Tổ chức điều hành công tác thẩm định tín dụng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định. Do đó, hoàn thiện trong công tác tổ chức thẩm định tín dụng là một vấn đề quan trọng, đáng lưu ý không chỉ riêng ở một ngân hàng nào bởi nó không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho hoạt động tín dụng của ngân hàng mà còn tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng của ngân hàng ngày càng phát triển. LienVietPostBank đã và đang từng bước xây dựng, cải tiến bộ máy tổ chức, điều hành, quản lý sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế và tình hình phát triển của nước ta và tối ưu nhất về mặt tổ chức của ngân hàng.
Một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng thẩm định và hiện đang được LienVietPostBank áp dụng đó là xây dựng, triển khai các trung tâm hỗ trợ kinh doanh tại mỗi chi nhánh nhưng trực thuộc sự quản lý của hội sở. Trung tâm hỗ trợ kinh doanh ngoài nhiệm vụ giám sát về chất lượng, tính chính xác của các hồ sơ tín dụng còn có trách nhiệm tái thẩm định đối với các hồ sơ đề nghị cấp tín dụng của Chi nhánh từ đó đề xuất giúp cấp phê duyệt đưa ra các quyết định chính xác. Tuy nhiên, do sự thiếu hụt về nhân sự nên đội ngũ này chưa thực sự phát huy được vai trò kiểm soát, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định tín dụng tại chi nhánh mà còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng của các báo cáo thẩm định tín dụng của đội
ngũ CVKH. Do đó, việc đẩy mạnh triển khai, áp dụng mô hình này là điều cần thiết. Bên cạnh đó, một số giải pháp nhằm giúp nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng Chi nhánh có thể đưa vào áp dụng: phân công cán bộ phụ trách khách hàng, thẩm định tín dụng theo các căn cứ: mục đích, lĩnh vực hoạt động của khách hàng hoặc theo thời gian của khoản cấp tín dụng, hoặc theo quy mô của khách hàng, như vậy sẽ giúp hoạt động thẩm định tín dụng tại Chi nhánh được chuyên môn hóa.
+ Đối với phân công cán bộ phụ trách thẩm định theo mục đích, lĩnh vực, sản phẩm tín dụng tức là có thể phân CVKH thành các nhóm, mỗi nhóm thực hiện triển khai một loại sản phẩm tín dụng với mục đích hoặc lĩnh vực nhất định. Ưu điểm của mô hình này chính là chuyên môn hóa đội ngũ CVKH trong từng lĩnh vực, họ sẽ trở nên am hiểu hơn về hoạt động của khách hàng sẽ giúp cho họ dễ dàng trong việc tiếp cận khách hàng cũng như triển khai công tác thẩm định tín dụng sẽ đảm bảo được chất lượng cao hơn.
+ Có thể phân công CVKH thành các nhóm, mỗi nhóm phụ trách thẩm định theo từng thời gian của khoản cấp tín dụng: ngắn, trung và dài hạn hoặc theo quy mô của khoản cấp tín dụng. Các CVKH, có trình độ chuyên môn và giàu kinh nghiệm sẽ được phân công thẩm định các phương án vay trung, dài hạn hoặc các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn. Với giải pháp này, chi nhánh có thể vận dụng tối đa chất xám của CVKH, đồng thời các cán bộ tín dụng trẻ sẽ có nhiều cơ hội để thẩm định với các khoản vay ngắn hạn, từ đó tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân.