Các hình thức định giá tài sản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) định giá tài sản theo pháp luật thi hành án dân sự từ thực tiễn quận 2, thành phố hồ chí minh (Trang 34 - 41)

2.3.1. Định giá theo sự thỏa thuận của các đương sự

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định như sau: Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thỏa thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá.

Đây được xem là hình thức đầu tiên để xác định giá tài sản kê biên và đây cũng là thủ tục bắt buộc đầu tiên trong việc xác định giá tài sản kê biên. Pháp luật khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án và tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự. Hình thức định giá này được kế thừa từ quy định của khoản 1 Điều 43 Pháp lệnh thi hành án dân dân năm 2004. Theo đó, đương sự luôn có quyền thỏa thuận về giá tài sản đã kê biên. Việc thỏa thuận giá tài sản kê biên được thực hiện ngay sau khi tài sản được kê biên. Đây là một điểm khác biệt so với Điều 43 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 (Thời hạn để cho các bên đương sự thỏa thuận về giá không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản). Như vậy, tại buổi kê biên, sau khi thực hiện việc kê biên tài sản, Chấp hành viên thông báo cho người

được thi hành án, người phải thi hành án biết về quyền thỏa thuận về giá đối với tài sản kê biên. Nếu các bên đương sự có mặt đầy đủ thỏa thuận được với nhau về giá tài sản kê biên thì Chấp hành viên sẽ lập biên bản về sự thỏa thuận đó và giá mà các bên đương sự thỏa thuận đó là giá khởi điểm để bán đấu giá. Đây là hình thức định giá hữu hiệu nhất, ít tốn kém nhất và không có khiếu nại về giá đối với tài sản kê biên đưa ra bán đấu giá. Trong trường hợp tại buổi kê biên mà vắng một trong bên đương sự thì quyền thỏa thuận về giá của họ coi như bị mất. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết thi hành án cũng có nhiều trường hợp vắng một trong bên đương sự tại buổi kê biên nhưng sau ngày kê biên đó các bên đương sự đến Cơ quan thi hành án dân sự và họ thỏa thuận được giá tài sản kê biên. Việc thỏa thuận được về giá tài sản kê biên trong trường hợp này có được chấp nhận hay không. Theo tác giả trường hợp này, Chấp hành viên cần vận dụng khoản 1 Điều 6 Luật Thi hành án dân sự để chấp nhận thỏa thuận đó.

Ví dụ: Theo Quyết định số: 11/2016/QĐST-KDTM ngày 30 tháng 8 năm 2016 của Tòa án nhân dân quận 2 thì Công ty TNHH thương mại ICBIO phải Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Trường Sơn số tiền là 15.602.000.000 đồng và lãi chậm thi hành án. Quá trình thi hành án, Công ty TNHH thương mại ICBIO không thực hiện trả nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Trường Sơn, nên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Trường Sơn đề nghị chấp hành viên tiến hành kê biên xử lý tài sản bảo lãnh thế chấp là Quyền sử dụng đất tọa lạc tại thửa đất số 502, tờ bản đồ số 42, phường Thảo Điền, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO406625 do Ủy ban nhân dân quận 2 cấp ngày 16/3/2009 của ông Mai Hữu Thiện. Ngày 26/7/2018 Chấp hành viên đã thực hiện kê biên tài sản, tại buổi kê biên đương sự gồm Công ty TNHH thương mại ICBIO, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Trường Sơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Mai Hữu Thiện chủ tài đã thỏa thuận giá tài sản kê biên là 18.000.000.000 đồng nên

chấp hành viên lập biên bản về sự thỏa thuận đó và giá mà các bên đương sự thỏa thuận đó là giá khởi điểm để bán đấu giá.

2.3.2. Định giá bằng việc ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá

Đối với tài sản kê biên mà đương sự không thỏa thuận được về giá khởi điểm thì Chấp hành viên sẽ phải ký hợp đồng thẩm định giá với tổ chức thẩm định giá để xác định giá khởi điểm của tài sản kê biên. Tại khoản 2 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự quy định:

“Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:

Đương sự không thỏa thuận được về giá và không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;

Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;

Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này”.

