tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
Các cấp chính quyền địa phương huyện Duy Xuyên đã thực hiện quản lý nhà nước về kinh tế từ năm 2016 đến 30/6/2020 đạt được những kết quả sau:
Thứ nhất, về xây dựng nông thôn mới
HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) huyện Duy Xuyên, giai đoạn 2017 - 2020. Qua rà soát, trong tổng số 9 tiêu chí của huyện NTM, đến nay Duy Xuyên đã đạt 6 tiêu chí gồm: quy hoạch, điện, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự, chỉ đạo xây dựng NTM, còn 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, thủy lợi, giáo dục - y tế - văn hóa. Theo kế hoạch, để năm 2020 Duy Xuyên trở thành huyện NTM, ngoài việc 11/11 xã phải về đích, địa phương cần phải huy động các nguồn lực đầu tư khoảng 2.257 tỷ đồng.
Năm 2017 thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 38,3 triệu đồng; hiện nay tỷ lệ hộ nghèo còn 5,65% theo chuẩn đa chiều, giảm 1,2% so với năm 2016. Năm 2018, bình quân thu nhập đầu người của huyện đạt 39,8 triệu đồng, tăng 22,17 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,01%, giảm 18,9% so với cách đây 8 năm
Duy Xuyên đã đầu tư 871,5 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước các cấp hơn 389,6 tỷ đồng, vốn tín dụng 136 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp và hợp tác xã 20 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 325 tỷ đồng.
Thứ hai, về phát triển các khu công nghiệp và thu hút đầu tư
Xây dựng được 5 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Tuy An diện tích 100ha; Cụm công nghiệp Đông Yên (xã Duy Trinh 6ha); cụm công nghiêp Lang Châu Nam (xã Duy Phước), cụm công nghiệp Gò Mỹ (xã Duy Tân) và cụm công nghiệp Cồn Đu (xã Duy Châu).
Tại các cụm công nghiệp của huyện như Gò Mỹ, Đông Yên, Tây An, Gò Dỗi đã thu hút thêm 11 dự án vào đầu tư với tổng số vốn đăng ký 850 tỷ đồng, có 4 dự án FDI với số vốn 39 triệu USD, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 9.233 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm 22% và giải quyết việc làm ổn định cho hơn 8.000 lao động.
Thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất ở các cụm công nghiệp của huyện, ưu tiên những doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản với nguyên liệu tại chỗ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Thu hút đầu tư và thực hiện đi vào hoạt động khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với diện tích 985,5ha với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD do Tập đoàn Châu Đài Phát (Hong Kong) làm chủ đầu tư. Tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống
cho người dân địa phương.
Ngoài 75 dự án đã hoạt động, trong năm qua Duy Xuyên tiếp nhận thêm 35 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 2.250 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 2.500 lao động. Thống kê cho thấy, năm 2017 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt 4.251 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2016. Trong khi đó, hoạt động thương mại - dịch vụ cũng phát triển ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân và năm 2017 tổng giá trị sản xuất của ngành này đạt 3.629 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm trước.
Nhờ huy động nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng và vận dụng linh hoạt những cơ chế, chính sách hỗ trợ nên huyện đã thu hút được các nhà đầu tư tìm đến làm ăn lâu dài.
Thứ ba, về phát triển du lịch
Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp, hãng lữ hành đưa khách đến tham quan Mỹ Sơn và mở rộng tìm kiếm cơ hội phát triển tiềm năng du lịch vùng phụ cận. Nhờ vậy, trong năm tổng lượng khách đến tham quan, nghiên cứu đạt hơn 342.000 lượt người, chủ yếu là khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 55 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2016. Đặc biệt từ tháng 2.2017, Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn phối hợp cùng các chuyên gia Ấn Độ bắt đầu thực hiện dự án khai quật và trùng tu khu vực tháp K, tháp H, tháp A trong vùng lõi quần thể di sản này. Dự án được đầu tư với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Ấn Độ tài trợ 50 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tiến hành khai quật, các chuyên gia phát hiện hai tuyến đường dẫn được xem là dành cho các vị chức sắc quan trọng trong quá trình tổ chức hành lễ tại thánh địa Mỹ Sơn. Ngoài ra, còn phát hiện nhiều hiện vật có giá trị như hai tượng đá mình người,
đầu sư tử, các chóp tháp cùng một số chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới chân tháp cổ.
Thu hút trên 421.450 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 6,05 % so với cùng kỳ, trong đó khách đến Mỹ Sơn chiếm 416.600 lượt người, doanh thu ước đạt trên 65 tỷ đồng, tăng 8,33 % so với cùng kỳ. Huyện cũng tổ chức tốt việc sơ kết 2 năm thực hiện Đề án phát triển du lịch; phối hợp tỏ chức thành công lễ kỷ niệm 20 năm Khu Đền tháp Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 5.078 tỷ đồng, tăng 18,5 % so cùng kỳ.
