BALKAN CỦA KHU VỰC Á-ÂU
CUỘC CHIẾN ĐA PHƯƠNG
Balkan, truyền thống của châu Âu từng liên quan đến sự cạnh tranh trực diện giữa ba đối thủ đế quốc: Đế chế Ottoman, Đế quốc Áo-Hung và Đế quốc Nga. Ngoài ra còn có ba nước tham gia gián tiếp lo ngại rằng lợi ích châu Âu của họ sẽ chịu ảnh hưởng xấu do chiến thắng của một bên chủ đạo cụ thể gây ra: Đức e ngại sức mạnh của Nga, Pháp phản đối Áo-Hung, và Vương quốc Anh muốn thấy một Đế chế Ottoman suy yếu trong việc kiểm soát Dardanelles thay vì sự xuất hiện của bất kỳ địch thủ lớn nào khác có thể chi phối Balkan. Trong thế kỷ 19, các cường quốc này đã xoay sở để ngăn chặn xung đột ở Balkan mà không gây ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của bất kỳ ai, nhưng họ đã không làm như vậy vào năm 1914, và nhận về những hậu quả tai hại cho tất cả.
Ngày nay, cuộc cạnh tranh giữa các bên trong khu vực Balkan Á-Âu cũng liên quan trực tiếp đến ba cường quốc láng giềng: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, mặc dù Trung Quốc cuối cùng cũng có thể trở thành một bên chủ đạo. Cùng tham gia vào cuộc cạnh tranh, nhưng ở xa hơn, là Ukraine, Pakistan, Ấn Độ và nước Mỹ xa xôi. Mỗi trong số ba đối thủ chính và tham gia trực tiếp nhất không chỉ chịu sự thúc đẩy từ triển vọng lợi ích địa chính trị và kinh tế trong tương lai mà còn từ những động lực lịch sử mạnh mẽ. Mỗi bên vào lúc này hay lúc khác đã từng là cường quốc thống trị chính trị hoặc văn hóa trong khu vực. Mỗi bên nhìn bên còn lại bằng thái độ nghi ngờ. Mặc dù chiến tranh đối đầu giữa họ là không thể xảy ra, nhưng tác động tích dồn từ những cạnh tranh bên ngoài giữa họ có thể góp thêm phần vào sự hỗn loạn khu vực.
Trong trường hợp của người Nga, thái độ thù địch họ dành cho người Thổ Nhĩ Kỳ gây ám ảnh bao trùm. Các phương tiện truyền thông Nga miêu tả người Thổ Nhĩ Kỳ là có ý đồ nắm quyền kiểm soát khu vực này, là kẻ xúi giục kháng chiến địa phương chống Nga (với một số lý lẽ biện minh cho trường hợp của Chechnya), và đe dọa an ninh chung của Nga ở mức độ hoàn toàn vượt ngoài khả năng thực tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ Nhĩ Kỳ đáp lại bằng sự tử tế và xem vai trò của họ là người đã giải phóng anh em của mình khỏi sự áp bức kéo dài của Nga. Người Thổ Nhĩ Kỳ và người Iran (Ba Tư) cũng là đối thủ lịch sử trong khu vực, và sự cạnh tranh đó trong những năm gần đây đã được hồi sinh, với Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện hình
ảnh chuyển mình vừa hiện đại vừa thế tục so với quan niệm của Iran về một xã hội Hồi giáo.
Mặc dù mỗi bên có thể được cho là tìm kiếm ít nhất một phạm vi ảnh hưởng, nhưng trong trường hợp Nga, tham vọng của Moscow có sức lan tỏa rộng lớn hơn vì những ký ức tương đối mới mẻ về quyền lực đế quốc, sự hiện diện trong khu vực của hàng triệu người Nga, và mong muốn của Kremlin nhằm khôi phục nước Nga thành một cường quốc toàn cầu. Các tuyên bố chính sách đối ngoại của Moscow đã nói rõ rằng họ coi toàn bộ không gian của Liên Xô cũ là một khu vực lợi ích địa chiến lược đặc biệt của Kremlin, do đó ảnh hưởng chính trị và thậm chí kinh tế từ bên ngoài nên được loại trừ.