Theo quy định trên, pháp luật dành cho các đương sự quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu. Thời gian để các bên thỏa thuận tổ chức thẩm định giá là ngay tại buổi kê biên. Như vậy, ngay sau khi kê biên nếu có đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá tài sản kê biên thì họ còn quyền thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá. Việc thỏa thuận tổ chức thẩm định giá không chỉ trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên mà trên còn với tổ chức thẩm định giá ngoài địa bàn, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên. Pháp luật không hạn chế quyền lựa chọn của các đương sự.

Đây là hình thức định giá lần đầu tiên được quy định trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Việc định giá tài sản kê biên kể từ ngày Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực đã được chuyển giao cho tổ chức thẩm định giá có thẩm quyền và có chuyên môn về định giá. Quy định này đã phần nào giảm bớt được công việc nặng

nề của Chấp hành viên và thể hiện tính chuyên môn cao trong công tác định giá tài sản thi hành án dân sự.

Kết quả thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá là giá khởi điểm của tài sản.

Ví dụ: Bản án số: 12/2014/KDTM-ST ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Tòa án nhân dân quận 2 thì Công ty TNHH một thành viên kỹ thuật điện P.M.T phải trả cho Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam số tiền 9.789.661.896 đồng và lãi chậm thi hành án. Quá trình thi hành án, Công ty TNHH một thành viên kỹ thuật điện P.M.T không thực hiện trả nợ cho Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam, nên Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam đề nghị chấp hành viên tiến hành kê biên xử lý tài sản bảo lãnh thế chấp là nhà đất số 04 đường số 41, khu phố 4, phường Thảo Điền, quận 2 thành phố Hồ Chí Minh theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hồ sơ gốc số 4609/ĐCNĐ do Sở địa chính nhà đất thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 01/7/2003 của bà Lê Thị Ánh Thuý, bà Nguyễn thị Ngọc Ánh. Ngày 26/7/2019 Chấp hành viên đã thực hiện kê biên tài sản, tại buổi kê biên phía Công ty TNHH một thành viên kỹ thuật điện P.M.T vắng mặt nên đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Ánh Thuý, bà Nguyễn thị Ngọc Ánh chủ tài không thỏa thuận được giá tài sản và thỏa thuận tổ chức thẩm định giá. Chấp hành viên lập biên bản về việc đương sự không thỏa thuận giá tàn sản kê biên và thỏa thuận tổ chức thẩm định giá. Do đó, chấp hành viên tiến hành các thủ tục để ký hợp đồng dịch vụ với Công ty TNHH tư vấn và thẩm định VASKA để thẩm định tài sản.

2.3.3. Chấp hành viên xác định giá

Việc định giá tài sản kê biên phần lớn được thực hiện do sự thỏa thuận của đương sự hoặc do tổ chức thẩm định giá thực hiện, tuy nhiên Luật Thi hành án dân sự cũng quy định một số trường hợp cụ thể Chấp hành viên phải xác định giá tài sản kê biên. Tại khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự quy định như sau:

“Chấp hành viên có quyền xác định giá tài sản trong các trường hợp sau đây: Không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật này;

Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá. Chính phủ quy định về tài sản có giá trị nhỏ”.

Chấp hành viên xác định giá tài sản kê biên trong trường hợp không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ thẩm định định giá. Việc không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá thể hiện trong các trường hợp sau:

Trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên chưa có tổ chức thẩm định giá.

Trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên có tổ chức thẩm định giá nhưng tổ chức thẩm định giá từ chối không ký hợp đồng thẩm định giá.

Khi xác định giá đối với tài sản kê biên theo khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên cần lưu ý:

Trường hợp không ký được hợp đồng dịch vụ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 98 Luật THADS, Chấp hành viên có thể lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên; trường hợp vẫn không ký được hợp đồng thì Chấp hành viên tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực của tài sản kê biên trước khi xác định giá của tài sản kê biên. Việc tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan phải lập thành văn bản hoặc biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn đó.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Chấp hành viên mà cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn không có ý kiến bằng văn bản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có ý kiến để Chấp hành viên xác định giá tài sản kê biên.

Như vậy, trước khi tiến hành xác định giá đối với tài sản kê biên, Chấp hành viên cần tiến hành như sau:

Làm việc trực tiếp với cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan đến tài sản để lấy ý kiến tham khảo về giá của tài sản sẽ xác định giá.