Thứ tư, về thực hiện chế độ chính sách
Theo thống kê, từ năm 1997 đến nay, Duy Xuyên đã tranh thủ các nguồn lực và vận động hỗ trợ xây dựng 4.400 nhà ở cho người có công với tổng kinh phí hơn 120 tỷ đồng. Đồng thời xác lập 1.685 hồ sơ liệt sĩ, 925 hồ sơ thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.670 hồ sơ người có công cách mạng, 520 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 1.387 hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, 14/14 xã, thị trấn của huyện đều được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, hơn 98% gia đình chính sách trên địa bàn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư.
Thứ năm, về phát triển cơ sở hạ tầng
Về cơ sở hạ tầng trong 6 năm qua huyện đã đổ bê tông thêm 85,5km đường liên xã, liên thôn, liên xóm, nâng tổng số đường giao thông nông thôn được thảm nhựa, bê tông hóa lên 127km, đạt hơn 92% và kiên cố hóa 28km trục chính giao thông nội đồng. Hệ thống kênh mương được quan tâm xây dựng với gần 141km; ngoài ra, huyện còn đầu tư kéo 37km đường dây điện,
thủy lợi hóa đất màu, nâng tổng chiều dài lên hơn 116km, đảm nhận tưới cho 1.200ha đất sản xuất các loại hoa màu.
Đối với vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu thì huyện Duy Xuyên tiến hành lồng ghép, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình MTQG, nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, vốn tín dụng thương mại, tín dụng nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác; Ưu tiên hỗ trợ thực hiện các tiêu chí có thể tạo nên sự phát triển đột phá, có tính chất lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thứ sáu, về phát triển kinh tế xã hội
Giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 4.115 tỷ đồng, tăng 15 % so với cùng kỳ. May mặc xuất khẩu, valy, túi xách đạt giá trị sản xuất 1.053 tỷ đồng, tăng 46,44 %, công nghiệp phi kim loại đạt 953,7 tỷ đồng, tăng 9,7 %.
Công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp có nhiều cố gắng. Tiếp tục hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục triển khai 10 dự án đã được thông qua và tiếp nhận 4 hồ sơ dự án mới. Hoạt động thương mại-dịch vụ ổn định, giá cả không biến động lớn, chất lượng, mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú.
Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 5.078 tỷ đồng, tăng 18,5 % so cùng kỳ. Sản xuất đạt 97,4 % diện tích gieo trồng cây hằng năm, thực hiện tốt mục tiêu tái cơ cấu ngành trồng trọt, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, đạt sản lượng lương thực xấp xỉ năm trước. Toàn huyện đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi nhằm giảm thiểu thiệt hại đối cho người chăn nuôi, song tổng đàn heo vẫn giảm 34 % so với cùng kỳ; bên cạnh đó đàn trâu bò cũng giảm từ 5 % đến 8 % so với cùng kỳ; nuôi trồng thủy sản giảm 21 %, đánh bắt thủy sản tăng 2,2 % so với năm trước.
Duy Xuyên hiện có 15 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Các HTX, tổ hợp tác (THT) đang phát huy vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên, sự tham gia và giám sát chặt chẽ của HTX giúp hoạt động chăn nuôi của các hộ liên kết trên địa bàn các xã, thị trấn hiệu quả và an toàn hơn, đóng góp đáng kể vào quá trình xây dựng NTM của địa phương.
Năm 2019, bình quân mỗi ha sen cho thu hoạch 2,7 - 3,2 tấn hạt tươi. Với giá bán dao động 28 - 32 nghìn đồng/ kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, nhà nông lãi ròng 130 - 160 triệu đồng/ha, cao gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa.
HTX là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển OCOP gắn với xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Trong các năm tới, huyện sẽ tiếp tục kiến tạo, phát huy vai trò HTX, hỗ trợ các khâu nhằm mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập, bảo đảm NTM phát triển bền vững
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 14,8%, sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, ngành công nghiệp - thị trường chuyển nhượng phát triển đạt mức tăng trưởng khá, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, chương trình giảm nghèo có kết quả tốt, toàn huyện còn 4,01% hộ nghèo (giảm 18,9% so với năm 2010), thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, năm 2018 thu nhập bình quân đạt 38,9 triệu đồng/người/năm (tăng 22,17 triệu đồng/người/ năm so với năm 2010). Duy Xuyên đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tập trung đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sớm đưa ngành dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. [56, tr.5,7,8]