Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam
Hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQVN huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam ngày càng chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tiến bộ.
Ủy ban MTTQVN huyện đã phối hợp tốt với các tổ chức thành viên, các cơ quan liên quan trong việc thành lập các Đoàn giám sát, đảm bảo cơ cấu thành phần trong công tác giám sát, đảm bảo có các cơ quan chức năng tham gia đoàn giám sát, góp phần làm cho kỹ năng giám sát được nâng cao hiệu quả. Kết quả công tác giám sát của Ủy ban MTTQ huyện Quế Sơn theo từng đối tượng được phân tích dưới đây.
2.3.1. Giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu dân cử
2.3.1.1. Giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân
Hàng năm, thực hiện chương trình phối hợp hành động giữa Thường trực Ủy Ban MTTQVN huyện và Thường trực HĐND huyện. Nhiệm kỳ qua (từ năm 2014- 2019). Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân huyện tổ chức tiếp xúc cử tri tại 756 điểm (trong đó tiếp xúc cử tri với Đại biểu Quốc Hội 23 điểm; tiếp xúc với Đại biểu HĐND tỉnh tại 135 điểm và tiếp
xúc cử tri với đại biểu HĐND huyện, xã tại 560 điểm) trung bình mỗi điểm tiếp xúc cử tri có từ 70-140 cử tri tham dự. Tại các điểm tiếp xúc cử tri, Ủy ban MTTQVN huyện đã tổng hợp được 453 ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề bức xúc trong xã hội như tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương; công tác đền bù giải phóng mặt trận còn chậm; các chế độ hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo; các chính sách ưu đãi cho người có công… [38]. Các ý kiến trên được các đại biểu trả lời tại điểm tiếp xúc, còn những ý kiến không trả lời được các đại biểu sẽ ghi nhận và giải trình bằng văn bản, có những ý kiến liên quan đến các cơ quan chuyên môn, Ủy ban MTTQVN tổng hợp, trình các cơ quan có thẩm quyển giải quyết.
Đồng thời Ủy ban MTTQVN huyện cũng đã thành lập Ban giám sát việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền đối với cử tri, việc trả lời các ý kiến của cử tri có thỏa mãn nguyện vọng của cử tri chưa, nếu chưa thì Ban giám sát của Ủy ban MTTQVN huyện đề nghị cơ quan chuyên môn trả lời cụ thể, đúng theo ý nguyện của nhân dân.
Ngoài ra, Thường trực Ủy Ban MTTQVN các cấp trong huyện đã tổ chức tiếp dân theo định kỳ tại các xã, trung bình một tháng khoảng 9 cuộc tiếp xúc.
Trong những năm qua việc tiếp cử tri các đại biểu Quốc hội và HĐND đã có nhiều chuyển biến và mạng lại hiệu quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, như: Thời lượng dành cho ý kiến của cử tri còn ít, phần lớn thời gian dành cho đại biểu trình bày các báo cáo và dự kiến chương trình kỳ họp; một số đại biểu chưa thật sự chủ động đi sâu sát địa bàn ứng cử để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, chưa chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp xúc cử tri, chưa quan tâm đúng mức đến việc thu thập, phản ánh và tham gia ý kiến vào nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; việc chất vất còn mang tính hình thức, nể nang, ngại va chạm.
2.3.1.2. Giám sát hoạt động bầu cử Đại biểu dân cử
Thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động giữa Ủy ban MTTQVN huyện và các tổ chức thành viên. Nhân dân thông qua đại diện của mình là Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên, ngoài ra nhân dân cũng có thể tự
giám sát tất cả các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp tại địa phương, giám sát tất cả mọi khâu của quá trình bầu cử, từ các thủ tục, trình tự tiến hành bầu cử, thực hiện quy chế dân chủ và thực hiện công tác bầu cử có đúng luật quy định theo các văn bản: nghị quyết số 134/2016/UBTVQH13 ngày 18/01/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri; Nghị quyết liên tịch số 11/2016/NQLT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN hướng dẫn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp và Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và bầu cử Đại biểu HĐND năm 2015.
Từ năm 2014-2019, Ủy ban MTTQVN huyện đã phối hợp với các tổ chức phụ trách bầu cử để cùng giám sát, tham gia giám sát trực tiếp 112 cuộc tại các hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri nơi cư trú, hội nghị gặp gỡ tiếp xúc giữa ứng cử viên với cử tri để vận động bầu cử và tham gia giám sát gián tiếp 116 đợt tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại của công dân, tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử và các hình thức phù hợp khác.
