Quy định về các biện pháp trợ cấp xuất khẩu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy định của tổ chức thương mại thế giới WTO về trợ cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và một số vấn đề đặt ra đối với việt nam (Trang 33 - 34)

Theo quy định của Hiệp định Nông nghiệp, trợ cấp xuất khẩu được định nghĩa là những trợ cấp dựa trên kết quả thực hiện xuất khẩu, bao gồm các trợ cấp xuất khẩu liệt kê cụ thể trong Điều 9 của Hiệp định. Theo Điều 9 Khoản 1 của Hiệp định, danh mục này bao gồm hầu hết các thực tiễn trợ cấp xuất khẩu phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp, điển hình như (Lê Quốc Phong 2012, tr. 25):

- Trợ cấp xuất khẩu trực tiếp đặc trưng đối với hoạt động xuất khẩu.

- Bán các loại hàng nông sản tồn kho phi thương mại cho xuất khẩu với giá thấp hơn mức giá so sánh của các sản phẩm đó trong thị trường nội địa.

- Các khoản trợ cấp tài chính cho nhà sản xuất như các chương trình của Chính phủ có yêu cầu thu thuế trên các sản phẩm, sau đó được dùng để trợ cấp xuất khẩu cho một phần nhất định của sản phẩm đó.

- Các biện pháp giảm chi phí khác như trợ cấp giảm chi phí tiếp thị sản phẩm cho xuất khẩu, biện pháp này có thể bao gồm các chi phí ví dụ như nâng cấp và quản lý, vận chuyển quốc tế.

- Trợ cấp vận tải trong nước chỉ được áp dụng cho hàng xuất khẩu, như các trợ cấp để vận chuyển các sản phẩm có thể xuất khẩu được tới điểm gửi hàng.

- Các trợ cấp được gắn với sản phẩm thô và chế biến, cụ thể các trợ cấp đối với nông sản như bột mỳ, nguyên liệu để sản xuất bánh quy xuất khẩu.

Tất cả các khoản trợ cấp xuất khẩu này đều phải cam kết cắt giảm cả về số lượng hàng xuất khẩu được trợ cấp và chi phí ngân sách cho các trợ cấp này. Hiệp định nông nghiệp không yêu cầu các nước xoá bỏ ngay trợ cấp xuất khẩu cho hàng nông sản, nhưng buộc các nước phải giảm mức độ trợ cấp cả về mặt giá trị cũng như số lượng mặt hàng được trợ cấp.

Theo Hiệp định, trợ cấp xuất khẩu chỉ được áp dụng trong 4 trường hợp (Lê Quốc Phong 2012, tr. 26):

- Đối với trợ cấp xuất khẩu là đối tượng của cam kết cắt giảm áp dụng đối với từng sản phẩm cụ thể, thì được phép áp dụng trong mức giới hạn quy định tại biểu cam kết của thành viên có liên quan;

- Bất kì khoản thặng dư nào của ngân sách chi tiêu dành cho trợ cấp xuất khẩu hoặc cho khối lượng xuất khẩu đã được trợ cấp vượt quá giới hạn quy định tại biểu cam kết mà được điều chỉnh bởi khoản 2(b) Điều 9 Hiệp định;

- Các loại trợ cấp xuất khẩu phù hợp với quy định về “đối xử đặc biệt và khác biệt” (S&D) dành cho các thành viên các nước đang phát triển (DCs). (Khoản 4 điều 9 Hiệp định)

- Các loại trợ cấp xuất khẩu khác, ngoài những loại là đối tượng của cam kết giảm, với điều kiện chúng phù hợp với quy định về ngăn chặn việc trốn tránh các cam kết về trợ cấp xuất khẩu tại Điều 10 Hiệp định.

Về vấn đề cắt giảm trợ cấp: Các nước thành viên phát triển được yêu cầu cắt giảm, với các bước cắt giảm ngang nhau hàng năm trong giai đoạn 6 năm, số lượng trợ cấp xuất khẩu tính trên giai đoạn tham chiếu ở mức 21% và chi phí ngân sách tương ứng cho các trợ cấp xuất khẩu ở mức 36%. Đối với các thành viên đang phát triển, mức cắt giảm được yêu cầu là 14% trong thời gian 10 năm có đối với số lượng, và 24% trong khoảng thời gian tương tự đối với chi phí ngân sách. Các nước đang phát triển trong quá trình thực hiện có thể tận dụng quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt trong Hiệp định (Điều 9 Khoản 4), quy định này cho phép các nước này trợ cấp chi phí tiếp thị và vận chuyển nội địa với điều kiện là các chi phí này không được áp dụng theo cách ngầm phá hỏng các cam kết cắt giảm trợ cấp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy định của tổ chức thương mại thế giới WTO về trợ cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và một số vấn đề đặt ra đối với việt nam (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)