Quế Sơn là huyện trung du của tỉnh Quảng Nam. Tổng diện tích tự nhiên của huyện 257,46 km2, nằm cách tỉnh lỵ Tam Kỳ 30km về phía Tây Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 40km về phía Tây Nam [13]. Phía Bắc giáp huyện Duy Xuyên; phía Nam giáp huyện Hiệp Đức; phía Đông giáp huyện Thăng Bình; phía Tây giáp huyện Nông Sơn. Toàn huyện có 13 đơn vị hành chính, bao gồm các 11 xã và 02 thị trấn. Trong đó, có 01 xã miền núi là xã Quế Phong.
- Về điều kiện tự nhiên
Tổng diện tích tự nhiên của huyện: 257,46 km2, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp: 43,43km2; Đất lâm nghiệp: 38,72km2; Đất chuyên dùng: 7,74km2, Đất ở: 3,63km2.
Địa hình Quế Sơn có trên 60% diện tích là vùng đồi núi. Vùng đồng bằng nhỏ hẹp ở phía Đông và xen kẽ giữa các khu vực đồi gò. Địa hình huyện Quế Sơn phân bố thấp dần từ Tây sang Đông, trong đó hơn 60% địa hình đồi núi cao, về mùa mưa sẽ gây ra hiện tượng xói mòn đất và thoái hóa đất. Còn lại địa hình gò đồi và đồng bằng, với địa hình này luôn được phù sa bồi đắp nên thích hợp cho sản xuất nông nghiệp [10].
- Về điều kiện kinh tế - xã hội
Theo số liệu điều tra của Chi Cục Thống kê huyện Quế Sơn, dân số đến năm 2019 là 81.186 người. Trong đó, khu vực nông thôn có 73.623 người, chiếm 90,68%, khu vực thành thị có 7.563 người chiếm 9,32%. Mật độ dân số chung toàn huyện là 315 người/km2. Dân số là nữ có 42.123 người, chiếm khoảng 51,88%, số dân là nam có 39.063 người, chiếm khoảng 48,12%. Năm 2019, huyện Quế Sơn có 1.099 hộ nghèo, tỷ lệ 3,76%; 919 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,15%; trên 70% dân số sinh sống bằng nghề nông [10].
Toàn huyện có 51,2% dân số trong độ tuổi lao động, lao động công nghiệp trên địa bàn chiếm 2,93%, lao động vận tải chiếm 0,96%, lao động tư thương và dịch vụ tư nhân chiếm 4,75%, còn lại là lao động nông nghiệp và các ngành nghề khác. Hằng năm, huyện có kế hoạch mở lớp đào tạo nghề trồng tiêu, chăn nuôi bò vỗ béo, nuôi nhận biết và trị bệnh cho trâu bò, nuôi gà thả vườn, nuôi gà tre, ươm cây con giống, may mặc... tạo việc làm ổn định cho 3.756 lao động, góp phần phát triển kinh tế -xã hội của địa phương [10].
Hệ thống giao thông: Đường Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn huyện có chiều dài là 8,5km. Đường liên tỉnh chạy qua địa bàn huyện có 02 tuyến, có tổng chiều dài tuyến 37,5km, trong đó: có 22km bê tông nhựa và 15,5km thâm nhập nhựa. Đường liên huyện: toàn huyện có 18 tuyến đường huyện, với tổng chiều dài: 119,29km. Đường liên xã và đường nội thị: có 65 tuyến, với tổng chiều dài: 113,3km. Đường Dân sinh (thôn, xóm) có tổng chiều dài: 393,66km [13].
Tổng giá trị sản xuất năm 2019 (theo so sánh năm 2010) ước đạt 5.117,116 tỷ đồng tăng 12,81% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó Nông lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 755,066 tỷ đồng tăng 2,90% so với năm 2018; Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp- Xây dựng ước đạt 2.382,00 tỷ đồng tăng 17,92 % so với năm 2018; Thương mại dịch vụ ước đạt 1.980,05 tỷ đồng tăng 11,24% so với cùng kỳ năm trước [10].
Là huyện có tiềm năng về đất đai, đất rừng, có thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, có nhiều khe suối, di tích lịch sử để phát triển du lịch - dịch vụ; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển tương đối mạnh như: khu công nghiệp Đông Quế Sơn, cụm công nghiệp Hương An, Quế Cường, Dốc Đỏ… Có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú; Có lợi thế về phát triển cây lâm nghiệp; Có nguồn lao động dồi dào; được hưởng nhiều ưu đãi từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Đường giao thông liên xã, liên huyện được đầu tư bê tông hóa, kết nối thông suốt giữa các xã trong huyện và một số huyện trong tỉnh như: Nông Sơn, Hiệp Đức, Thăng Bình, Duy Xuyên….
Những yếu tố về đặc điểm tự nhiên và tình hình kinh tế - xã hội của huyện Quế Sơn kể trên có ảnh hưởng đến hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQVN huyện
Quế Sơn. Với nền kinh tế nông nghiệp là trọng điểm, đa số người dân huyện Quế Sơn còn gặp không ít khó khăn và thách thức, kinh tế phát triển không ổn định. Bên cạnh đó, khoảng cách phát triển giữa các vùng không đồng đều, thiếu đồng bộ giữa hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục,... chính vì vậy mà các yếu tố này tác động không nhỏ đến hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ huyện, đặc biệt là công tác giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cấp trong đầu tư phát triển xây dựng Nông thôn mới, các Chương trình Mục tiêu quốc gia,… điều kiện kinh tế phát triển, hạ tầng thông tin được đầu tư rộng khắp, đời sống của nhân dân trong huyện được nâng cao, nhân dân có điều kiện giao lưu, học hỏi, tiếp cận thông tin được thường xuyên,… và sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nhân dân có điều kiện tham gia giám sát tất cả các mặt của đời sống xã hội, công tác giám sát của Ủy ban MTTQVN huyện cũng đã từng bước được nâng cao, vị thế, vai trò của Ủy ban MTTQ ngày càng được cải thiện.