12. Một trường hợp thể hiện mạnh mẽ cho sáng kiến này, chỉ ra những lợi ích kinh tế lẫn nhau theo đó, do Kurt Tong thực hiện, “Revolutionizing America’s Japan Policy” (Cách
MỘT ĐỊA CHIẾN LƯỢC CHO LỤC ĐỊA Á-ÂU
Điểm khởi đầu cho một chính sách cần thiết là nhận diện rõ ràng ba hoàn cảnh chưa từng có hiện đang định hình tình trạng địa chính trị trong các vấn đề thế giới: lần đầu tiên trong lịch sử, (1) một quốc gia đơn lẻ trở thành một thế lực toàn cầu thực sự, (2) một quốc gia phi châu Âu trở thành quốc gia đứng đầu toàn cầu, và (3) đấu trường trung tâm của thế giới, lục địa Á-Âu, được một thế lực bên ngoài thống trị.
Tuy nhiên, một địa chiến lược toàn diện và hợp nhất cho khu vực Á- Âu phải dựa trên việc nhận diện các giới hạn ảnh hưởng quyền lực và sự tiêu hao phạm vi ảnh hưởng không tránh khỏi theo thời gian của Mỹ. Như đã lưu ý trước đó, quy mô và sự đa dạng của lục địa Á-Âu, cũng như sức mạnh tiềm năng của một vài quốc gia, giới hạn chiều sâu ảnh hưởng của
Mỹ và mức độ kiểm soát đối với quá trình diễn ra sự kiện. Tình cảnh này đặt ưu tiên cho cái nhìn sâu hơn về địa chiến lược và vào việc Mỹ triển khai có chọn lọc, có cân nhắc các nguồn lực trên bàn cờ Á-Âu rộng lớn. Và khi quyền lực chưa từng có của Mỹ bị buộc phải suy giảm theo thời gian, ưu tiên phải là quản lý sự trỗi dậy của các siêu cường khu vực khác theo những cách không đe dọa đến quyền lực bá chủ toàn cầu của Mỹ.
Cũng như trên bàn cờ vua, các nhà hoạch định kế hoạch toàn cầu của Mỹ phải tính trước vài nước, phải biết lường trước những nước đi đối lại. Một địa chiến lược bền vững do đó phải phân biệt giữa viễn cảnh ngắn hạn (trong khoảng năm năm tới), giai đoạn tầm trung (lên đến hai mươi năm) và viễn cảnh lâu dài (hơn hai mươi năm). Hơn nữa, các giai đoạn này không những phải được tiến hành chặt chẽ mà còn phải liền mạch. Giai đoạn đầu tiên phải dần dần và kiên quyết dẫn đến giai đoạn thứ hai và tất nhiên, phải hướng đến nó một cách thận trọng, và giai đoạn thứ hai sau đó nhất thiết dẫn đến giai đoạn thứ ba.
Trong thời gian ngắn, việc củng cố và duy trì tính đa nguyên địa chính trị đang trỗi dậy giúp mang lại lợi ích cho nước Mỹ trên bản đồ khu vực Á- Âu. Điều này đặt ra tầm quan trọng đặc biệt cho việc điều động quân sự và vận động để ngăn chặn sự trỗi dậy của một liên minh thù địch có thể tìm cách thách thức quyền bá chủ của Mỹ, và ở đây chưa nói đến khả năng xa xôi là một quốc gia riêng lẻ nào đó muốn tìm cách tự làm việc đó. Ở giai đoạn tầm trung, những gì vừa nêu sẽ dần mang lại một tầm quan trọng lớn lao hơn lên sự trỗi dậy của các quốc gia đối tác ngày càng quan trọng và tương thích về mặt chiến lược; những nước này, vốn được thúc đẩy dưới sự lãnh đạo của Mỹ, có thể giúp hình thành nên một hệ thống an ninh liên lục địa Á-Âu hợp tác hơn. Cuối cùng, vẫn trong một viễn cảnh xa hơn, những gì đã nói trên đây có thể dần phát triển thành một lối chia sẻ trách nhiệm chính trị toàn cầu.
Nhiệm vụ cấp bách nhất là đảm bảo chắc chắn rằng không có quốc gia hoặc liên minh quốc gia nào có khả năng hất cẳng Hoa Kỳ ra khỏi lục địa Á-Âu hay thậm chí làm suy giảm đáng kể vai trò trọng tài quyết định của nước này. Tuy nhiên, sự thống nhất về tính đa nguyên địa chính trị xuyên lục địa không nên được xem là cái kết của chính nó mà chỉ như một phương tiện đạt được mục đích xây dựng sự hợp tác chiến lược trong giai đoạn tầm trung tại các khu vực quan trọng của lục địa Á-Âu. Không chắc là
nước Mỹ dân chủ sẽ muốn tham gia thường xuyên vào vấn đề quản lý khu vực Á-Âu vốn đầy khó khăn, tiêu tốn và tốn kém bằng cách dùng các nguồn lực quân sự của Mỹ để không ngừng chống lưng cho các hoạt động vận động và huy động quân sự, nhằm ngăn chặn sự thống trị khu vực của bất kỳ một thế lực nào khác. Do đó, giai đoạn đầu tiên phải dẫn đến giai đoạn thứ hai một cách hợp lý và thận trọng, trong đó sự lãnh đạo ôn hòa của Mỹ sẽ ngăn cản sự thách thức của các nước khác không chỉ bằng cách khiến cho cái giá của việc thách thức thành ra quá cao mà còn bằng cách đe dọa lợi ích sống còn của đối thủ tiềm năng trên lục địa Á-Âu.
Mục tiêu đặc biệt cần thiết cho giai đoạn tầm trung là thiết lập các mối quan hệ đối tác thực sự, chiếm ưu thế xuyên suốt giữa một châu Âu thống nhất hơn, được xác định rõ về mặt chính trị; với một Trung Quốc vượt trội hơn trong khu vực; cũng như với (hy vọng như vậy) một nước Nga hậu đế quốc hướng về châu Âu; và, ở vùng rìa phía nam của lục địa Á-Âu, một Ấn Độ ổn định và dân chủ trong khu vực. Nhưng sự thành bại trong nỗ lực tạo dựng nên các mối quan hệ chiến lược rộng lớn hơn với châu Âu và Trung Quốc tương ứng sẽ định hình nên bối cảnh rõ rệt cho vai trò của Nga, dù là tích cực hay tiêu cực.
Một châu Âu lớn hơn và một NATO mở rộng hơn sẽ giúp ích cho cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong chính sách của Hoa Kỳ. Một châu Âu rộng lớn hơn sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Mỹ và thông qua việc kết nạp các thành viên Trung Âu mới cũng làm tăng số lượng các quốc gia có khuynh hướng thân Mỹ trong Hội đồng châu Âu mà không đồng thời tạo ra một châu Âu quá hợp nhất về mặt chính trị để có thể sớm thách thức Hoa Kỳ trong các vấn đề địa chính trị quan trọng ở những nơi khác, đặc biệt là ở Trung Đông. Một châu Âu được định hình rõ về mặt chính trị cũng cần thiết để dần dà dẫn dắt nước Nga vào hệ thống hợp tác toàn cầu.
Thực ra, nước Mỹ không thể tự mình tạo ra một châu Âu thống nhất hơn, điều đó phụ thuộc vào chính người châu Âu, đặc biệt là người Pháp và người Đức, nhưng Mỹ có thể làm cản trở sự trỗi dậy của một châu Âu thống nhất hơn. Và điều đó có thể gây thiệt hại cho sự ổn định tại lục địa Á-Âu và do đó cũng cho chính lợi ích của Mỹ. Tất nhiên, trừ khi châu Âu trở nên thống nhất hơn, không thì nó có thể dễ bị chia rẽ một lần nữa. Vì vậy, như đã chỉ ra trước đây, điều quan trọng là nước Mỹ phải làm việc cẩn thận với cả Pháp và Đức nhằm có được một châu Âu tự cường về mặt
chính trị, một châu Âu vẫn giữ liên kết với Hoa Kỳ, và một châu Âu sẽ mở rộng phạm vi hệ thống hợp tác dân chủ quốc tế. Việc lựa chọn giữa Pháp và Đức không phải là vấn đề. Không có Pháp hoặc Đức, sẽ không có châu Âu; không có châu Âu, sẽ không có hệ thống Á-Âu xuyên lục địa.
Một cách thiết thực, những gì đã nêu sẽ đòi hỏi sự dàn xếp dần dần việc chia sẻ vai trò lãnh đạo trong NATO, sự chấp nhận lớn hơn cho các mối quan tâm của Pháp về vai trò của châu Âu không chỉ với châu Phi mà còn với Trung Đông, sự hỗ trợ thường xuyên cho việc mở rộng về phía đông của EU, ngay cả khi EU trở thành một đối thủ toàn cầu quyết đoán hơn về mặt chính trị và kinh tế1. Một Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương, có được sự ủng hộ của một số các lãnh đạo lớn xuyên Đại Tây Dương, cũng có thể làm giảm nhẹ sự đối đầu kinh tế ngày càng gia tăng giữa một EU thống nhất hơn và Hoa Kỳ. Trong trường hợp nào đi nữa, sự thành công cuối cùng của EU trong việc chôn vùi các đối kháng dân tộc chủ nghĩa hàng thế kỷ ở châu Âu, cùng với ảnh hưởng gây rối loạn toàn cầu của chúng, sẽ có giá trị làm giảm dần vai trò quyết định của Mỹ trong tư cách là trọng tài viên hiện tại của khu vực Á-Âu.