Hoặc làm công văn đề nghị cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan cung cấp các thông tin cần thiết về giá tài sản mà Chấp hành viên cần xác định.

Hoặc Chấp hành viên mời đại diện cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan cùng làm việc ngay tại địa điểm nơi có tài sản để tiến hành xác định giá tài sản kê biên. Trường hợp này, Chấp hành viên cần lập biên bản thể hiện ý kiến của các cơ quan có liên quan về giá tài sản.

Trên cơ sở ý kiến tham khảo của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan, Chấp hành viên quyết định giá khởi điểm của tài sản kê biên để bán đấu giá. Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về trình thự, thủ tục, thời gian tiến hành xác định giá tài sản kê biên, về thể thức văn bản mà Chấp hành viên ban hành sau khi đã tham khảo được ý kiến về giá nên Chấp hành viên khi xác định giá còn gặp nhiều khó khăn, lung túng, chưa tiến hành thống nhất chung.

Chấp hành viên xác định giá đối với các tài sản tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá.

Đây là quy định được kế thừa hoàn toàn từ quy định tại khoản 3 Điều 43 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Để xác định giá tài sản trong trường hợp này, trước hết Chấp hành viên phải xác định được những tài sản thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ là những tài sản nào.

Đối với tài sản tươi sống, vấn đề này hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tài sản tươi sống có thể được hiểu: “là loại tài sản vừa mang tính chất còn tươi vừa mang tính chất còn sống như con trâu, con lợn, con vịt, gà…” thì Chấp hành viên thường định giá trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên. Tuy nhiên, Chấp hành viên cũng có quyền tiến hành định giá ngay tại buổi kê biên.

Đối với xác định giá tài sản là tươi sống, thực tế tổ chức thi hành án trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh qua khảo sát: chưa có Chi cục Thi hành án dân sự nào

tổ chức thực hiện việc kê biên loại tài sản này trong đó có cả quận 2 nơi học viên đang công tác. Lý do đây là loại tài sản thường có giá trị thấp không đủ để thanh toán cho chi phí cưỡng chế kê biên, việc tạm giữ, bảo quản tài sản kê biên khó khăn.

Đối với tài sản mau hỏng, đây là tài sản dễ bị hỏng kể từ thời điểm kê biên, nếu để một thời gian nhất định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của tài sản hoặc tài sản đó có thể bị hỏng không còn giá trị sử dụng như: gánh rau, tôm, cá, cua, các loại thịt động vật đã được giết mổ…thì Chấp hành viên thường xác định giá ngay tại thời điểm kê biên. Qua khảo sát của học viện thì loại tài sản này cũng ít khi phát sinh, kể từ khi công tác tại quận 2 thời gian 10 năm nay chưa phát sinh về việc xử lý các loại tài sản nêu trên.

Đối với tài sản có giá trị nhỏ, đây là tài sản mà tại thời điểm xác định giá, tài sản giống hệt hoặc tương tự chưa qua sử dụng có giá mua bán trên thị trường không quá không quá mười triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Đây là giá trị tài sản tài sản mà Chấp hành viên có quyền xác định giá nếu các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá. So với Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định tài sản có giá trị nhỏ là không quá 2.000.000 đồng và Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 58/2009/NĐ-CP quy định tài sản có giá trị nhỏ là không quá 5.000.000 đồng. Như vậy, giá trị tài sản mà Chấp hành viên được quyền xác định giá được nâng lên. Quy định này tạo điều kiện cho Chấp hành viên nhanh chóng hơn trong việc xử lý tài sản có giá trị nhỏ.

Trong thực tế tổ chức thi hành án, Chấp hành viên thường thực hiện việc xác định giá đối với tài sản mau hỏng, tươi sống, tài sản có giá trị nhỏ bằng cách mời đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để kiểm sát thi hành án; đại diện cơ quan tài chính cùng cấp để tham khảo giá tài sản; đại diện chính quyền địa phương nơi có tài sản kê biên để tham khảo giá thị trường và để chứng kiến.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) định giá tài sản theo pháp luật thi hành án dân sự từ thực tiễn quận 2, thành phố hồ chí minh (Trang 34 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)