CÁC PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DẠNG CROM

Một phần của tài liệu ỨNG DỤNG KỸ THUẬT CHIẾT ĐIỂM MÙ ĐỂ PHÂN TÍCH MỘT SỐ DẠNG CROM TRONG THỰC PHẨM (Trang 27 - 29)

Các dạng tồn tại của Crom khác nhau dẫn đến sự khác nhau về các tính chất vật lý, hóa học. Dựa vào sự khác nhau đó mà ta có thể tách chúng ra khỏi nhau, sau đó ta tiến hành phân tích các dạng của nó. Các phương pháp dùng để tách các dạng Cr bao gồm: Sắc ký rây phân tử, sắc ký trao đổi anion, chiết pha rắn, điện di, chiết điểm mù kết hợp với các phương pháp khác như ICP- MS, AAS.

1.3.1. Phương pháp điện di

Phương pháp điện di mao quản (CE) là kỹ thuật tách hiệu quả đối với nhiều loại chất, có thể áp dụng cho các ion kim loại cũng như các hợp chất sinh học có khối lượng phân tử lớn. Trong phương pháp điện di mao quản, quá trình tách dựa trên sự dịch chuyển khác nhau của các chất trong điện trường. Các cation kim loại dịch chuyển về phía catot, chúng được solvat hóa và mang theo dung dịch hướng về phía điện tích âm của mao quản tạo thành dòng điện di. Những ion có điện tích cao và kích thước nhỏ sẽ dịch chuyển nhanh hơn các ion có kích thước lớn hơn và điện tích nhỏ hơn, nghĩa là những chất có tỉ lệ giữa điện tích và kích thước càng lớn thì tốc độ di chuyển trong điện trường càng nhanh. Thông thường mao quản sử dụng trong phương pháp điện di mao quản là ống silica, có đường kính trong từ 20 – 100 µm và chiều dài từ 50 –

100 cm. Thế điện áp được đưa vào trong ống mao quản từ 20 – 30 kV.[28] Chen Z, Naidu R và Subramanian A đã tách Cr(III) và Cr(VI) bằng phương pháp điện di mao quản sử dụng axit 2,6-pyridinedicarboxylic làm tác nhân tạo phức trước khi vào cột tách. Nghiên cứu đã dùng phương pháp điện di vùng mao mạch (CZE), trong đó Cr (III) được chelat với các phối tử để tạo thành phức chất anion. Giới hạn phát hiện là 2 µM Cr(III) và 3 µM Cr(VI), khoảng nồng độ từ 5 – 200 µM.[29]

A.R. Timerbaev và các cộng sự đã nghiên cứu phân tích dạng Cr bằng phương pháp điện di mao quản để xác định đồng thời Cr(III) và Cr(VI), Crom (III) đã được chelat với axit 1,2-cyclohexanediaminetetraacetic (CDTA) để tạo ra một điện tích âm và tính linh động tương tự cho cả hai dạng crôm (III) và crôm (VI). Giới hạn phát hiện đối với Cr(VI) là 10 µg/l và với Cr(III) là 5 µg/l, độ nhạy tuyến tính lên tới 100 mg/l. [30]

1.3.2. Các phương pháp sắc ký

1.3.2.1. Sắc ký rây phân tử

Sắc ký rây phân tử còn gọi là sắc ký loại cỡ. Pha tĩnh được chế tạo từ các vật liệu bền vững, có chứa các mao quản kích thước cỡ phân tử, vì vậy có thể xem như chúng là các rây phân tử thực sự.

Khi cho hỗn hợp chất tan có kích thước phân tử khác nhau vào cột tách, các phân tử có kích thước nhỏ sẽ đi sâu được vào mạng lưới của chất nhồi, còn các phân tử có kích thước lớn hơn sẽ chỉ thâm nhập ở mức độ nhất định, các phân tử có khối lượng rất lớn sẽ không đi vào các mao quản được. Trong quá trình rửa giải, các chất càng thâm nhập sâu vào pha tĩnh, càng mất nhiều thời gian để trở lại pha động, sẽ di chuyển càng chậm. Kết quả là thứ tự rửa giải đi ra khỏi cột là các phân tử có kích thước lớn tới nhỏ, các phân tử có kích thước nhỏ nhất sẽ ra sau cùng. [31]

1.3.2.2. Sắc ký lỏng

Sắc ký lỏng là phương pháp tách sắc ký các chất dựa trên sự phân bố khác nhau của chúng giữa hai pha không trộn lẫn, trong đó pha động là một chất lỏng chảy qua pha tĩnh chứa trong cột. Sắc ký lỏng được tiến hành chủ yếu dựa trên cơ chế hấp phụ, phân bố khối lượng, trao đổi ion, loại trừ theo kích thước hoặc tương tác hoá học lập thể. [31]

Pha động là chất lỏng được sử dụng để đưa chất phân tích qua các cột trong pha tĩnh, chất phân tích sẽ hấp phụ lên pha tĩnh. Sau đó tiến hành rửa giải và định tính, định lượng chất cần phân tích.

Sự ra đời của Sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC là một bước đột phá trong phân tích dạng vết và siêu vết, giúp cho hiệu suất tách được nâng cao. Đặc biệt

là ngày nay còn có sự kết hợp của HPLC với các phương pháp khác càng làm quá trình chiết tách đạt hiệu quả và quá trình xác định càng chính xác: HPLC- MS, HPLC-MS-MS…

1.3.2.3. Sắc ký khí

Sắc kí là một kỹ thuật tách trong đó các cấu tử cần tách trong một hỗn hợp mẫu được vận chuyển bởi pha động đi qua pha tĩnh. Mẫu đi vào trong pha động được mang theo dọc hệ thống sắc kí (cột, bản phẳng) có chứa pha tĩnh phân bố đều khắp. [31]

Pha động có thể là pha lỏng hoặc khí, pha tĩnh có thể là một lớp phim được phủ trên bề mặt của chất mang trơ hoặc một bề mặt rắn. Sự tương tác xảy ra giữa các cấu tử với pha tĩnh nhờ đó các cấu tử sẽ phân bố giữa pha động và pha tĩnh.

Sự ái lực khác nhau của các chất tan trên pha tĩnh làm chúng di chuyển với những vận tốc khác nhau trong pha động của hệ thống sắc kí. Kết quả là chúng được tách thành những dải trong pha động và vào lúc cuối của quá trình các cấu tử lần lượt hiện ra theo trật tự tương tác với pha tĩnh. Cấu tử di chuyển chậm (tương tác yếu) ra trước, cấu tử bị lưu giữ mạnh hơn ra sau dưới dạng các đỉnh (pic) tách riêng rẻ (hoặc bậc thang) tùy thuộc vào cách tiến hành sắc kí và được hiển thị dưới dạng sắc kí đồ.

Một phần của tài liệu ỨNG DỤNG KỸ THUẬT CHIẾT ĐIỂM MÙ ĐỂ PHÂN TÍCH MỘT SỐ DẠNG CROM TRONG THỰC PHẨM (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(85 trang)
w