Về hình thức và thời điểm thực hiện thỏa thuận lựa chọn pháp luật và

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật việt nam về quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp và pháp luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế (Trang 66 - 82)

8. Bố cục của luận văn

3.1.2. Về hình thức và thời điểm thực hiện thỏa thuận lựa chọn pháp luật và

và cơ quan giải quyết tranh chấp

Liên quan đến thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp, pháp luật Việt Nam mới chỉ có quy định về hình thức của thỏa thuận lựa chọn trọng tài thương mại. Pháp luật Việt Nam không có quy định chung về hình thức cũng như thời điểm lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế. Luật Thương mại Việt Nam chỉ có quy định về hình thức (bằng văn bản hoặc tương đương) đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Vì vậy, khi hợp đồng thương mại quốc tế có đối tượng không phải là mua bán hàng hóa quốc tế thì thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng không nhất thiết phải thực hiện dưới hình thức văn bản. Tuy nhiên, một số đạo luật và văn kiện quốc tế về tư pháp quốc tế mà luận văn đã nêu ở Chương 2 cho thấy các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế nên thể hiện thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cũng như thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng cho hợp đồng của mình bằng văn bản. Thỏa thuận này có thể là một điều khoản nằm trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận riêng nhưng quy chiếu đến hợp đồng.

Các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế nên đạt được sự thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp vào thời điểm ký kết hợp đồng. Đến khi đã xảy ra tranh chấp thì việc đạt được thỏa thuận về cơ quan giải

58

quyết tranh chấp và pháp luật áp dụng sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Khi đó các bên sẽ đứng trước rủi ro không biết được chắc chắn cơ quan nào sẽ giải quyết tranh chấp và hợp đồng của mình sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước nào (vì khi đó tòa án sẽ áp dụng quy phạm xung đột của nước mình để xác định luật áp dụng, còn trọng tài sẽ áp dụng pháp luật của nước mà mình cho là phù hợp nhất).

3.1.3. Về khả năng chọn nhiều hệ thống pháp luật áp dụng cho hợp đồng

Pháp luật Việt Nam không có quy định về việc lựa chọn đồng thời nhiều hệ thống pháp luật khác nhau áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế. Trong quan hệ thương mại quốc tế, các bên được tự do thỏa thuận những gì pháp luật không cấm. Pháp luật thực định Việt Nam hiện nay không có bất kỳ quy định nào cấm các bên lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế. Như vậy, việc các bên lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật áp dụng cho quan hệ của mình là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế cần hết sức lưu ý khi lựa chọn giải pháp này, bởi nó đặt ra nhiều khó khăn thực tiễn. Trong thực tế, việc tìm kiếm và chứng minh pháp luật nước ngoài chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Ở đây, cần nhấn mạnh rằng BLTTDS năm 2015 đã bổ sung một quy định quan trọng, theo đó các bên không những có nghĩa vụ cung cấp pháp luật nước ngoài đã chọn mà còn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của pháp luật nước ngoài đã cung cấp (khoản 1 Điều 481, BLTTDS 2015). Ngoài ra, các hệ thống pháp luật khác nhau có thể có những quy định khác nhau, trong khi đó các nội dung của hợp đồng có thể có liên quan đến nhau và không thể áp dụng riêng rẽ từng hệ thống luật cho từng nội dung của hợp đồng. Sự khác nhau này có thể sẽ dẫn tới việc cơ quan giải quyết tranh chấp không áp dụng được đồng thời các hệ thống pháp luật nước ngoài mà các bên đã lựa chọn. Bản thân Bộ Nguyên tắc La Hay năm 2010 cũng lưu ý các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế về nguy cơ xé lẻ hợp đồng (dépeçage) khi lựa chọn đồng thời nhiều hệ thống pháp luật áp dụng.

59

3.1.4. Về khả năng chọn nhiều cơ quan giải quyết tranh chấp

Pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm các bên lựa chọn đồng thời nhiều cơ quan giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế cần lưu ý rằng pháp luật Việt Nam hiện nay mới chỉ có quy định đối với trường hợp các bên đồng thời lựa chọn tòa án và trọng tài. Khi đó, thẩm quyền của trọng tài sẽ được ưu tiên so với tòa án. Pháp luật Việt Nam chưa có quy định đối với trường hợp các bên đồng thời lựa chọn tòa án Việt Nam và tòa án nước ngoài. Vì vậy, nếu các bên đồng thời lựa chọn tòa án Việt Nam và tòa án nước ngoài thì sẽ rất khó xác định được tòa án nước nào có thẩm quyền. Ngoài ra, cần lưu ý rằng không phải pháp luật nước nào cũng có quy định ưu tiên thẩm quyền cho trọng tài như pháp luật Việt Nam. Chẳng hạn, ở Pháp, trong trường hợp các bên đồng thời lựa chọn tòa án và trọng tài thì khi một bên khởi kiện trước tòa án, tòa án sẽ cho rằng thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp vô hiệu vì không đủ rõ ràng.

Vì vậy, mặc dù pháp luật không cấm, nhưng theo tác giả các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế không nên lựa chọn đồng thời nhiều cơ quan giải quyết tranh chấp khác nhau. Trong thực tiễn kinh doanh quốc tế, phương thức giải quyết tranh chấp thường được các bên lựa chọn là trọng tài thương mại. Khi lựa chọn cơ quan giải quyết là trọng tài thương mại thì doanh nghiệp nên tính toán các vấn đề về chi phí (cao hơn rất nhiều so với chi phí tố tụng tòa án) cũng như khả năng thi hành phán quyết của trọng tài.

3.1.5. Về tính độc lập của thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp

Trong thực tiễn, thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng có thể được thể hiện dưới dạng một điều khoản nằm trong hợp đồng hoặc trong một văn bản riêng quy chiếu đến hợp đồng. Vấn đề sẽ đặt ra khi hợp đồng bị vô hiệu. Chúng ta cùng xét tình huống sau: Hợp đồng mua bán hàng hóa được ký giữa một công ty của Việt Nam và một công ty của Trung Quốc. Bằng một điều khoản nằm trong hợp đồng,

60

hai bên lựa chọn áp dụng pháp luật của Singapore. Tranh chấp xảy ra và được đưa ra giải quyết trước tòa án Việt Nam. Tòa án Việt Nam nhận thấy thỏa thuận lựa chọn pháp luật của các bên là hợp pháp nên áp dụng pháp luật của Singapore. Tuy nhiên, khi áp dụng pháp luật của Singapore thì kết quả là hợp đồng bị vô hiệu. Câu hỏi đặt ra là điều khoản lựa chọn pháp luật có bị vô hiệu cùng với hợp đồng hay không? Nói cách khác, liệu tòa án có vô hiệu hóa thỏa thuận lựa chọn pháp luật của các bên hay không (vì hợp đồng chứa nó bị vô hiệu)? Nếu cho rằng thỏa thuận lựa chọn pháp luật là một bộ phận của hợp đồng thì khi hợp đồng bị vô hiệu, thỏa thuận lựa chọn pháp luật cũng bị vô hiệu theo. Khi thỏa thuận lựa chọn pháp luật bị vô hiệu thì sẽ không làm phát sinh hậu quả pháp lý, tức là không dẫn tới việc áp dụng pháp luật mà thỏa thuận đó chỉ định. Mà khi không áp dụng pháp luật của nước do các bên thỏa thuận thì hợp đồng chưa chắc đã bị vô hiệu. Pháp luật của một số quốc gia đã chấp nhận từ rất sớm sự độc lập của điều khoản lựa chọn pháp luật áp dụng so với hợp đồng chứa nó. Nói cách khác, thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng không bị vô hiệu ngay cả khi hợp đồng chứa nó bị vô hiệu. Thực tiễn xét xử được nêu dưới đây cho thấy điều này25.

