- Bãi bỏ các chính sách trợ cấp đầu ra như trợ giá xuất khẩu. Tăng cường các trợ cấp đầu vào cho sản xuất nông sản xuất khẩu. Đây là những trợ cấp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất, chẳng hạn như đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp, trợ giá cho việc mua giống cây trồng, vật nuôi; máy móc, thiết bị nhằm phục vụ việc sản xuất.
- Bằng mọi biện pháp để thực hiện các chính sách trợ cấp trực tiếp cho người sản xuất (người nông dân) từ việc mở rộng cung cấp các khoản vay cho nông dân
(vay tiêu dùng sinh hoạt, vay đầu tư vào quy mô sản xuất, chế biến sản phẩm,...) cho đến việc hỗ trợ bằng tiền cho nông dân nhằm giảm giá thành mua máy móc, nguyên vật liệu sản xuất.
- Duy trì trợ cấp vào những mặt hàng có năng lực cạnh tranh cao. Chọn một số mặt hàng có khả năng cạnh tranh để trợ cấp nhằm phát triển những ngành hàng đó trong tương lai.
- Áp dụng triệt để các biện pháp trợ cấp được phép do WTO quy định, tăng ngân sách trợ cấp để đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp.
3.1.2. Xu hướng trợ cấp nông nghiệp trên thế giới
Tuyên bố Nairobi vào năm 2015 cho thấy cuộc đàm phán thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới đối với việc cắt giảm trợ cấp thành công. Theo đó, các nước như Hòa Kỳ, EU… phải cắt giảm trợ cấp với nông sản xuất khẩu, tại các nước phát triển không chỉ có nền nông nghiệp tiên tiến mà còn được hưởng những chính sách trợ giá của Chính phủ nhằm mở rộng thị phần xuất khẩu. Thực tế cho thấy, trợ cấp nông sản xuất khẩu không những không đem lại lợi ích cho các nước đang phát triển, mà ngược lại, còn là rào cản khiển cho các nước đang phát triển khó có thể cạnh tranh với hàng nông sản của các nước phát triển. Đối với Tuyên bố Nairobi ngày 19 tháng 12 năm 2015 vừa qua, thỏa thuận của WTO vừa rồi sẽ tạo ra sự công bằng hơn trên thế giới về thương mại nông sản và phần có lợi sẽ nghiêng về các nước đang phát triển. Với cam kết mang tính lịch sử này, chắc chắn nông sản của các nước phát triển sẽ không thể giữ mức giá thấp như hiện nay, do vậy, hàng nông sản của các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ gia tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, với tuyên bố này, sẽ tạo ra một xu hướng trợ cấp sản xuất nông sản trong nước tại các nước trên thế giới, lý do là do khi tuyên bố Nairobi được áp dụng, thì sự cạnh tranh giữa các nước trên trường quốc tế có xu hướng bình đẳng hơn, các nước như Việt Nam sẽ không phải chịu áp lực cạnh tranh về giá. Khi đó, tất cả các nước sẽ phải không ngừng hỗ trợ sản xuất trong nước để tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đảm bảo cho sức khỏe để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.