2.3.2.1. Hạn chế
Định mức lao động chưa hợp lý: Khối lượng công việc trong một ca làm của nhân viên được phân bổ chưa hợp lý, một người kiêm quá nhiều công việc, dẫn đến sự thiếu chuyên môn hoá, thiếu hiệu quả trong công việc. Ví dụ: Nhân viên lễ tân nhà hàng có nhiệm vụ đón tiếp, dẫn khách vào nhà hàng, viết biển tên cho các món ăn, thực hiện các công việc liên quan đến báo cáo tài chính, doanh thu, gọi và trả lời điện thoại, các thao tác nhập số bàn, thanh toán bàn trên máy tính. Vào những ngày đông khách có thể hỗ trợ nhân viên bàn phục vụ khách, lau dọn đồ, set up bàn… Một ca chỉ gồm 8 đến 10 nhân viên và từ 2 đến 4 trainee thì không đủ quán xuyến toàn bộ công việc của một nhà hàng có sức chứa 250 chỗ. Thiếu nhân sự dẫn đến quá tải công việc cho mỗi nhân viên ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thái độ và kỹ năng phục vụ chất lượng phục vụ bàn bị giảm sút. Tình trạng thiếu nhân sự xảy ra vào mùa cao điểm là chủ yếu. Tuy đã có biện pháp bằng cách thuê thêm partime tuy nhiên những partime mới chưa quen với công việc, làm việc còn chậm và lúng túng.
Công tác tuyển dụng và đào tạo lao động chưa kịp thời: Công tác này thường không kịp thời, thời gian tuyển dụng và đào tạo khá dài khiến cho nhà hàng ở trong tình trạng thiếu nhân viên khá lâu mỗi khi có nhân viên nghỉ việc. Ít các buổi đào tạo ngoài giờ làm việc mà chủ yếu là do trong quá trình làm việc tự học hỏi từ các nhân viên cũ dẫn đến kiến thức thu thập được không có hệ thống, sai lệch nhiều do qua nhiều người truyền đạt.
Công tác đánh giá lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động: Công tác đánh gia lao động được thực hiện 1 lần/năm, khiến cho nhiều người lao động cảm thấy không thường xuyên được khích lệ, động viên cũng như được ban lãnh đạo nhìn nhận về cố gắng và nỗ lực của mình.
Cách thức tổ chức đón tiếp khách chưa hiệu quả: Chưa có một hệ thống áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hoá để thực hiện việc đón tiếp khách mà chủ yếu là phương thức thủ công dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát lượng khách ra vào nhà hàng, khách ở tại khách sạn hay khách ngoài, khách có bao gồm ăn sáng trong gói phòng hay khách thanh toán riêng… Dẫn đến những thất thoát về doanh thu, gây sự khó chịu, phiền toái cho khách hàng, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và hình ảnh chuyên nghiệp của nhà hàng.
2.3.2.2. Nguyên nhân
* Nguyên nhân chủ quan
Do không có sự cập nhật, dự báo số lượng khách kịp thời từ bộ phận Lễ tân nên xảy ra tình trạng có những ngày khách rất đông mà lại thiếu nhân viên làm việc. Thông thường, lịch làm việc của một tuần sẽ được thông báo vào thứ 7 tuần trước do giám sát viên sắp xếp dựa trên nguyện vọng, mong muốn của nhân viên. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu vào ca sáng của một ngày, nhân viên lễ tân nhà hàng mới nhận được danh sách số lượng khách ăn tại nhà hàng từ bộ phận Lễ tân khách sạn. Điều này dẫn đến việc thiếu nhân viên mỗi khi đông khách, khiến cho định mức lao động tăng lên, hiệu quả công việc giảm sút.
Bộ máy quản lý cứng nhắc, chưa có sự linh hoạt trong công tác tuyển dụng và đào tạo căn cứ vào nhu cầu lao động qua từng thời kì. Chưa có sự đầu tư mạnh về mặt công nghệ, ứng dụng công nghệ, tự động hoá trong các quy trình tác nghiệp mà chủ yếu dựa vào sức người, sử dụng những phương pháp thủ công dẫn đến sự thiếu chính xác trong công việc, nhân viên bị tạo áp lực nặng nề.
* Nguyên nhân khách quan
Tình hình kinh tế khó khăn và sự cạnh tranh trên thị trường một phần cũng đã khiến cho lượng khách đến khách sạn sụt giảm, khách sạn phải cắt giảm chi tiêu và đầu tư một số hạng mục. Trong khi chi phí để đầu tư xây dựng một hệ thống công nghệ tự động hoá là rất lớn, chưa kể các chi phí liên quan đến vận hành, lắp đặt, bảo dưỡng, đào tạo huấn luyện nhân viên… Vì vậy chủ yếu vẫn phải phụ thuộc vào phương thức thủ công.
Chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng chưa trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cho sinh viên. Bên cạnh đó các kỹ năng mềm như: Tin học văn phòng, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, quản lý thời gian… cũng chưa được chú trọng đào tạo. Các thực tập sinh đa phần là chưa có kinh nghiệm, lý thuyết được học trên trường và thực tiễn khi tác nghiệp có sự khác biệt nhau khiến các thực tập sinh mất từ 1 – 3 tháng thực tập tại doanh nghiệp, thậm chí sau đó còn mất một thời gian dài làm nhân viên casual trước khi được nhận vào làm chính thức.