Xây dựng chính sách tín dụng hiệu quả

Một phần của tài liệu 0072 giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh tại chi nhánh NH nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh quảng trị luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 92 - 97)

Xây dựng chính sách tín dụng trên cơ sở định hướng của Agribank Việt Nam đồng thời phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đặc thù của địa phương, từng địa bàn của từng chi nhánh trực thuộc, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, đảm bảo khả năng tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng tín dụng và bảo đảm an toàn. Chính sách này cần được công bố rộng rãi cho cán bộ nhân viên, là cơ sở để cán bộ nhân viên hoạt động trong lĩnh vực tín dụng thực hiện theo định hướng và chủ động trong hoạt động tác nghiệp. Định hướng của Agribank Quảng Trị là ‘‘Tập trung vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế hộ; Tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng”

Dựa trên cơ sở định hướng này, Agribank Quảng Trị cần xây dựng một chính sách tín dụng hợp lý và hiệu quả, thỏa mãn các yêu cầu sau:

- Phản ánh được chính sách tín dụng của Agribank trong từng thời kỳ, đảm bảo sự quản lý thống nhất trên quan điểm tổng thể.

- Phù hợp với tính chất đặc thù của địa bàn đầu tư của Chi nhánh, phát huy được những thế mạnh của địa phương và có giải pháp hạn chế trong đầu tư tín dụng đối với những lĩnh vực, ngành nghề, khách hàng không có lợi thế trong cạnh tranh trong kinh doanh.

- Đáp ứng được các yêu cầu về hiệu quả kinh doanh, gia tăng thị phần của Chi nhánh, hướng đến cân bằng giữa mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, đảm bảo khả năng tăng trưởng tín dụng và đầu tư an toàn trong phạm vi tỷ

lệ nợ xấu chấp nhận được. Đồng thời phải phát huy được năng lực và lợi thế so sánh của Chi nhánh so với các NHTM khác trên địa bàn. Chính sách tín dụng là kim chỉ nam, là định hướng cơ bản trong xác định những mục tiêu cần thực hiện trong hoạt động cấp tín dụng. Xây dựng một chính sách tín dụng hợp lý và hiệu quả giúp cho hoạt động tín dụng có sự định hướng rõ ràng, hạn chế được những rủi ro trên cơ sở phân tích và nghiên cứu thị trường một cách đầy đủ và kỹ càng. Chính sách tín dụng cụ thể của Chi nhánh nên tập trung trong các nội dung sau:

3.2.2.1. về chính sách lãi suất

Chính sách lãi suất có ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của Chi nhánh góp phần hạn chế RRTD tuy nhiên hiện nay việc áp dụng lãi suất cho vay tại Chi nhánh vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý do lãi suất cho vay đang được áp dụng chung một mức đối với từng loại sản phẩm tín dụng. Ví dụ: lãi suất cho vay tiêu dùng, lãi suất cho vay đối hộ sản xuất kinh doanh, cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn... mà không căn cứ vào lợi nhuận do khách hàng đó mang lại. Vì thế chính sách lãi suất hợp lý phải là:

- Phải căn cứ vào kết quả xếp hạng tại thời điểm cấp tín dụng, uy tín của khách hàng trong quá trình vay, trả nợ, từ đó cần có chính sách lãi suất ưu đãi cho những khách hàng hoạt động kinh doanh có hiệu quả, vay vốn có TSBĐ; vay, trả đúng hạn. Ngược lại, đối với những món vay nhỏ, không có TSBĐ, đầu tư vào ngành có mức độ rủi ro cao thì áp dụng mức lãi suất cao để bù đắp được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình cấp tín dụng. Việc áp dụng lãi suất ưu đãi phải căn cứ vào khách hàng có đóng góp nhiều lợi nhuận cho Ngân hàng chứ không chỉ dựa vào doanh số cho vay, dư nợ cao bởi những khách hàng có dư nợ, doanh số cho vay cao chưa hẳn đã đóng góp nhiều lợi nhuận cho Ngân hàng mà còn phụ thuộc vào lãi suất áp dụng cho khách hàng này, dự phòng rủi ro phải trích cho khoản vay.