Ngược lại, mặc dù khát vọng ảnh hưởng khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn một số dấu tích của quá khứ đế quốc, tuy đã cũ hơn (Đế chế Ottoman đã đạt đến đỉnh cao vào năm 1590 với cuộc chinh phạt Caucasus và Azerbaijan, mặc dù không bao gồm Trung Á), nhưng lại có xu hướng bắt nguồn từ ý thức bản sắc ngôn ngữ dân tộc với các dân tộc gốc Thổ (Turk) trong khu vực (xem bản đồ ở dưới). Thổ Nhĩ Kỳ có sức mạnh chính trị và quân sự hạn chế hơn nhiều, việc đạt được phạm vi ảnh hưởng chính trị độc quyền đơn giản là không thể. Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ tự coi mình là nhà lãnh đạo tiềm năng của một cộng đồng rời rạc nói tiếng Turk, tận dụng đến cùng lợi thế đến từ sự hiện đại tương đối thu hút, từ mối quan hệ ngôn ngữ và phương tiện kinh tế của mình nhằm thiết lập thành lực lượng có ảnh hưởng nhất trong quá trình xây dựng quốc gia đang diễn ra trong khu vực.
Khát vọng của Iran vẫn còn mơ hồ, nhưng về lâu dài đe dọa không ít đến tham vọng của Nga. Đế chế Ba Tư là một ký ức xa xôi hơn nhiều, ở thời kỳ đỉnh cao, khoảng năm 500 TCN, đế chế này bao trùm cả lãnh thổ hiện tại của ba quốc gia Caucasus là Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan cùng với Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Li-băng và Israel. Mặc dù tham vọng địa chính trị hiện tại của Iran hẹp hơn Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu tập trung vào Azerbaijan và Afghanistan, toàn bộ dân số Hồi giáo trong khu vực, ngay cả trong chính nước Nga, cũng là đối tượng được Iran quan tâm về mặt tôn giáo. Thật vậy, sự hồi sinh của Hồi giáo ở Trung Á đã trở thành một phần có hệ thống trong khát vọng của những nhà cầm quyền Iran hiện tại.
Các lợi ích cạnh tranh của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran được thể hiện trên bản đồ ở trang 224: trong trường hợp sức ép địa chính trị của Nga, là hai mũi tên chĩa thẳng về phía nam vào Azerbaijan và Kazakstan; trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, là một mũi tên duy nhất hướng về phía đông băng qua Azerbaijan và Biển Caspi ở Trung Á; và trong trường hợp Iran, là hai mũi tên nhắm về phía bắc tại Azerbaijan và phía đông bắc tại Turkmenistan, Afghanistan và Tajikistan. Những mũi tên không chỉ lan tỏa; chúng có thể va chạm.
