3.3.1.1. Nâng cao hiệu quả họat động của trung tâm thông tin tín dụng (CIC):
Ngân hàng nhà nước cần phải có các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn đối với các ngân hàng trong việc báo cáo các thông tin tín dụng theo yêu cầu của trung tâm CIC chậm và không chính xác bởi vì thực tế hiện nay có rất nhiều ngân hàng thường xuyên cung cấp các báo cáo tín dụng định kỳ và không định kỳ trễ hạn hoặc
là không chính xác về số liệu.
- Chất lượng và thời gian cung cấp các thông tin của trung tâm CIC cho các ngân hàng thường không đầy đủ và kịp thời. Việc có báo cáo CIC một cách kịp thời, đúng lúc giúp các ngân hàng sẽ có các quyết định tín dụng đúng đắn, giảm thiểu được rủi ro trong cho vay.
- Cần cải tiến trang web của trung tâm CIC để trang web luôn hoạt động tốt, cập nhật thường xuyên các thông tin tín dụng của các ngân hàng, đảm bảo các ngân hàng luôn lấy được thông tin kịp thời và chính xác.
Hiện tại, trung tâm CIC mới chỉ cấp trường dư nợ tín dụng và trường tài sản đảm bảo. Cần mở rộng thêm các trường về tình hình tài chính, uy tín năng lực của đơn vị..., cụ thể hơn thông tin của các trường, ví dụ như trường dư nợ chỉ cung cấp tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng, ghi chú có phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng nào không, trung tâm CIC nên cung cấp cụ thể dư nợ của khách hàng tại từng tổ chức tín dụng, ngày phát sinh, mục đích sử dụng vốn vay, số ngày phát sinh nợ xấu, nguyên nhân phát sinh nợ xấu…tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm nguồn thông tin tin cậy trong việc thẩm định nhu cầu vốn vay của khách hàng.
3.3.1.2. Ngân hàng nhà nước cần phát huy vai trò là đầu mối giao lưu, trao đổi thông tin giữa các ngân hàng
Hiện nay các khóa đào tạo nghiệp vụ do Ngân hàng nhà nước tổ chức còn rất khan hiếm, nên chăng Ngân hàng nhà nước thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo và mời các ngân hàng cử cán bộ nhân viên tham gia, thông qua các khóa đào tạo này, các cán bộ ngân hàng có điều kiện gặp gỡ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc cung cấp tín dụng một cách có hiệu quả cũng như chia sẻ các thông tin tín dụng. Ngoài các buổi hội thảo định kỳ mà Ngân hàng nhà nước là đầu mối với sự tham gia của các ngân hàng thương mại, sẽ giúp cho các ngân hàng mạnh dạn trình bày quan điểm ý kiến về những bất cập của các quy định liên quan cần phải được sửa chữa cũng như là nơi để các lãnh đạo Ngân hàng nhà nước giải thích, hướng dẫn việc thực thi các quy định chính sách mới cho các ngân hàng, tránh tình trạng các ngân hàng lúng túng dẫn đến việc thực thi sai các quy định của Chính phủ cũng như Ngân hàng nhà nước.