- Phải căn cứ vào mức độ rủi ro và khả năng bán chéo sản phẩm: Đối với các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm, nghiệp thực hiện vay vốn thông qua các tổ hội Nông dân, hội Phụ nữ, ngoài việc trả hoa hồng ở mức 6% trên tổng số lãi thu

được, Chi nhánh nên áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn so với đối tượng cùng loại từ 1-1, 5%/năm nhưng yêu cầu các hộ này hàng tháng phải gửi tiết kiệm gửi góp từ 50.000-100.000 đồng trong suốt thời hạn vay vốn để khuyến khích các hộ vay vốn thông qua tổ nhằm hạn chế tình trạng quá tải đối với CBTD, Ngân hàng có nguồn vốn ổn định và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức Hội đối với vốn vay Ngân hàng.

- Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách lãi suất phải trên cơ sở lãi suất thị trường, có tham khảo lãi suất cùng loại của các Ngân hàng trên cùng địa bàn nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh. Nếu lãi suất quá cao sẽ làm mất khách hàng hoặc trong ngắn hạn có thể thu được lợi nhuận cao nhưng trong dài hạn sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng làm gia tăng nợ quá hạn, nợ xấu. Ngược lại nếu lãi suất quá thấp sẽ làm giảm lợi nhuận của Chi nhánh.

3.2.2.2. về chính sách khách hàng

- Mặc dù chủ trương hoạt động đa năng, nhưng Agribank Quảng Trị nên tập trung vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, xác định khách hàng chủ yếu trong hoạt động kinh doanh của mình là nhóm khách hàng kinh tế hộ. Qua tổng kết 15 năm hoạt động đầu tư phát triển kinh tế hộ của Agribank Quảng Trị cho thấy, kinh tế hộ là thị trường rộng lớn, mức đầu tư vốn/hộ của Ngân hàng không lớn nên có khả năng thu hồi vốn cao, phù hợp với khả năng quản lý rủi ro của Chi nhánh. Mặt khác, tư cách người vay trong nhóm khách hàng kinh tế hộ được đánh giá cao, họ có trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Với lợi thế mạng lưới chi nhánh rộng khắp trong toàn tỉnh, Agribank Quảng Trị nên tận dụng các ưu thế của mình.

- Chuyển đổi cơ cấu khách hàng theo hướng xóa bỏ tình trạng bị động vào một số lượng khách hàng lớn nhất định: Thực tế cho thấy, việc dựa vào một số ít các khách hàng lớn gây ra khả năng rủi ro rất cao cho Chi nhánh khi các khách hàng này gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ đúng hạn hoặc không trả được nợ trong khi qui mô của các Chi nhánh lại nhỏ, không có đủ khả

năng tài chính để trích lập dự phòng rủi ro, hậu quả là Chi nhánh bị thiếu lương, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Ví dụ: Tại Chi nhánh huyện Đakrông: Công ty CP cà phê Thái Hoà có dư nợ 117 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66%/tổng dư nợ Chi nhánh (176 tỷ đồng); Tại Chi nhánh huyện Vĩnh Linh: dư nợ của 03 Cty TNHH 01 TV Trường Anh, Cty CP Khoáng sản Quảng Trị và Cty CTy Cổ Phần Xây Dựng 47 Quảng Trị có dư nợ 110 tỷ đồng, chiếm 28%/tổng dư nợ chi nhánh (400 tỷ đồng). Trong hoạt động Ngân hàng, việc bán được nhiều sản phẩm cho nhiều khách hàng là tốt hơn việc tăng doanh số chỉ dựa vào một số lượng khách hàng hạn chế bởi vì những khách hàng mới là những khách hàng có nhiều tiềm năng trong việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng đồng thời Ngân hàng có

thể phân tán rủi ro.

3.2.2.3. về chính sách bảo đảm tiền vay

Mặc dầu TSBĐ chỉ được xem là nguồn thu thứ cấp để thu hồi vốn khi có rủi ro xảy ra nhưng do đặc thù báo cáo tài chính của Doanh nghiệp khi cung cấp cho Ngân hàng thường không chính xác, che dấu khả năng tài chính yếu kém, đây cũng là nguyên nhân vì sao một số Chi nhánh Agribank vẫn luôn xem nặng phần tài sản thế chấp như là chỗ dựa cuối cùng để hạn chế rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, việc cho vay quá chú trọng đến TSBĐ nhưng TSBĐ lại kém chất lượng, TSBĐ không chặt chẻ về mặt pháp lý dẫn đến việc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngoài các qui định về chính sách TSBĐ của Agribank Việt Nam như: loại TSBĐ, tỷ lệ cho vay so với giá trị TSBĐ.. ..thì Agribank Việt Nam nên bổ sung, chỉnh sửa các điểm sau nhằm hoàn thiện cơ chế bảo đảm tiền vay:

- Việc định giá TSBĐ: Cần qui định cụ thể với loại TSBĐ nào, giá trị TSBĐ bảo nhiêu thì bộ phận Tín dụng được phép định giá (ví dụ: TSBĐ dưới 03 tỷ đồng). Trường hợp giá trị TSBĐ vượt mức của bộ phận Tín dụng thì việc định giá TSBĐ phải qua bộ phận thẩm định để tái thẩm định trước khi thoả thuận giá trị chính thức với khách hàng. Đối với những tài sản có độ phức tạp cao, giá trị lớn

như (ví dụ: TSBĐ có giá trị trên 30 tỷ đồng, hệ thống máy móc thiết bị phức tạp) nhất thiết phải mời cơ quan có chuyên môn thẩm định giá trị.

Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý CBTD, cán bộ thẩm định và những người có liên quan khi định giá quá chênh lệch so với giá của thị trường hoặc thu nhận TSBĐ nhưng không đầy đủ yếu tố pháp lý dẫn đến khi rủi ro xảy ra buộc phải xử lý TSBĐ nhưng không thu hồi được hoặc thu hồi không đủ, gây thất thoát vốn Ngân hàng.

- về hồ sơ bảo đảm tiền vay

Theo qui định tại Quyết định số 1300/QĐ-HĐQT-TDHo ngày 03/07/2007 của Agribank Việt Nam thì việc định giá TSBĐ do các bên thoả thuận căn cứ vào giá Nhà nước, giá thị trường và có tham khảo các yếu tố khác về giá và TSBĐ tiền vay được xác định giá trị tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm; việc xác định giá trị tại thời điểm chỉ làm cơ sở xác định mức cho vay của NHNo Việt Nam, không áp dụng khi xử lý TSBĐ để thu hồi nợ (Điều 6) đồng thời khi ký kết hợp đồng thế chấp, cầm cố, Agribank nơi cho vay phải xác định phạm vi bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ trả nợ (thông thường tối đa là 75% giá trị TSBĐ); khách hàng chỉ có nghĩa vụ trả nợ gốc cộng với số tiền lãi, phí liên quan đúng bằng số tiền phạm vi bảo đảm nghĩa vụ trả nợ trên hợp đồng thế chấp, cầm cố. Tuy nhiên, thực tế xảy ra tại Chi nhánh là: Nhiều trường hợp khách hàng được cấp tín dụng một phần không có bảo đảm bằng tài sản (những khách hàng có xếp hạng cao, tại thời điểm cấp tín dụng không có đủ TSBĐ) trong quá trình kinh doanh, do có tranh chấp về công nợ đã bị toà án tuyên khách hàng này phải trả nợ cho đối tác, người cho vay khác một số tiền khá lớn nhưng do không có khả năng thực hiện buộc Cơ quan thi hành phải kê biên cả tài sản đang thế chấp cho Ngân hàng. Quá trình bán tài sản, mặc dầu tài sản bán có giá trị lớn hơn rất nhiều so với tại thời điểm định giá tuy nhiên Cơ quan thi hành án chỉ chuyển trả số tiền để trả nợ cho Ngân hàng đúng bằng số tiền “phạm vi bảo đảm nghĩa vụ trả nợ” đã ghi trên hợp đồng thế chấp, cầm cố và số tiền lãi có liên quan đến số tiền này; đối với số tiền Ngân hàng cho vay không có

bảo đảm bằng tài sản được cơ quan Thi hành án xem Ngân hàng như các chủ nợ cho vay không có bảo đảm bằng tài sản khác đồng thời phần tiền còn lại do bán tài sản lớn hơn tại thời điểm định giá được cơ quan thi hành án chia đều theo tỷ lệ như với các chủ nợ cho vay không có bảo đảm bằng tài sản khác gây rủi ro thất thoát vốn

cho Ngân hàng.

Vì vậy, trong các mẫu hợp đồng thế chấp, cầm cố, Agribank Việt Nam nên bổ sung thêm thoả thuận trong trường hợp phải xử lý TSBĐ là: Trường hợp số tiền thu được từ việc bán tài sản lớn hơn so với giá trị TSBĐ tại thời điểm định giá (định giá lại) thì toàn bộ số tiền này cũng được Ngân hàng thu hồi nợ vay (kể cả các khoản nợ được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản) mà không bị giới hạn bởi “Phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm” được quy định tại các hợp đồng thế chấp, cầm cố.

Một phần của tài liệu 0072 giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh tại chi nhánh NH nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh quảng trị luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 92 - 97)