1.2.2.1. Khái niệm và đặc điểm của pháp luật cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Pháp luật cấp GCNQSDĐ là một bộ phận hoặc một lĩnh vực của pháp luật đất đai, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật về đất đai do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực cấp, chỉnh sửa, đính chính và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thấy pháp luật cấp GCNQSDĐ có một số đặc điểm cơ bản:
Thứ nhất: pháp luật cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc nhóm pháp luật công, bao gồm các quy định pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh những quan hệ xã hội giữa một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền với bên kia là tổ chức, các nhân sử dụng đất hoặc giữa cơ quan nhà nước với nhau trong việc cấp, chỉnh sửa và thu hồi GCNQSDĐ. Sự bình đẳng về địa vị pháp lý giữa các bên, bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền ban hành mệnh lệnh và người sử dụng đất có nghĩa vụ chấp hành mệnh lệnh đó; việc cấp, chỉnh sửa, thu hồi GCNQSDĐ phụ thuộc chủ yếu vào ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền và khi người sử dụng đất có nhu cầu cấp GCNQSDĐ thể hiện qua đơn xin cấp GCNQSDĐ, phải làm hồ sơ theo quy định của pháp luật. Hồ sơ cấp GCNQSDĐ phải đầy đủ theo quy định pháp luật, gửi đúng cơ quan có thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục thì mới được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ.
Thứ hai: Pháp luật cấp GCNQSDĐ bao gồm các quy định về nội dung cấp GCNQSDĐ và các quy định về hình thức, về trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ.
Các quy định về nội dung GCNQSDĐ bao gồm quy định về căn cứ, nguyên tắc, điều kiện, đối tượng, thẩm quyền cấp GCNQSDĐ; quy định về mẫu GCNQSDĐ và quy định nghĩa vụ tài chính khi cấp GCNQSDĐ.
Các quy định về trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ bao gồm quy định về hồ sơ, mẫu đơn xin cấp GCNQSDĐ; quy định về các bước thực hiện xét duyệt hồ sơ; quy định về trình tự ghi các thông tin trong GCNQSDĐ,…
Thứ ba: Pháp luật cấp GCNQSDĐ có đặc điểm vừa mang tính pháp lý vừa mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ.
Tính pháp lý thể hiện các quy định về GCNQSDĐ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo đúng quy định về thể thức, thời gian, thẩm quyền và trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Tính kỹ thuật nghiệp vụ thể hiện, chiếm số lượng đáng kể các quy định về GCNQSDĐ không chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và mang tính bắt buộc chung được đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước mà còn là các quy định mang tính kĩ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ như: Điền thông tin, định mức, phương pháp đo ve, lập bản đồ địa chính, in ấn mẫu, hướng dẫn trích lục sơ đồ thửa đất.
Thứ tư: Pháp luật đất đai nói chung và pháp luật cấp giấy GCNQSDĐ nói riêng là phương thức để Nhà nước thực hiện quản lý đất đai. Điều này có ý nghĩa là pháp luật cấp GCNQSDĐ quy định về thẩm quyền cấp; đối tượng, điều kiện, căn cứ và nguyên tắc cấp… để buộc cơ quan nhà nước, tổ chức, các nhân phải tuân thủ. Thông qua đó, Nhà nước không chỉ xác lập trật tự mong muốn, thu hồi đất, ngăn
ngừa tình trạng cấp đất sai, cấp bừa bãi, thu hồi GCNQSDĐ, mà còn giúp Nhà nước nắm được hiện trạng sử dụng đất, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin đất đai; phân loại các củ thể sử dụng đất nhằm nâng cao công tác quản lý hành chính nhà nước về đất đai.
1.2.2.2. Khái niệm và đặc điểm của pháp luật cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Pháp luật cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một bộ phận hoặc một lĩnh vực của pháp luật đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Nó bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật về đất đai, nhà cửa, tài sản gắn liền với đất đai và nhà cửa, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực cấp, chỉnh sửa, đính chính và thu hồi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Đi sâu tìm hiểu pháp luật cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tác giả nhận thấy rằng lĩnh vực pháp luật có một só đặc điểm cơ bản giống với các đặc điểm của pháp luật cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên về quy định pháp luật nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất còn được quy định và điều chỉnh bởi BLDS, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành.