Định tội danh đối với tội hiếp dâm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) áp dụng pháp luật hình sự đối với tội hiếp dâm từ thực tiễn tỉnh ninh thuận (Trang 31 - 35)

1.3.1. Khái niệm định tội danh đối với tội hiếp dâm

-Định tội danh là một dạng của hoạt động thực tiễn quan trọng trong áp dụng pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng và một số cơ quan khác có thẩm quyền, được tiến hành trên cơ sở các chứng cứ, các tài liệu được thu thập theo quy định của pháp luật và các tình tiết thực tế của vụ án để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội và là tiền đề đảm bảo cho việc quyết định hình phạt được đúng thì phải định tội danh đúng.

- Trên thực tế chỉ khi thỏa mãn các dấu hiệu của tội phạm được quy định trong BLHS, thì trên cơ sở đó mới xác định vấn đề TNHS của bị cáo và các cơ quan có thẩm quyền định tội danh xem xét, đánh giá một hành vi đã thực hiện trên cơ sở các quy định của BLHS. Đây chính là quá trình xác định hành vi đó có phải là tội phạm hay không và tội đó là tội gì, theo quy định của điều nào của BLHS? hay nói cách khác, định tội danh là hoạt động tư duy, có tính logic chặt chẽ, chính xác cao của người tiến hành định tội danh khi xem xét, đánh giá các tình tiết của vụ án. Khi tiến hành định tội danh, người định tội phải dựa các dấu hiện của CTTP của một tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS nhằm tìm ra tên tội cho hành vi đó. Sau khi định xong tội danh, người định tội danh phải xác định hành vi phạm tội thỏa mãn khung hình phạt nào về tội phạm cụ thể chứa đựng nhiều khung hình phạt, nghĩa là trong trường hợp này, người định tội danh đã xác định phạm vi TNHS đối với người phạm tội, Tòa án sẽ lựa chọn một hình phạt cụ thể cho bị cáo.

- Tiếp thu những yếu tố phân tích nêu trên, có thể đưa ra khái niệm định tội danh như sau: Định tội danh là một dạng hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án) và một số cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để xác định một người (pháp nhân thương mại) có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì đó là tội gì, theo điều luật nào của BLHS, hay nói cách khác đây là quá trình xác định các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện trên thực tế.

-Từ khái niệm định tội danh nêu trên, có thể hiểu định tội danh đối với tội hiếp dâm là quá trình các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án và một số cơ quan khác có thẩm quyền tố tụng đánh giá chứng cứ để xác định một người có phạm tội hiếp dâm theo Điều 141 BLHS hiện hành hay không.

1.3.2. Cơ sở pháp lý của định tội danh đối với tội hiếp dâm

-Định tội danh theo căn cứ pháp lý và căn cứ khoa học được hiểu dưới hai khía cạnh rộng và khía cạnh hẹp.

+ Xét ở khía cạnh rộng thì cơ sở pháp của định tội danh là tổng thể các quy phạm pháp luật hình sự, là cơ sở gián tiếp cho toàn bộ quá trình xác định các dấu hiện của hành vi nguy hiểm cho xã hội thỏa mãn CTTP, còn cơ sở pháp lý trực tiếp cũng như tổng thể các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự.

+ Xét ở khía cạnh hẹp thì căn cứ pháp lý của định tội danh là BLHS mà cụ thể hơn là điều luật quy định về tội phạm cụ thể, ở đây là Tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 BLHS. Để áp dụng BLHS trong thực tiễn được đúng đắn, chính xác, có hiệu quả thi cần có các văn bản pháp luật hình sự khác, là văn bản dưới luật làm nhiệm vụ hướng dẫn, giải thích cho BLHS

- Suy cho cùng, hoạt động định tội danh là việc đối chiếu, so sánh các tình tiết của hành vi nguy hiểm cho xã hội với các dấu hiện tương ứng của CTTP cơ bản tại Điều 141 BLHS trong thực tế có phù hợp với nhau hay

