sở công nghiệp khác; Sự cố trong lò phản ứng hạt nhân, nhà máy điện nguyên tử, nhà máy sản xuất, tái chế nhiên liệu hạt nhân, kho chứa chất phóng xạ.
Khả năng chịu đựng của môi trường (hay sức chứa của môi trường) là khả năng các loài tiếp nhận được chất dinh dưỡng và tiến hành các hoạt động trong một môi trường có giới hạn, khả năng của một số người có trong khoảng không gian nhất định, duy trì một mức sống nhất định, bằng cách sử dụng, năng lượng, tài nguyên (gồm đất đai, nước, không khí, khoáng sản …), công nghệ.
Sức chứa của môi trường gồm sức chứa sinh học và sức chứa văn hóa. Sức chứa sinh học là khả năng mà hành tinh có thể chứa đựng số người nếu các nguồn tài nguyên đều được dành cho cuộc sống của con người; Sức chứa văn hóa là số người mà hành tinh có thể chứa đựng theo các tiêu chuẩn của cuộc sống. Sức chứa văn hóa sẽ thay đổi theo từng vùng phụ thuộc vào tiêu chuẩn cuộc sống.
Trong xã hội loài người, khả năng chịu đựng của môi trường còn phụ thuộc vào hoạt động của con người. Khi xảy ra sự không cân đối giữa khả năng chịu đựng của môi trường với nhu cầu của xã hội, thì khoa học công nghệ có thể góp phần tái lập cân bằng này.
4.Nguồn gây ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường có thể do nhiều nguồn khác nhau. Nguồn gây ô nhiễm là nguồn thải ra các chất gây ô nhiễm. Có nhiều cách chia các nguồn gây ô nhiễm.
Theo tính chất hoạt động, gồm 4 nhóm: quá trình sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, tiểu thủ công nghiệp); quá trình giao thông vận tải; sinh hoạt; và tự nhiên.
Theo phân bố không gian, gồm 3 nhóm: điểm ô nhiễm, cố định (khói nhà máy gây ô nhiễm cố định); đường ô nhiễm, di động (xe cộ gây ô nhiễm trên đường); vùng ô nhiễm, lan tỏa: vùng thành thị, khu công nghiệp gây ô nhiễm và lan tỏa trong thành phố đến vùng nông thôn.
Theo nguồn phát sinh, gồm nguồn ô nhiễm sơ cấp và nguồn ô nhiễm thứ cấp: Nguồn ô nhiễm sơ cấp là chất ô nhiễm từ nguồn thải trực tiếp vào môi trường; Nguồn ô nhiễm thứ cấp là chất ô nhiễm được tạo thành từ nguồn sơ cấp và đã biến đổi qua trung gian rồi mới tới môi trường gây ô nhiễm.
Mức độ tác động từ các nguồn gây ô nhiễm nói trên còn tùy thuộc vào 3 nhóm yếu tố: quy mô dân số, mức tiêu thụ tính theo đầu người, tác động của môi trường, trong đó quy mô dân số là yếu tố quan trọng nhất.
Hình 1. Sự lan truyền các chất ô nhiễm vào chuỗi thức ăn qua nguồn nước bị ô nhiễm