Trong các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND, hoạt động giám sát cử tri đều được Ủy ban MTTQVN huyện quan tâm và chú trọng thực hiện. Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tổ chức tập huấn, quán triệt công tác giám sát cho Ủy ban Mặt trận TQVN cấp cơ sở và Ban TTND nhằm phát huy vai trò của các tổ chức này để giám sát các giai đoạn trong cuộc bầu cử, phối hợp với Ủy ban bầu cử thành lập đoàn giám sát tất cả các khâu trong công tác bầu cử.
Qua công tác giám sát, Ủy ban MTTQVN huyện đã phát hiện những sai phạm, thiếu sót trong quá trình bầu cử như: phiếu bầu chưa hợp lệ, danh sách bầu còn thiếu đóng dấu giáp lai, tình trạng cử tri đi bầu hộ vẫn còn xảy ra… qua đó, đã kiến nghị, đề xuất với tổ bầu cử sửa chữa, khắc phục kịp thời, góp phần giúp cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp thành công tốt đẹp, đúng quy định, tạo khí thế vui tươi, cởi mở, sôi nổi, công tác bầu cử như là một ngày hội của toàn dân.
Trong thời gian qua, để thực hiện tốt công tác giám sát bầu cử, các Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ đã phát huy tốt trách nhiệm, vai trò của mình cùng với Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên các cấp, giúp cho cuộc bầu cử diễn tra đúng quy trình và đúng luật.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi hoạt động bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các các cấp đều chịu sự giám sát toàn diện của nhân dân, nên công tác bầu cử đảm bảo diễn ra đúng quy trình, cơ cấu thành phần, đúng luật, giúp cho nhân dân bầu ra những đại biểu đại diện cho tiếng nói của mình, cùng nhau gánh vác trọng trách của một người Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp, làm cho niềm tin của nhân dân ngày càng nâng cao.
2.3.2. Giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân và hoạt động hành chính
2.3.2.1. Giám sát thông qua cử đại diện tham gia đoàn giám sát
Hàng năm, thực hiện quy chế phối hợp giữa các bên, Thường trực HĐND huyện chủ trì, phối hợp với đoàn Đại biểu Quốc hội và Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện xây dựng chương trình giám sát hàng năm của HĐND huyện, trên cơ sở chương trình, kế hoạch phối hợp đó, Ủy ban MTTQVN huyện tham dự các hoạt động giám sát hàng năm của Thường trực và các Ban của HĐND huyện.
Triển khai thực hiện quy chế phối hợp, trong giai đoạn từ 2014 đến 2019 Ủy ban MTTQVN huyện đã tham gia các đoàn giám sát cùng với đoàn Đại biểu Quốc hội – HĐND huyện tiến hành 112 cuộc giám sát tại 112 cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn huyện. Nội dung giám sát bao gồm: giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... Thông qua mỗi đợt giám sát, thành viên tham gia Đoàn giám sát đã chỉ ra những mặt làm được và chưa làm được, đưa ra hướng khắc phục trong thời gian đến, chủ yếu là đôn đốc, nhắc nhở để cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện tốt hơn trong thời gian đến.
2.3.2.2. Giám sát thông qua các hội đồng, các ban chỉ đạo
MTTQVN huyện quan tâm đúng mức. Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQVN huyện đã cử đại diện thành viên của mình tham gia vào các Ban chỉ đạo, để cùng giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn; tham gia giám sát công tác tạm giam, tạm giữ tại cơ quan Công an cùng với cơ quan Viện kiểm sát hàng năm... Tại các buổi giám sát cùng với các Ban chỉ đạo, Ủy ban MTTQVN huyện đã đưa ra những ý kiến, kiến nghị bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân trước khi Ban chỉ đạo đưa ra kết luận, góp phần làm hoàn thiện cơ chế, chính sách tại địa phương.
2.3.2.3. Giám sát thông qua việc tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân
Thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quyết định 217/QĐ-TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013..., hàng tháng, quý Ủy ban nhân dân (UBND) các xã, thị trấn phải trả lời bằng văn bản, và giải trình công khai trực tiếp tại các kỳ họp, các ý kiến, kiến nghị bức xúc của nhân dân. Những ý kiến, kiến nghị này là do Ủy ban MTTQ huyện thu thập tại các cuộc tiếp xúc cử tri, và từ các kênh thông tin khác, và được Ủy ban MTTQ huyện phản ánh với các cơ quan quyền lực nhà nước tương ứng.