không. Để có thể tiến hành được việc định tội danh, nhà làm luật đã xây dựng những “mẫu đặc thù” hay còn gọi là các “mô hình” mang tính đặc thù riêng cho từng tội cụ thể mà dựa vào đó những người có thẩm quyền tiến hành việc định tội danh phải xác định việc có hay không có sự phù hợp giữa các tình tiết của hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể được thực hiện trên thực tế với một trong những “mẫu đặc thù” được quy định trong BLHS, từ đó tìm ra tên tội danh tương ứng với hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện. Việc xác định tội danh chính là quy trình xác định xem hành vi đó có thỏa mãn các dấu hiệu của tội hiếp dâm trong BLHS. Khi các dấu hiệu của CTTP cụ thể phù hợp với các tình tiết của hành vi phạm tội được quy định trong BLHS thì hành vi được định theo tội danh của CTTP đó. Như vậy, CTTP là căn cứ của việc định tội, trên cơ sở căn cứ vào CTTP được quy định trong BLHS mới có thể định tội và định tội đúng. Quá trình định đội danh được thực hiện các bước cụ thể như sau:

+ Bước 1: Nghiên cứu hồ sơ vụ án, xem xét và đánh giá các tình tiết của vụ án trong sự phù hợp với hiện thực khách quan trong các giai đoạn tố tụng.

+ Bước 2: Tìm ra sự tương ứng giữa tội danh (tội hiếp dâm) và điều luật (Điều 141) với hành vi đã thực hiện trên thực tế.

+ Bước 3: Kết luận một cách có căn cứ hành vi đã thực hiện có phạm tội hiếp dâm không, nếu phạm tội thì có theo Điều 141của BLHS từ đó ra văn bản áp dụng pháp luật (Bản án).

-Vấn đề quan trọng là các văn bản áp dụng pháp luật (Bản án) này phải thể hiện được một cách thuyết phục về tính có căn cứ cũng như tính hợp pháp trong việc xác định một hành vi là có phải là tội hiếp dâm hay không, có thỏa mản theo quy định tại Điều 141 của BLHS hay không.

- Chủ thể của tội hiếp dâm là con người cụ thể (Pháp nhân thương mại không là chủ thể của tội phạm này).

- Các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án và một số cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chính là chủ thể của hoạt động định tội danh đối với tội hiếp dâm.

-Định tội danh phải dựa vào CTTP cơ bản của tội hiếp dâm.

-Định tội danh phải được tiến hành trước, trên cơ sở đó mới có thể tiến hành được việc quyết định hình phạt.

- Trong công tác xét xử vụ án hiếp dâm, định tội danh đúng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện ở những điểm sau:

+ Việc định tội danh đúng sẽ là tiền đề cho việc xác định khung hình phạt (Điều 141 về tội hiếp dâm quy định các khung hình phạt khác nhau) và quyết định hình phạt được chính xác, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

+ Để áp dụng chính xác các quy định pháp luật tố tụng hình sự về tạm giam, thời hạn tạm giam, khởi tố vụ án hình sự… thì vấn đề quan trọng nhất là phải định tội danh đúng ngay từ giai đoạn điều tra và việc làm này góp phần đắc lực vào việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

+ Định tội danh là một dạng của hoạt động thực tiễn được tiến hành trên cơ sở các chứng cứ, các tài liệu được thu thập theo quy định của pháp luật để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội, tức là xác định một hành vi đã thực hiện trên thực tế có phạm vào tội hiếp dâm không, có theo Điều 141 của BLHS hay không. Trường hợp, định tội danh đúng thì sẽ góp phần nâng cao uy tín, chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp cũng như hỗ trợ cho việc củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Định tội danh đúng dẫn đến việc đảm bảo được tính có căn cứ pháp lý của bản án; thuyết phục được quần chúng nhân dân về tính đúng đắn

và nghiêm minh của bản án, nâng cao hiệu quả giáo dục của bản án đối với quần chúng nhân dân.

+Quyết định hình phạt sai nếu như ta định tội danh sai. Từ đó, làm cho hình phạt đã tuyên không tương xứng, có thể là quá nhẹ hoặc quá nặng, với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội, làm cho người phạm tội không thấy được tính sai trái về hành vi thật sự của mình gây ra, từ đó không tự giác tuân thủ theo pháp luật. Định tội danh sai làm giảm uy tín, hiệu lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm giảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm. Một khi bản án không đảm bảo được tính có căn cứ pháp lý (do định tội danh sai) sẽ không thuyết phục được quần chúng nhân dân về tính đúng đắn và nghiêm minh của bản án, làm giảm hiệu quả giáo dục của bản án đối với quần chúng nhân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) áp dụng pháp luật hình sự đối với tội hiếp dâm từ thực tiễn tỉnh ninh thuận (Trang 31 - 35)