Định giá lại tài sản kê biên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) định giá tài sản theo pháp luật thi hành án dân sự từ thực tiễn quận 2, thành phố hồ chí minh (Trang 41 - 44)

Theo Điều 99 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về định giá lại tài sản kê biên như sau:

“Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá lại tài sản;

Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản.

Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều 98 của Luật này”.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009. Tuy nhiên trong thời gian triển khai và thi hành Luật thi hành án dân sự đã có sự khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng quy định pháp luật về định giá lại tài sản kê biên. Nhiều Cục Thi hành án dân sự (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cà Mau, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu) có văn bản gửi Tổng cục Thi hành án dân sự đề nghị hướng dẫn vấn đề về định giá tài sản trong thi hành án dân sự. Tại mục 2 Công văn số 2970/TCTHA-NV1 ngày 12 tháng 10 năm 2010 Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp hướng dẫn về bảo đảm quyền yêu cầu định giá lại tài sản kê biên như sau: “Trường hợp đương sự có yêu cầu định giá lại tài sản kê biên trước khi có thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản theo điểm b khoản 1 Điều 99 Luật thi hành án dân sự (không phân biệt bán đấu giá lần thứ mấy), thì Chấp hành viên tổ chức định giá lại tài sản kê biên. Chấp hành viên thông báo cho đương sự biết về việc người yêu cầu định giá lại phải chịu chi phí định giá lại tài sản theo quy định của pháp luật”

Trên thực tế quy định: đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá và không giới hạn việc bán đấu giá lần thứ mấy. Điều này trên thực tế tổ chức thi hành án cho thấy quy định này thường bị các đương sự, chủ yếu là người phải thi hành án lợi dụng để yêu cầu định giá lại tài sản nhằm kéo dài thời gian thi hành án. Có trường hợp tài sản đã giảm giá đến lần thứ mười nhưng vẫn không có khách hàng đăng ký tham gia đấu giá, đến khi Chấp hành viên tiếp tục ra quyết định giảm giá lần thứ mười một thì chủ tài sản là người phải thi hành án có đơn yêu cầu định giá lại tài sản. Thủ tục định giá lại tài sản đối với trường hợp này bắt đầu lại từ đầu như việc thỏa thuận tổ chức thẩm định giá, nếu đương sự không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được thì Chấp hành viên chỉ định tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có tài sản kê biên để ký hợp đồng thẩm định giá. Quy định này làm cho công tác xử lý tài sản chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ thi hành án, đây là một trong những điểm khó làm cho hồ sơ thi hành án tồn đọng ngày càng tăng lên.

Để hạn chế bất cập nêu trên, Nghị định số 125/2013/NĐ-CP đã bổ sung Điều 15a Nghị định số 58/2009/NĐ-CP về định giá lại tài sản kê biên như sau:

Trường hợp đương sự yêu cầu định giá lại tài sản kê biên trước khi có thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 99 Luật thi hành án dân sự hoặc yêu cầu định giá lại tài sản bán đấu giá không thành, không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá thì Chấp hành viên tổ chức định giá lại tài sản kê biên. Chấp hành viên thông báo cho đương sự biết về việc người yêu cầu định giá lại phải chịu chi phí định giá lại tài sản theo quy định của pháp luật.

Việc yêu cầu định giá lại tài sản theo quy định tại khoản này chỉ được thực hiện một lần trước khi thông báo lần đầu về bán đấu giá tài sản và một lần đối với bán đấu giá không thành, không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá. Yêu cầu định giá lại chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn sau đây:

05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá đôi với tài sản thông báo đấu giá tài sản lần đầu;

10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bán đấu giá không thành, không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá”.

Như vậy, đương sự chỉ có quyền yêu cầu định giá lại tài sản hai lần và muốn thực hiện việc định giá lại tài sản thì đương sự phải có đơn yêu cầu trong một thời hạn nhất định và phải chịu chi phí thẩm định giá.

Tuy nhiên, quy định đương sự được quyền yêu cầu định giá lại tài sản một lần trong trường hợp bán đấu giá không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá, vậy một lần này được chấp nhận ở thời điểm nào – lần đầu tiên tổ chức bán đấu giá mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hay bất kỳ lần tổ chức bán đấu giá nào mà không có người tham gia đấu giá, trả giá. Đây là quy định mà nhiều Cục Thi hành án dân sự không áp dụng thống nhất, cần sự hướng dẫn để áp dụng pháp luật thống nhất trên phạm vi cả nước. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp có công văn số 4976/BTP-TCTHADS ngày 03 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự như sau: “…Việc yêu cầu định giá lại tài sản theo quy định tại khoản này chỉ được thực hiện một lần trước khi thông báo bán đấu giá tài sản và một lần đối với bán đấu giá không thành, không có người tham gia đấu giá, trả giá. Yêu cầu định giá lại chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn sau đây: 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bán đấu giá không thành, không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 có những điểm mới về định giá lại tài sản kê biên. Sửa đổi, bổ sung các điều kiện thực hiện quyền yêu cầu định giá lại tài sản của đương sự. Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 99 được sửa đổi, bổ sung như sau: Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.

Ví dụ như: Bản án số: 2499/2018/KDTM-ST ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Người phải thi hành án là Công ty cổ phần Otran Miền Nam trả nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh 4 số tiền 38.845.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Quá trình thi hành án, chấp hành viên đã kê biên tài sản là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 187, 188 tờ bản đồ số 30 (TL- 2003) tại địa chỉ phường Bình An, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại buổi kê biên các bên đương sự không thỏa thuận được giá tài sản và tổ chức thẩm giá nên chấp hành viên tiến hành lựa chọn Công ty cổ phần định giá Thịnh Vương để thẩm định tài sản nêu trên. Sau khi có chứng thư của Công ty cổ phần định giá Thịnh Vương, chấp hành viên có thông báo số 158/TB-THADS ngày 12/5/2020 thông báo cho đương sự biết kết quả thẩm định giá thì ngày 12/5/2020 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh 4 có đơn yêu định giá lại, đồng thời nộp tạm ứng chi phí là 37.600.000 đồng nên việc làm này đúng với điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) định giá tài sản theo pháp luật thi hành án dân sự từ thực tiễn quận 2, thành phố hồ chí minh (Trang 41 - 44)