MỘT GIẢI PHÁP THAY THẾ KHÓ XỬ

Một phần của tài liệu Bàn cờ lớn: Phần 2 (Trang 29 - 34)

Sự lựa chọn địa chiến lược thực tế duy nhất cho Nga - lựa chọn có thể mang lại cho Nga một vai trò quốc tế thực tế và cũng tối đa hóa cơ hội chuyển đổi và hiện đại hóa xã hội của chính mình - là châu Âu. Và không chỉ châu Âu, mà cả châu Âu xuyên Đại Tây Dương của EU và NATO đang mở rộng. Một châu Âu như vậy đang hình thành (như chúng ta đã thấy trong Chương 3) và nhiều khả năng vẫn liên kết chặt chẽ với Mỹ. Đó là châu Âu mà Nga buộc phải quan hệ nếu muốn tránh mối nguy bị cô lập địa chính trị.

Đối với Mỹ, Nga quá yếu để trở thành đối tác nhưng vẫn quá mạnh để bị xem như một “bệnh nhân”. Điều này nhiều khả năng trở thành một vấn đề, trừ khi Mỹ thúc đẩy các điều kiện bối cảnh nhằm thuyết phục người Nga rằng sự lựa chọn tốt nhất cho đất nước của họ là một kết nối ngày càng có tổ chức với một châu Âu xuyên Đại Tây Dương. Mặc dù một liên minh chiến lược Nga-Trung và Nga-Iran dài hạn là không thể, nhưng rõ ràng điều quan trọng đối với Mỹ là né tránh các chính sách có thể khiến Nga mất tập trung trong việc thực hiện lựa chọn địa chính trị cần thiết. Trong phạm vi có thể, mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Iran, do đó, nên được thiết lập sao cho có thể tạo ra những tác động ghi nhận được lên các tính toán địa chính trị của Nga. Những ảo tưởng kéo dài liên quan đến các lựa chọn địa chiến lược lớn chỉ có thể làm trì hoãn lựa chọn lịch sử mà Nga phải đưa ra hòng chấm dứt tình trạng bất ổn sâu sắc.

Chỉ có một nước Nga sẵn sàng chấp nhận thực tế mới của châu Âu, cả về kinh tế và địa chính trị, mới có thể thu lợi cho chính mình từ sự hợp tác mở rộng trong thương mại, truyền thông, đầu tư và giáo dục của một châu Âu xuyên lục địa. Do đó, việc Nga tham gia vào Hội đồng châu Âu là một bước đi rất đúng hướng. Đó là sự báo trước các liên kết thiết chế sâu xa hơn giữa một nước Nga mới và châu Âu đang phát triển. Nó cũng ngụ ý rằng nếu Nga theo đuổi con đường này, họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt chước quá trình mà Thổ Nhĩ Kỳ thời hậu Ottoman đã chọn, khi người Thổ quyết định rũ bỏ tham vọng đế quốc và dấn thân nhiều vào con đường hiện đại hóa, châu Âu hóa và dân chủ hóa.

Không có lựa chọn nào khác có thể mang lại cho Nga những lợi ích mà một châu Âu hiện đại, giàu có và dân chủ được liên kết với Mỹ có thể làm. Châu Âu và Mỹ không phải là mối đe dọa đối với một nước Nga dân chủ và dân tộc chủ nghĩa không bành trướng. Cả hai đều không có ý đồ nào với lãnh thổ của Nga, điều mà Trung Quốc một ngày nào đó có thể có. Họ cũng không có chung một đường biên giới không an toàn có khả năng kích động bạo lực, một tình huống hoàn toàn khả dĩ với đường biên giới không rõ ràng về mặt lãnh thổ và dân tộc của Nga với các quốc gia Hồi giáo ở phía nam. Trái lại, đối với châu Âu cũng như đối với Mỹ, một nước Nga dân chủ và tràn đầy tinh thần dân tộc là một thực thể đáng kỳ vọng về mặt địa chính trị, một nguồn ổn định tại vùng đất hỗn hợp Á-Âu đầy biến động.

Do đó, Nga phải đối mặt với vấn đề nan giải rằng lựa chọn hướng về châu Âu và Mỹ để mang về những lợi ích hữu hình, đòi hỏi việc, trước hết, cần phải xóa bỏ hoàn toàn quá khứ đế quốc và thứ hai, không có sự tráo trở trong liên kết chính trị và an ninh của châu Âu mở rộng với Mỹ. Yêu cầu đầu tiên là phải thích nghi với sự đa nguyên địa chính trị đã chiếm ưu thế trong không gian của Liên Xô cũ. Việc thích nghi như vậy không loại trừ một sự hợp tác kinh tế thay thế mô hình Khu vực Thương mại Tự do châu Âu cũ, nhưng nó cũng không phủ hết được các giới hạn chủ quyền chính trị của các quốc gia mới - vì lý do đơn giản là họ không chấp nhận nó. Ở khía cạnh này, quan trọng nhất là tính cấp thiết của việc Nga chấp thuận rõ ràng và không mơ hồ sự tồn tại riêng biệt của Ukraine, về cả biên giới và bản sắc dân tộc.

Yêu cầu thứ hai có thể “khó nuốt” hơn. Một mối quan hệ hợp tác thực sự với cộng đồng xuyên Đại Tây Dương không thể dựa trên quan niệm cho rằng các quốc gia dân chủ ở châu Âu muốn trở thành một phần của nó có thể bị loại trừ vì một tiếng nói của Nga. Việc mở rộng cộng đồng đó không cần phải vội vàng, và chắc chắn không nên được quảng bá theo chủ đích chống Nga. Nhưng nó cũng không thể, và cũng không nên bị đình lại chỉ vì cái trật tự chính trị phản ánh khái niệm xưa cũ về quan hệ an ninh châu Âu. Một châu Âu mở rộng và dân chủ phải là một quá trình lịch sử với kết thúc mở, không chịu các giới hạn địa lý độc đoán về mặt chính trị.

Đối với nhiều người Nga, đến một lúc nào đó, nan đề về một giải pháp thay thế có thể trở nên phức tạp đến mức khó xử lý. Nó sẽ đòi hỏi một hành động mang ý chí chính trị mạnh mẽ và cũng có thể là một nhà lãnh đạo xuất sắc, có khả năng đưa ra lựa chọn và nói rõ tầm nhìn về một nước Nga dân chủ, dân tộc, thực sự hiện đại và thuộc châu Âu. Điều đó có thể không xảy ra trong một thời gian. Vượt qua các cuộc khủng hoảng hậu Xô Viết và hậu đế quốc sẽ không chỉ đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với trường hợp chuyển đổi hậu Xô Viết ở Trung Âu mà còn phải có sự xuất hiện của một nhà lãnh đạo chính trị có tầm nhìn và ổn định. Nước Nga hiện không có một Atatürk nào cả. Tuy nhiên, người Nga cuối cùng sẽ phải nhận ra rằng việc tái xác định quốc gia của Nga không phải là một hành động đầu hàng mà là một sự giải phóng12. Họ sẽ phải chấp nhận rằng những gì Yeltsin đã nói ở Kiev năm 1990 về một tương lai phi đế quốc cho

nước Nga là hoàn toàn đúng đắn. Và một nước Nga thực sự phi đế quốc vẫn sẽ là một cường quốc, trải dài khắp Âu-Á, và vẫn là đơn vị có lãnh thổ lớn nhất thế giới.

Trong mọi trường hợp, việc tái xác định “Nga là gì?” và “Đâu là

Nga?” có thể sẽ chỉ xảy ra theo từng giai đoạn và đòi hỏi một cử chỉ chắc

chắn và khôn ngoan hướng về phương Tây. Mỹ và châu Âu sẽ phải giúp đỡ. Họ không chỉ cung cấp cho Nga một hiệp ước hay điều lệ đặc biệt với NATO, mà họ cũng nên bắt đầu quá trình mở rộng với Nga về việc hình thành một hệ thống an ninh và hợp tác xuyên lục địa cuối cùng vượt ra khỏi cấu trúc lỏng lẻo của Tổ chức Hợp tác và An ninh ở châu Âu (OSCE - Organization for Security and Cooperation in Europe). Và nếu Nga củng cố các thiết chế dân chủ nội bộ của mình và đạt được tiến bộ rõ rệt trong việc phát triển kinh tế dựa trên thị trường tự do, thì không nên loại trừ mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn với NATO và EU.

Đồng thời, điều quan trọng không kém đối với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, là theo đuổi các chính sách duy trì tình trạng khó xử của phương án thay thế dành cho Nga. Sự ổn định chính trị và kinh tế của các quốc gia hậu Xô Viết mới là một yếu tố chính trong việc đòi hỏi Nga phải tự xác định lại tích lịch sử của chính mình. Do đó, sự hỗ trợ cho các quốc gia hậu Xô Viết mới - cho chủ nghĩa đa nguyên địa chính trị trong không gian của đế chế Xô Viết trước đây - phải là một phần không thể thiếu trong chính sách được thiết kế nhằm thúc đẩy Nga dứt khoát đưa ra lựa chọn châu Âu của mình. Trong số các quốc gia này, có ba quốc gia đặc biệt quan trọng về địa chính trị: Azerbaijan, Uzbekistan và Ukraine.

Một Azerbaijan độc lập có thể đóng vai trò một hành lang cho phương Tây tiếp cận lưu vực Biển Caspi và Trung Á giàu nguồn năng lượng. Ngược lại, một Azerbaijan bị khuất phục có nghĩa là Trung Á có thể bị phong tỏa khỏi thế giới bên ngoài và do đó dễ bị tổn thương về mặt chính trị trước những áp lực của Nga về việc tái hợp nhất. Uzbekistan, quốc gia quan trọng nhất và đông dân nhất trong số các quốc gia Trung Á, đại diện cho một trở ngại lớn đối với bất kỳ sự tái kiểm soát mới nào của Nga đối với khu vực. Sự độc lập của nó rất quan trọng đối với sự tồn tại của các quốc gia Trung Á khác, và nó ít bị tổn thương nhất trước áp lực của Nga.