Sự mở rộng của NATO và EU có thể truyền thêm sức sống cho khuynh hướng gia tăng năng lực cảnh báo của chính châu Âu, trong khi đối với lợi ích của cả Mỹ và châu Âu là củng cố thêm thành quả dân chủ thu được thông qua việc chấm dứt thành công Chiến tranh Lạnh. Một phần của nỗ lực này không gì có thể quan trọng hơn mối quan hệ lâu dài của Mỹ với chính châu Âu. Một châu Âu mới vẫn đang được định hình, và nếu về mặt địa chính trị, cái châu Âu đó vẫn là một phần của không gian châu Âu-Đại Tây Dương, NATO mở rộng là rất quan trọng. Tương tự, thất bại của sứ mệnh vừa nêu, vào lúc này, khi cam kết đã được thực hiện, sẽ phá vỡ khái niệm về một châu Âu đang mở rộng và làm mất tinh thần của người Trung Âu, thậm chí có thể khơi dậy tham vọng địa chính trị hiện ngấm ngầm hoặc đã chết của Nga đối với miền Trung Âu.
Thật vậy, thất bại trong nỗ lực do Mỹ lãnh đạo để mở rộng NATO có thể làm thức tỉnh trở lại những mong muốn đầy tham vọng của Nga. Chưa có bằng chứng hiện tại, trong khi có rất nhiều ghi nhận lịch sử, cho việc liệu giới lãnh đạo chính trị Nga có cùng chia sẻ mong muốn với châu Âu trong việc Mỹ hiện diện chính trị và quân sự mạnh mẽ và lâu dài ở châu lục
này hay không. Do đó, trong khi thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ngày càng gia tăng với Nga là đáng mong đợi, thì đối với Mỹ, việc quan trọng là gửi đi một thông điệp rõ ràng về ưu thế toàn cầu của chính mình. Nếu phải đưa ra lựa chọn giữa một hệ thống châu Âu-Đại Tây Dương rộng lớn hơn và một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, thì đối tượng đầu phải được Mỹ đặt lên hàng đầu.
Vì lý do đó, bất kỳ dàn xếp nào với Nga về vấn đề mở rộng NATO không được kéo theo một kết quả có tác dụng khiến Nga trên thực tế trở thành thành viên ra quyết định của liên minh, từ đó làm giảm đi đặc tính châu Âu-Đại Tây Dương đặc biệt của NATO, trong khi đồng thời chuyển các thành viên mới gia nhập xuống vị trí thứ hai. Điều đó có thể tạo cơ hội cho Nga tái khởi động không chỉ những nỗ lực giành lại phạm vi ảnh hưởng ở Trung Âu mà còn lợi dụng sự hiện diện của họ trong nội bộ NATO để công kích bất kỳ bất đồng nào giữa Mỹ và châu Âu nhằm làm giảm vai trò của Mỹ trong các vấn đề châu Âu.
Một điều quan trọng nữa là, khi Trung Âu gia nhập NATO, bất kỳ sự đảm bảo an ninh mới nào đối với Nga liên quan đến khu vực phải thực sự có tính tương hỗ lẫn nhau và làm yên lòng đôi bên. Những giới hạn trong việc triển khai quân đội và vũ khí hạt nhân của NATO trên lãnh thổ các thành viên mới có thể là một nhân tố quan trọng làm giảm đi các mối quan ngại hợp pháp của Nga, nhưng những điều này cũng nên đồng hành với một đảm bảo tương tự từ phía Nga về việc phi quân sự hóa những khả năng đe dọa chiến lược tiềm tàng của Kaliningrad và giới hạn việc triển khai quân sự lớn gần biên giới của các thành viên mới của NATO và EU trong tương lai. Trong khi tất cả các nước láng giềng mới độc lập phía tây của Nga cảm thấy lo ngại khi thiết lập quan hệ ổn định và hợp tác với Nga, sự thật là họ vẫn sợ hãi đất nước này vì những lý do lịch sử chính đáng. Do đó, những diễn biến theo sự sắp đặt hợp tình hợp lý của NATO/EU với Nga có thể được tất cả các nước châu Âu chào đón như một dấu hiệu rằng Nga cuối cùng đã đưa ra lựa chọn hậu đế quốc đúng như châu Âu kỳ vọng.
Lựa chọn đó có thể mở đường cho nỗ lực mở rộng hơn để củng cố địa vị và sự kính trọng đối với Nga. Trở thành thành viên chính thức trong nhóm G-7, cũng như việc nâng cao thiết chế thành lập chính sách của OSCE (trong khi một ủy ban an ninh đặc biệt bao gồm Mỹ, Nga và một vài nước châu Âu quan trọng có thể được thành lập), có thể tạo cơ hội cho Nga
tham gia xây dựng và định hình trên các mặt chính trị và an ninh ở châu Âu. Đi cùng với những hỗ trợ tài chính hiện tại mà phương Tây dành cho Nga, kèm theo sự phát triển của các kế hoạch đầy tham vọng trong việc đưa nước Nga đến gần với châu Âu hơn thông qua hệ thống đường sắt và xa lộ mới, quá trình trao cho Nga vai trò quan trọng để nước này đưa ra lựa chọn theo mong muốn của châu Âu có thể có những bước tiến đáng kể.
Vai trò lâu dài của Nga tại khu vực Á-Âu sẽ phụ thuộc nhiều vào lựa chọn lịch sử của nước này, có lẽ xảy đến trong thập kỷ này, liên quan đến việc họ tự định nghĩa chính mình. Cho dù cả châu Âu và Trung Quốc đều gia tăng phạm vi ảnh hưởng khu vực tương xứng của họ, Nga vẫn sẽ là quốc gia có lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới. Nó trải dài mười múi giờ và lớn gấp đôi so với Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Điều đó làm cho châu Âu mở rộng hơn. Do đó, việc hao hụt lãnh thổ không phải vấn đề trung tâm của nước Nga. Nói đúng hơn, nước Nga vĩ đại phải đối mặt trực tiếp và chú tâm vào thực tế là cả châu Âu và Trung Quốc đều hùng mạnh hơn họ về mặt kinh tế, và rằng Trung Quốc cũng đang đe dọa vượt mặt Nga trên con đường hiện đại hóa xã hội.
Trong hoàn cảnh này, giới lãnh đạo Nga nên nhìn nhận rõ ràng rằng ưu tiên hàng đầu của nước họ là hiện đại hóa chính nó thay vì gắn bản thân vào nỗ lực vô ích nhằm lấy lại địa vị siêu cường trước đây. Với kích thước khủng lồ và mức độ đa dạng lớn của đất nước, một hệ thống chính trị phi tập quyền, dựa trên thị trường tự do, có thể có khả năng giải phóng tiềm năng sáng tạo của cả người dân Nga và các nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn của đất nước. Nói cách khác, một nước Nga ít tập quyền hơn cũng sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn từ cám dỗ của chủ nghĩa đế quốc. Một liên bang Nga mềm dẻo (bao gồm một nước Nga châu Âu, một nền Cộng hòa Siberia và một nền Cộng hòa ở Viễn Đông) sẽ dễ dàng nuôi dưỡng các mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với châu Âu, với các quốc gia mới ở Trung Á, và với những nước phương Đông; nhờ đó thúc đẩy sự phát triển của chính nước Nga. Mỗi một thực thể liên bang sẽ có nhiều khả năng khai thác tiềm năng sáng tạo địa phương, vốn bị chôn vùi nhiều thế kỷ dưới bàn tay quan liêu nặng nề của Moscow.
Một lựa chọn rõ ràng cho Nga - như những gì châu Âu mong chờ, thay vì trở lại thành đế quốc - sẽ trở nên khả thi hơn nếu Mỹ theo đuổi thành công một thành phần cấp bách thứ nhì trong chiến lược của bản thân
đối với Nga: củng cố sự đa nguyên địa chính trị đang trỗi dậy ở không gian hậu Xô Viết. Sự củng cố đó sẽ làm thui chột bất kỳ tham vọng đế quốc nào. Một nước Nga hậu đế quốc và hướng về châu Âu nên thực sự coi nỗ lực Mỹ dành cho kết quả đó như là những trợ giúp nhằm củng cố sự ổn định trong khu vực và làm giảm nguy cơ xung đột dọc theo các biên giới mới phía nam vốn thường bất ổn. Nhưng chính sách củng cố đa nguyên địa chính trị không cần đòi hỏi mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Nói đúng