Người nhận hàng (nguyên đơn) có trụ sở chính ở New York, Mỹ. Người chuyên chở (bị đơn) có trụ sở chính ở Nova Scotia, Canada. Hàng hóa là cá hồi được vận chuyển từ cảng Newfoundland (Canada) đến New York (Mỹ). Bộ vận đơn được phát hành tại cảng Newfoundland theo mẫu đã hết hiệu lực và không dẫn chiếu đến Công ước Bruxelles năm 1924 thống nhất một số quy tắc về vận đơn đường biển. Trong vận đơn quy định, luật điều chỉnh cho hợp đồng chuyên chở là luật của Anh.

Thực hiện hợp đồng, người nhận hàng đã trả toàn bộ tiền cước theo hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình chuyên chở, hàng hóa bị tổn thất do tàu bị mắc

25 Vụ Vita Food v Unus Shipping (1939). Nguồn: J Hill, The conflict of law, 3rd edition, OUP, 2006, tr.243. Trích từ: Nguyễn Bình Minh, Giải quyết xung đột pháp luật trong kinh doanh quốc tế: thực tiễn ở các nước Châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghiệm thu năm 2010, tr. 49 và tiếp theo.

61

cạn. Nguyên nhân gây ra tổn thất là do lỗi của thuyền trưởng trong việc điều khiển con tàu. Lô cá hồi được chuyển sang một tàu khác để vận chuyển tiếp đến New York, Mỹ.

Vào thời điểm các bên ký kết hợp đồng chuyên chở, Anh và Canada đã là thành viên của Công ước Bruxelles năm 1924. Các quy tắc của Công ước Bruxelles được nội luật hóa trong Luật vận chuyển hàng hóa bằng đường biển năm 1932 của Canada. Theo điều 3 Luật này, các vận đơn không dẫn chiếu đến Công ước Bruxelles năm 1924 không có giá trị pháp lý.

Người nhận hàng Mỹ khởi kiện người chuyên chở Canada tại tòa án Anh đòi bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn cho rằng bộ vận đơn được phát hành theo mẫu đã hết hiệu lực và vi phạm điều 3 Luật chuyên chở hàng hóa bằng đường biển năm 1932 của Canada nên không có giá trị pháp lý. Điều khoản về luật áp dụng cho hợp đồng vì vậy cũng không có hiệu lực pháp lý.

Tòa án Anh lập luận rằng vận đơn là bằng chứng của hợp đồng chuyên chở hàng hóa. Cho dù việc vận đơn không dẫn chiếu đến Công ước Bruxelles năm 1924 là vi phạm Điều 3 Luật chuyên chở hàng hóa bằng đường biển năm 1932 của Canada, nhưng điều khoản về luật áp dụng cho hợp đồng chuyên chở được quy định trong vận đơn vẫn có giá trị hiệu lực pháp lý và ràng buộc các bên đương sự. Vì thế, luật của Anh là luật điều chỉnh cho hợp đồng.

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định đối với trường hợp này. Theo tác giả của Luận văn, khi Tòa án Việt Nam được yêu cầu xét xử vụ việc như trên, thì nên ghi nhận sự tồn tại độc lập của thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng. Giải pháp này giúp chúng ta tránh được mâu thuẫn do hậu quả của sự vô hiệu hợp đồng gây ra.

Tương tự, đối với sự độc lập của thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp, pháp luật Việt Nam hiện nay mới chỉ quy định về sự độc lập của thỏa thuận lựa chọn trọng tài theo đó, “Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp

62

đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể

thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài” (Điều 19 Luật

Trọng tài thương mại năm 2010). Trong thực tế có thể xảy ra trường hợp hợp đồng của các bên bị vô hiệu (ví dụ hợp đồng có đối tượng là hàng hóa không được phép lưu thông), nhưng thỏa thuận lựa chọn tòa án không bị vô hiệu (vì đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện hiệu lực luật định). Trong trường hợp như vậy, theo tác giả, nên áp dụng tương tự quy định đối với thỏa thuận lựa chọn trọng tài đối với thỏa thuận lựa chọn tòa án. Giải pháp này là phù hợp với thực tiễn thương mại quốc tế bởi các bên khi phát sinh tranh chấp thì luôn mong muốn tranh chấp của mình được xét xử bởi cơ quan tài phán mà mình đã lựa chọn.

