Đối với chính sách sản phẩm, dịch vụ tín dụng của ngân hàng

Một phần của tài liệu Chất lượng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương việt nam chi nhánh hà thành,luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 102 - 103)

- Thực hiện chủ động, sáng tạo định hướng kinh doanh, chính sách, quy trình tín dụng của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam

Chính sách tín dụng là kim chỉ nam cho hoạt động tín dụng của mỗi ngân hàng thương mại nói chung. Có một chính sách tín dụng đúng đắn sẽ giúp ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng, đảm bảo khả năng sinh lợi cho hoạt động tín dụng trên cơ sở phân tán rủi ro, nhờ đó phát huy năng lực của bản thân ngân hàng, đồng thời tận dụng được sự thuận lợi và hạn chế của môi trường kinh doanh. Bất cứ ngân hàng nào muốn hoạt động tín dụng có chất lượng đều phải có chính sách tín dụng thích hợp cho ngân hàng đó. Dựa trên chính sách tín dụng chung của Techcombank, hiện nay chính sách tín dụng của Techcombank Hà Thành là: phục vụ khách hàng nhanh nhất, thuận tiện nhất, phong cách tận tình, chu đáo, văn minh, lịch sự mang phong cách chuyên nghiệp của Ngân hàng Techcombank. Lựa chọn khách hàng ngay từ ban đầu, phát triển khách hàng phải đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng và đảm bảo an toàn tài sản.

Xây dựng chính sách khách hàng hợp lý: nguyên nhân là do hiện nay môi trường cạnh tranh gay gắt đòi hỏi các ngân hàng phải xây dựng cho mình một chính sách khách hàng hợp lý, cạnh tranh, linh động như chủ động tìm kiếm khách hàng tiềm năng có hoạt động kinh doanh hiệu quả, trước hết là những doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, sau đó mở rộng ra thị trường các tỉnh, thành phố lân cận. Đồng thời ngân hàng cần tiến hành phân loại khách hàng truyền thống và quan trọng với các loại khách hàng khác. Khách hàng quan trọng cần được hưởng những chính sách ưu đãi, khuyến mãi tốt hơn. Tổ chức hội nghị khách hàng là các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, hội nghị khách hàng truyền thống. Qua đó Chi nhánh có thể rút ra được kinh nghiệm từ những ý kiến đóng góp của khách hàng, tuyên truyền sâu rộng về Techcombank và lợi ích của khách hàng khi đến vay vốn tại ngân hàng cũng như tiếp cận các khách hàng mới. Bên cạnh đó, việc ban hành những chính sách khác nhau phù hợp với những phân khúc khách hàng khác nhau cũng là một trong những vấn đề mà Ngân hàng cần chú ý triển khai.

- Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tín dụng

Đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ cung cấp trên thị trường theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thống, phát triển các dịch vụ mới.

Đối với các dịch vụ truyền thống (dịch vụ tín dụng, dịch vụ thanh toán...) đây là yếu tố nền tảng không chỉ có ý nghĩa duy trì khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới, mà còn tạo ra thu nhập lớn nhất cho ngân hàng. Vì vậy, Techcombank cần phải duy trì và nâng cao chất lượng theo hướng: hoàn thiện quá trình cung cấp dịch vụ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đơn giản thủ tục làm cho dịch vụ dễ tiếp cận và hấp dẫn khách hàng. Nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng trưởng tín dụng, xoá bỏ những ưu đãi trong cơ chế tín dụng nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, hoàn thiện cơ chế huy động tiết kiệm bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ với lãi suất phù hợp để huy động tối đa vốn nhàn rỗi trong xã hội vào ngân hàng, nghiên cứu áp dụng cách phân loại nợ dựa trên cơ sở rủi ro và trích dự phòng rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế để nâng cao uy tín của ngân hàng.

Đối với các dịch vụ mới như chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, thẻ tín dụng, bảo lãnh ngân hàng, thấu chi, các sản phẩm phái sinh. cần phải nâng cao năng lực Marketing của các Ngân hàng thương mại, giúp các doanh nghiệp và công chúng hiểu biết, tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các dịch ngân hàng; nâng cao tiện ích của các dịch vụ ngân hàng; sử dụng linh hoạt công cụ phòng chống rủi ro gắn với các đảm bảo an toàn trong kinh doanh ngân hàng.

Nếu chỉ quan tâm đến việc mở rộng danh mục sản phẩm để chạy theo chỉ tiêu số lượng tín dụng sẽ gây là những hậu quả khó lường đối với ngân hàng. Để giải quyết những vấn đề liên quan đến chất lượng tín dụng, một trong những biện pháp là Techcombank Hà Thành cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác kiểm tra, kiểm soát định kỳ nhằm tránh rủi ro, tăng cao hiệu quả tín dụng. Công tác thanh tra, kiểm soát không chỉ đơn thuần là kiểm tra khách hàng mà còn quan trọng ở chỗ phải kiểm tra, thanh lọc những cán bộ tín dụng yếu kém, tiêu cực gây thất thoát tài sản và làm mất uy tín của ngân hàng.

Một phần của tài liệu Chất lượng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương việt nam chi nhánh hà thành,luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 102 - 103)