Ở giai đoạn này, vai trò của Trung Quốc còn hạn chế hơn và mục tiêu của nó ít rõ ràng hơn. Lý do là Trung Quốc thích đối mặt với một tập hợp quốc gia tương đối độc lập ở phương Tây thay vì đối đầu Đế quốc Nga. Ở mức tối thiểu, các quốc gia mới đóng vai trò là vùng đệm, nhưng Trung Quốc cũng lo lắng rằng các nhóm dân tộc thiểu số gốc Turk của họ ở Tân Cương sẽ nhận thấy ở các quốc gia Trung Á mới độc lập này một ví dụ hấp dẫn cho chính mình, và vì lý do đó, Trung Quốc đã tìm kiếm sự đảm bảo từ Kazakstan rằng hoạt động thiểu số xuyên biên giới sẽ bị đàn áp. Về lâu dài, các nguồn năng lượng của khu vực chắc chắn sẽ được Bắc Kinh quan tâm đặc biệt, và việc trực tiếp tiếp cận chúng (mà không chịu sự kiểm soát của Moscow) phải là mục tiêu trung tâm của Trung Quốc. Do đó, lợi ích địa chính trị tổng thể của Trung Quốc có xu hướng xung đột với mong muốn của Nga về vai trò thống trị và bổ sung thêm cho nguyện vọng của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Đối với Ukraine, các vấn đề trung tâm là vai trò tương lai của CIS và quyền tiếp cận tự do hơn với các nguồn năng lượng, điều này sẽ làm giảm bớt sự phụ thuộc của Ukraine vào Nga. Về vấn đề này, mối quan hệ chặt chẽ hơn với Azerbaijan, Turkmenistan và Uzbekistan đã trở nên quan trọng đối với Kiev. Ukraine hỗ trợ các quốc gia có tư tưởng trở nên độc lập hơn như là sự mở rộng các nỗ lực của họ nhằm tăng cường tính độc lập của chính mình đối với Moscow. Theo đó, Ukraine đã ủng hộ Georgia nỗ lực để trở thành con đường phía tây cho việc xuất khẩu dầu của người Azeri. Ukraine cũng đã hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở Biển Đen, ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ điều hướng các dòng chảy dầu từ Trung Á đến các cảng biển của nước này.
Việc Pakistan và Ấn Độ tham gia vào bối cảnh chung hiện vẫn còn xa, nhưng họ rõ ràng không hề thờ ơ với những gì có thể xảy ra ở các lãnh thổ mới thuộc Balkan Á-Âu. Đối với Pakistan, mối quan tâm hàng đầu là đạt được chiều sâu địa chiến lược thông qua ảnh hưởng chính trị ở Afghanistan, và để ngăn cản Iran thực thi những ảnh hưởng tương tự ở Afghanistan và Tajikistan, và cuối cùng hưởng lợi từ bất kỳ công trình đường ống nào nối liền Trung Á với Biển Ả Rập. Ấn Độ, để phản ứng với Pakistan và có thể lo ngại về ảnh hưởng tầm xa của Trung Quốc trong khu vực, xem ảnh hưởng của Iran ở Afghanistan và sự hiện diện lớn hơn của Nga trong không gian Liên Xô cũ theo hướng có lợi.
Mặc dù ở xa, Hoa Kỳ - với sự tham gia vào việc duy trì đa nguyên địa chính trị ở Á-Âu thời hậu Xô Viết, xuất hiện trong bối cảnh với vai trò ngày càng quan trọng như một bên tham gia gián tiếp - rõ ràng không chỉ quan tâm đến việc phát triển tài nguyên của khu vực mà còn ngăn chặn Nga độc quyền thống trị không gian địa chính trị ở đây. Bằng cách đó, Mỹ không chỉ theo đuổi các mục tiêu địa chiến lược Á-Âu lớn hơn mà còn đại diện cho lợi ích kinh tế ngày càng tăng của riêng mình, cũng như của châu Âu và Viễn Đông, bằng việc tiếp cận không giới hạn đến khu vực tính cho đến nay hẵng còn khép kín.
Do đó, các phần chính trong câu hỏi hóc búa này là sức mạnh địa chính trị, cơ hội tiếp cận với dồi dào tiềm năng lớn, khả năng hoàn thành các nhiệm vụ quốc gia và/hoặc tôn giáo, và an ninh. Tuy nhiên, trọng tâm đặc biệt của cuộc tranh giành nằm ở việc tiếp cận khu vực. Cho đến khi Liên Xô sụp đổ, Moscow đã độc quyền trong vấn đề này. Tất cả các tuyến đường sắt vận chuyển, đường ống dẫn khí đốt và dầu, thậm chí cả du lịch hàng không đều được hướng qua trung tâm. Các nhà địa chính trị Nga thích mọi thứ được giữ nguyên như cũ, vì họ biết rằng bất cứ ai kiểm soát hoặc chi phối quyền truy cập vào khu vực là người có khả năng giành được giải thưởng kinh tế và địa chính trị cao nhất.