Dẫu vậy, quan trọng nhất vẫn là Ukraine. Khi EU và NATO mở rộng, Ukraine cuối cùng sẽ ở vào vị thế phải lựa chọn liệu họ có muốn trở thành một phần của một trong hai tổ chức hay không. Có khả năng, để củng cố vị thế riêng biệt của mình, Ukraine sẽ muốn tham gia cả hai, một khi họ sáp vào và một khi việc chuyển dịch nội bộ khiến họ hội đủ điều kiện để trở thành thành viên. Mặc dù sẽ mất nhiều thời gian nhưng cũng không còn quá sớm để phương Tây - trong khi tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế và an ninh với Kiev - xác định giai đoạn 2005-2015 là khung thời gian hợp lý cho bước khởi đầu để Ukraine hòa nhập vào quá trình tiến bộ, nhờ đó giảm nguy cơ người dân nước này e sợ rằng sự mở rộng của châu Âu sẽ chỉ dừng lại ở biên giới Ba Lan-Ukraine.

Nga tuy vẫn phản đối nhưng có khả năng sẽ thông qua việc mở rộng NATO vào năm 1999 và bao gồm một số nước Trung Âu, bởi vì khoảng cách văn hóa và xã hội giữa Nga và Trung Âu đã nới rộng rất nhiều kể từ khi Liên Xô tan rã. Ngược lại, Nga sẽ thấy khó khăn vô cùng khi bằng lòng cho Ukraine gia nhập NATO, vì làm như vậy sẽ phải thừa nhận rằng vận mệnh của Ukraine không còn liên quan cố kết với Nga nữa. Tuy nhiên, nếu Ukraine tồn tại như một quốc gia độc lập, họ sẽ phải trở thành một phần của Trung Âu chứ không phải Á-Âu, và nếu là một phần của Trung Âu thì họ sẽ phải tham gia đầy đủ các liên kết của Trung Âu với NATO và EU. Sau đó, việc Nga chấp nhận các liên kết này sẽ xác thực quyết định của chính nước Nga xem liệu họ có thực sự trở thành một phần của châu Âu hay không. Sự từ chối của Nga tương đương với sự từ chối của châu Âu, đều là ủng hộ một bản sắc và sự tồn tại “Á-Âu” đơn độc.

Điểm mấu chốt cần lưu ý là Nga không thể ở trong châu Âu không có Ukraine, nhưng Ukraine lại có thể là một phần của châu Âu không có Nga. Giả sử Nga quyết định gia nhập châu Âu, thì theo sau đó, vì lợi ích của chính nước Nga mà Ukraine cũng được đưa vào cấu trúc châu Âu đang mở rộng. Thật vậy, mối quan hệ của Ukraine với châu Âu có thể là bước ngoặt đối với chính nước Nga. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là thời điểm xác định mối quan hệ giữa Nga với châu Âu cần thêm một thời gian nữa - “xác định” ở đây hiểu theo nghĩa lựa chọn của Ukraine có lợi cho châu Âu sẽ khiến Nga xác quyết về giai đoạn lịch sử tiếp theo của chính mình: hoặc trở thành một phần của châu Âu hoặc trở thành một “cá thể” Á-Âu bị

ruồng bỏ, không hoàn toàn là châu Âu hay châu Á, bị sa lầy trong các cuộc xung đột với “láng giềng”.

Hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác giữa một châu Âu và Nga đang mở rộng có thể chuyển từ các liên kết song phương chính thức sang các mối quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh có hệ thống và ràng buộc hơn. Theo cách đó, trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ tiếp theo, Nga ngày càng có thể trở thành một phần không thể thiếu của một châu Âu bao trùm không chỉ Ukraine mà còn vươn tới dãy Ural và thậm chí xa hơn. Một hiệp hội hoặc thậm chí một số hình thức thành viên của Nga trong các cấu trúc châu Âu và xuyên Đại Tây Dương sẽ lần lượt mở ra cánh cửa để tính thêm vào đó ba quốc gia vùng Caucasus là Georgia, Armenia và Azerbaijan vốn đang rất khao khát được kết nối với châu Âu.

Thật khó lòng dự đoán quá trình đó có thể đi nhanh đến nhường nào, nhưng có điều này là chắc chắn: nó sẽ nhanh hơn nếu bối cảnh địa chính trị được định hình vừa đẩy Nga đi theo hướng đó vừa xua đuổi các cám dỗ khác. Nếu Nga tiến càng nhanh về châu Âu, “hố đen” Á-Âu sẽ càng sớm được lấp đầy bằng một xã hội ngày càng hiện đại và dân chủ. Thật vậy, đối với Nga, vấn đề nan giải của lựa chọn thay thế không còn là vấn đề đưa ra lựa chọn địa chính trị mà là đối mặt với các nhu cầu sinh tồn.

Một phần của tài liệu Bàn cờ lớn: Phần 2 (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)