4.2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Quyền lựa chọn pháp luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng thương mại quốc tế, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận các quyền này trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nhưng nội dung của quyền chưa được quy định thành một nguyên tắc chung. Do được quy định trong các quy định pháp luật chuyên ngành nên nội dung và giới hạn của quyền chọn pháp luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp không hoàn toàn giống nhau. Theo tác giả của luận văn, quyền lựa chọn pháp luật áp dụng và quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp nên phải được quy định rõ ràng thành một nguyên tắc chung trong một đạo luật chuyên biệt về tư pháp quốc tế. Cơ sở lý luận của quyền tự do lựa chọn pháp luật áp dụng và lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp xuất phát từ triết lý pháp luật là quyền tự do định đoạt của các chủ thể tư tham gia các quan hệ tư. Quyền tự do định đoạt của các chủ thể tư không chỉ thể hiện ở quyền tự do giao kết, tự do xác định nội dung của quan hệ mà còn cả tự do xác định nguồn luật áp dụng và quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, do hợp đồng thương mại quốc tế là một loại hợp đồng có yếu tố quốc tế, tức liên quan đến hai hay nhiều quốc gia, nên trong một số trường hợp, sự tự do của các bên phải được giới hạn nhằm bảo vệ các giá trị cốt lõi của các hệ thống pháp luật có liên quan,

63

hay còn gọi là trật tự công cộng. Vì vậy, theo tác giả, quyền tự do lựa chọn pháp luật áp dụng và quyền tự do lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng thương mại quốc tế nên được hiểu là quyền của các bên lựa chọn một hoặc nhiều hệ thống pháp luật theo nghĩa rộng, tức bao gồm pháp luật của Nhà nước (pháp luật của một quốc gia cụ thể) hoặc của các Nhà nước (tức điều ước quốc tế) và luật “mềm” (soft law, tức các tập quán và các bộ nguyên tắc) và một cơ quan giải quyết tranh chấp cụ thể là tòa án quốc gia hoặc trọng tài thương mại. Các quyền này chỉ bị giới hạn nhằm bảo vệ trật tự công cộng của nước có liên quan.

Trên nền tảng này, các quyền lựa chọn pháp luật và quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp, cũng như các giới hạn của các quyền này nên được hoàn thiện theo các kiến nghị cụ thể dưới đây.

4.2.1. Ghi nhận rõ ràng quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng thương mại quốc tế

Quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp đối với quan hệ tư pháp quốc tế nói chung và hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng chưa được ghi nhận thành một nguyên tắc chung mà được quy định rải rác trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Luật thương mại với tư cách là một đạo luật điều chỉnh trực tiếp hợp đồng thương mại quốc tế không có quy định về quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật khác nhau ngoài việc gây ra khó khăn cho các chủ thể tiếp cận văn bản pháp luật còn có thể dẫn tới sự mất an toàn pháp lý do các đạo luật này có thể có những quy định khác nhau do có đối tượng điều chỉnh khác nhau. Vì vậy, tác giả luận văn khuyến nghị Việt Nam cần có một quy định nêu rõ các bên trong quan hệ hợp đồng được quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp (tòa án hoặc trọng tài), đồng thời quy định về các điều kiện thực hiện quyền này (hình thức, thời gian, phạm vi, thay đổi lựa chọn…).

64

4.2.2. Ghi nhận sự tồn tại độc lập của điều khoản lựa chọn pháp luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp

Như trên đã phân tích, việc pháp luật Việt Nam mới chỉ có quy định về tính độc lập của thỏa thuận trọng tài có thể sẽ gây ra các khó khăn khi tranh chấp liên quan đến sự độc lập của điều khoản lựa chọn pháp luật áp dụng và điều khoản lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp. Pháp luật của một số quốc gia và một số văn kiện quốc tế (Bộ Nguyên tắc La Hay năm 2010, Công ước La Hay năm 2005) đã ghi nhận sự tồn tại độc lập của các điều khoản này. Tác giả luận văn cho rằng các

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật việt nam về quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp và pháp luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế (Trang 66 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)