Sâu vẽ bùa P. citrella là loài côn trùng gây hại quan trọng cho cây bưởi tại địa điểm nghiên cứu. Loài này cũng là loài gây hại chính trên các cây có múi như cây bưởi, cam, chanh… ở nhiều vùng ở Việt Nam. Loài này có phân bố ban đầu ở vùng Đông Nam Á, rồi mở rộng phân bố ra nhiều vùng khác nhau trên thế giới như Nhật Bản, Australia, Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ.
Trưởng thành sâu vẽ bùa đẻ trứng vào búp lá bưởi non, sâu non nở ra ăn biểu bì lá, đục trong lớp biểu bì thành những đường chỉ ngoằn ngoèo và được một lớp sáp trắng nhợt phủ bên trên, khiến lá bưởi bị nhăn xoăn, làm giảm đáng kể chức năng quang hợp của lá.
Tại địa điểm nghiên cứu, trong thời gian từ đầu tháng 5 đến hết tháng 8 năm 2018, kết quả điều tra cho thấy sâu vẽ bùa xuất hiện thường xuyên; tỷ lệ lá bị hại
( nhìn chung tăng dần lên và cao nhất đạt 15,5% vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 trùng với thời kỳ ra nhiều lộc hè của cây bưởi. Vào cuối tháng 8, các cây bưởi có bộ lá hầu hết là già và lá bánh tẻ và trong các cây bưởi được chọn ngẫu nhiên điều tra tại khu vườn cố định, không ghi nhận được lá bưởi nào nhiễm sâu vẽ bùa (Hình3.1).
Hình 3.1. Tỷ lệ lá bưởi nhiễm sâu vẽ bùa theo thời gian điều tra
Để xác định mật độ sâu vẽ bùa (con/lá) trong những lá bưởi đã nhiễm, đã thu thập lá bưởi nhiễm sâu vẽ bùa đưa về phòng thí nghiệm để quan sát, đếm số lượng và thu con trưởng thành. Việc theo dõi sâu vẽ bùa trong phòng thí nghiệm được tiến hành từ tháng 5 đến hết tháng 8 năm 2018. Mật độ sâu vẽ bùa (con/lá) trung bình thấp nhất là 1,66 con/lá vào cuối tháng 8, cao nhất là 2,91 con/lá vào đầu tháng 5. Số liệu được thể hiện trong Hình3.2