Giai đoạn 2014 - 2019, Ủy ban MTTQ huyện đã tiếp nhận 389 ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó có 43 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương, có 346 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
Trong những năm qua, những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân huyện Quế Sơn tập trung nhiều vào vấn đề ô nhiễm môi trường. Đơn cử, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi heo và các công ty xí nghiệp trên địa bàn huyện gây ô nhiễm môi trường sống trong cộng đồng dân cư vẫn tiếp tục diễn ra tại xã Quế Mỹ, Quế Châu, thị trấn Hương An, thị trấn Đông Phú … Cử tri và nhân dân cũng có phản ảnh việc nguồn nước phục vụ dân sinh tại xã Quế Mỹ bị ô nhiễm nặng do chất thải của Công ty Tinh Bột sắn; tình trạng nuôi gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình trong huyện vẫn còn tái diễn, vi phạm quy định, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sức khỏe của nhân dân. Tiếp thu những ý kiến, kiến nghị
của nhân dân, Ủy ban MTTQVN các cấp trong huyện đã tổng hợp, đề xuất HĐND huyện cần có những biện pháp, và hướng giải quyết phù hợp để tạo niềm tin cho nhân dân và bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
2.3.2.4. Giám sát thông qua tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân
Công tác giám sát thông qua tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được Ủy ban MTTQVN triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo.
Để thực hiện công tác giám sát tại cơ quan hành chính nhà nước đạt hiệu quả, thực hiện quy chế phối hợp giữa Ủy ban MTTQVN và HĐND huyện, hàng tháng, Ủy ban MTTQVN huyện đã tiếp công dân 2 lần/tháng tại bộ phận một cửa của HĐND huyện. Trong 05 năm đã tiếp nhận 200 lượt công dân đến trụ sở kiến nghị, tố cáo, chủ yếu là các vấn đề liên quan đến các công trình xây dựng tại địa phương, các kênh đập, bờ kè, vấn đề ô nhiễm môi trường, việc đền bù giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai chưa giải quyết thỏa đáng cho nhân dân.
Tất cả các đơn thư trên, được phân loại, tập hợp đúng quy trình và được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, Ủy ban MTTQVN cũng phát huy hết khả năng của mình trong công tác giám sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với những cơ quan có thẩm quyền, qua đó kịp thời nhắc nhở, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết đúng thời gian quy định cho công dân, tạo niềm tin cho nhân dân. Tại nơi tiếp công dân có dán niêm yết công khai số điện thoại của Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận và hòm thư góp ý cho nhân dân.
2.3.2.5. Giám sát độc lập theo chương trình giám sát hàng năm
Thực hiện Quyết đinh số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận TQVN và các Đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định 218- QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành Quy định về MTTQVN, các Đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Nghị quyết liên tịch số 403 của Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, trong 5 năm qua. Ủy ban MTTQVN huyện đã chủ động trong việc giám
sát độc lập theo chương trình giám sát hàng năm. Qua các cuộc giám sát độc lập, Ủy ban MTTQVN huyện đã tham gia góp ý, kiến nghị các cơ quan chuyên môn giải quyết những vấn đề bức xúc, những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả pháp lý trong các cơ quan Nhà nước, cụ thể: Đã tổ chức giám sát việc cấp phát thẻ y tế cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội như hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình thương binh; giám sát điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo và thực hiện chính sách thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết số 119/2014/NQ-HĐND, ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh Quảng Nam; giám sát việc thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách qua các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hỗ trợ nhà ở tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; giám sát việc thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư; giám sát việc thực hiện chính sách cho người có công cách mạng…
2.3.2.6. Giám sát thông qua việc trực tiếp tổ chức và chỉ đạo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng
Phát huy vai trò tự quản của nhân dân thông qua tổ chức và hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ là phương thức giám sát trực tiếp và hiệu quả nhất hiện nay ở cơ sở. Vì vậy, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện đã hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN cấp xã tiếp tục kiện toàn, củng cố về tổ chức; phối hợp với cơ quan thanh tra và cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định. Đến nay, toàn huyện đã củng cố, kiện toàn được 13 Ban TTND/13 xã, thị trấn, với 61 thành viên và 13 Ban GSĐTCCĐ/13 xã, thị trấn với tổng số thành viên là 135 vị, hầu hết Trưởng ban là do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN cấp xã phụ trách.
Hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ luôn được chú trọng, trong 5