Để nâng cao hiệu quả công tác thẩm định cần xem xét các khía cạnh sau:
Thứ nhất, uy tín của khách hàng phải được đề cập trong thẩm định và cụ thể hơn, nó phải có nội dung trong tờ trình của cán bộ tín dụng, với các tiêu thức cụ thể là thẩm định qua hồ sơ quá khứ của khách hàng; thẩm định qua phỏng vấn trực tiếp với mục đích cần đạt được rõ ràng là: tìm hiểu phẩm chất của khách hàng vay trên góc độ như động cơ vay, sự liêm chính, thái độ sẵn lòng trả nợ; thẩm định danh tiếng hoặc tai tiếng; uy tín của khách hàng qua các luồng thông tin.
Thứ hai, hoàn thiện thẩm định nguồn trả nợ của khách hàng trước khi một nhu cầu cho vay được đáp ứng, việc nhìn thấy một loạt các nguồn tiền trả nợ là cần thiết, nó đem lại cho TCTD giải quyết cả ba vấn đề trong quan hệ
tín dụng là giá cả, rủi ro và lòng tin. Với ba nguồn được xếp thứ tự trong việc thẩm định cần làm là :
Một là, nguồn từ quyết toán khoản vay: là nguồn trả nợ từ chính hiệu quả của khoản tín dụng, nó phụ thuộc vào khả năng tạo ra lợi nhuận của người vay mà trực tiếp là phương án vay vốn.
Hai là, nguồn từ chính năng lực tài chính của khách hàng vay vốn: được dùng khi dự án vay thực hiện không thành công, khi đó nguồn này vẫn chứa đựng sự không chắc chắn do việc ngân hàng cùng phải chia sẻ nguồn thu này với
chủ nợ khác.
Ba là, tài sản bảo đảm (thế chấp, cầm cố...): là nguồn thu sau cùng từ phía khách hàng. Nguồn này tỏ ra khá chắc chắn và có tính “ưu quyền” của ngân hàng trên giá trị của tài sản bảo đảm.
Việc quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với cán bộ thẩm định tài sản bảo đảm sẽ giúp cho cán bộ thẩm định có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ của mình, khuyến khích được cán bộ nâng cao kiến thức về các lĩnh vực liên quan, nghiên cứu, thực hiện đúng các quy chế, văn bản.., tuân thủ đúng quy trình thẩm định, tránh được tình trạng làm việc hời hợt, vô trách nhiệm hay đánh giá theo những kinh nghiệm chủ quan của bản thân mà dẫn đến những đánh giá sai lệch gây rủi ro cho ngân hàng.