- Thứ nhất: Trung tâm là đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ, mặc dù đã đạt được các chỉ tiêu khoán về doanh thu, chi phí, lợi nhuận,…tuy nhiên công tác hạch toán chi phí giữa Công ty mẹ và Trung tâm không rõ ràng, làm cho nhiều chỉ tiêu chưa phản ảnh đúng bản chất của vấn đề. Chẳng hạn như tài sản tiền và các khoản tương đương tiền của Trung tâm hầu như không có, các khoản này lại được đẩy về hạch toán tại Công ty mẹ, làm cho các chỉ tiêu về khả năng thanh toán không đánh giá đúng bản chất của Trung tâm hay như toàn bộ vốn vay và vốn chủ sơ hữu được Công ty mẹ đảm bảo và được báo nợ xuống cho Trung tâm là khoản nợ phải trả nội bộ, điều này làm cho các thông tin nguồn vốn trên bảng cân đối kế toán không thể hiện đúng bản chất nguồn vốn của nó…Trung tâm cần phải có chế độ hạch toán rõ ràng, đầy đủ các khoản tài sản, chi phí phát sinh để các nhà quản trị Trung tâm có thể tham khảo thông tin và ra quyết định sản xuất kinh doanh chính xác.
- Thứ hai: Việc đảm bảo khả năng thanh toán của Trung tâm không tốt, ngoài hệ số thanh toán hiện thời mang tính khái quát còn các hệ số thanh toán nhanh, hệ số thanh toán tức thời (hệ số thanh toán bằng tiền) là những chỉ tiêu chi tiết hơn chưa đạt ngưỡng an toàn. Điều này tiềm ẩn rủi ro mất khả năng thanh toán nếu như Trung tâm vấp phải những biến động lớn của thị trường.
- Thứ ba: Vốn lưu động nằm trong các khoản phải thu của Trung tâm chiếm tỷ lệ lớn nhất, luôn đạt trên 70% trong tổng số vốn lưu động. Điều này có thể cho thấy một sự thay đổi nhỏ trong chính sách thu hồi công nợ cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động của Trung tâm. Thế nhưng vòng quay các khoản phải thu trong các năm gần đây chưa được cải thiện như đã phân tích ở phần trên. Đáng lưu ý là chỉ số vòng quay các khoản phải thu của Trung tâm nếu đem so sánh với doanh nghiệp cùng ngành thì kém xa, cụ thể chỉ bằng ~1/3 so với INN. Đây là hạn chế lớn nhất mà Trung tâm cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
- Thứ tư: Hàng tồn kho của Trung tâm chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng số vốn lưu động, nhưng công tác quản lý hàng tồn kho không ổn định. Số vòng quay hàng tồn kho năm 2016 đã giảm 33% so với số vòng quay hàng tồn kho năm 2015. Công tác quản lý hàng tồn kho của Trung tâm chẳng những được cải thiện ở năm sau mà còn kém hiệu quả hơn năm trước.
- Thứ năm: Nhân sự chủ chốt quản lý tài chính của Trung tâm thường xuyên thay đổi. Cụ thể năm 2015 Trung tâm đã thay Kế toán trưởng và Giám đốc Trung tâm. Nhân sự quản lý chủ chốt mới lại chưa có kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung tâm, dẫn đến còn một số hạn chế trong điều hành quản lý. Điều này đã cho thấy một số chỉ tiêu tài chính năm 2016 giảm hơn so với năm 2015. Trung tâm cần có kiến nghị rõ ràng cho cấp quản ý trên đảm bảo nguồn cán bộ chủ chốt kế cận có đủ năng lực và trình độ quản lý, điều đặc biệt hơn là cần có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của Trung tâm để tránh làm gián đoạn hoặc suy giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tóm lại, công tác sử dụng vốn lưu động tại Trung tâm trong những năm gần đây đã đạt được những cải thiện nhất định, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, tạo tiền đề cho Trung tâm có những giải pháp hiệu quả hơn trong công tác sử dụng vốn, để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Trung tâm và đạt được mục tiêu nằm trong top 3 nhà sản xuất bao bì lớn nhất Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, Trung tâm cần phải chú trọng đến công tác sử dụng vốn, đặc biệt là vốn lưu động chiếm 75% vốn kinh doanh của Trung tâm.
CHƯƠNG 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC SỬ DỤNG VỐN LƯU ĐỘNG TẠI TRUNG TÂM ĐIỀU HÀNH KINH DOANH IN VIETTEL