Chính sự cân nhắc này đã làm cho vấn đề đường ống dẫn dầu trở nên rất quan trọng đối với tương lai của lưu vực Biển Caspi và Trung Á. Nếu các đường ống chính tiếp tục đi qua lãnh thổ Nga đến cửa cảng của Nga trên Biển Đen tại Novorossiysk, chuỗi hệ quả chính trị do tình trạng này khơi lên xem như đã được an bài, ngay cả khi Nga không có bất kỳ động
thái thị uy nào. Khu vực này sẽ vẫn là khu vực chịu phụ thuộc chính trị, với Moscow ở vào địa vị vững chắc nắm quyền ra quyết định chia sẻ sự giàu có mới của khu vực. Ngược lại, nếu có một đường ống khác đi qua Biển Caspi đến Azerbaijan và qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Địa Trung Hải, cùng một đường ống nữa qua Afghanistan đến Biển Ả Rập, sẽ không có thêm cường quốc nào được độc quyền tiếp cận nữa.
Thực tế đáng lo ngại là một số thành phần trong giới lãnh đạo chính trị Nga hành động như thể họ thích việc tài nguyên của khu vực hoàn toàn không được phát triển nếu Nga không thể kiểm soát hoàn toàn quyền tiếp cận. Họ muốn giữ sự giàu có này đóng cửa với việc khai thác nếu xuất hiện giải pháp thay thế là đầu tư nước ngoài dẫn đến sự hiện diện trực tiếp hơn của các nền kinh tế khác trong khu vực, và cùng với đó cũng là lợi ích chính trị. Thái độ độc quyền đó bắt nguồn từ lịch sử, chắc chắn sẽ mất thời gian và áp lực bên ngoài để thay đổi nó.
Sự bành trướng của Sa hoàng vào vùng Caucasus và Trung Á xảy ra trong thời gian khoảng ba trăm năm, nhưng cú kết thúc gần đây của nó đã đột ngột gây sốc. Khi Đế chế Ottoman suy giảm sức sống, Đế quốc Nga đã đẩy mạnh xuống phía nam, dọc theo bờ Biển Caspi về phía Ba Tư. Nó đã chiếm giữ Hãn quốc Astrakhan vào năm 1556 và đến Ba Tư năm 1607. Nó chinh phục Crimea năm 1774-1784, sau đó chiếm Vương quốc Georgia năm 1801 và áp đảo các bộ lạc trên dãy núi Caucasus (với người Chechen kiên cường kháng chiến) vào nửa sau thế kỷ 19, hoàn thành việc tiếp quản Armenia vào năm 1878.
Cuộc chinh phạt ở Trung Á không phải là vấn đề vượt mặt đế quốc đối thủ mà là để khuất phục các Hãn quốc và tiểu vương quốc phong kiến bán bộ lạc bị cô lập, chỉ có khả năng kháng cự lẻ tẻ và cô độc. Uzbekistan và Kazakstan được tiếp quản qua một loạt các cuộc thám hiểm quân sự trong khoảng thời gian 1801-1881, với Turkmenistan bị nghiền nát và hợp nhất trong các chiến dịch kéo dài (1873-1886). Tuy nhiên, đến năm 1850, cuộc chinh phạt hầu hết Trung Á chủ yếu đã hoàn thành, bất chấp những bùng phát kháng chiến địa phương xảy ra định kỳ ngay cả dưới thời Xô Viết.
Sự sụp đổ của Liên Xô đã tạo ra một sự đảo ngược lịch sử đầy kịch tính. Trong quá trình chỉ vài tuần vào tháng 12 năm 1991, không gian châu
Á của Nga đột nhiên bị thu hẹp khoảng 20% và dân số Nga được kiểm soát ở châu Á đã bị cắt giảm từ 75 triệu xuống còn khoảng 30 triệu. Ngoài ra, 18 triệu cư dân khác ở vùng Caucasus cũng bị tách khỏi Nga. Tình thế đảo ngược này càng gây đau đớn hơn cho giới lãnh đạo chính trị Nga khi họ nhận thức rằng tiềm năng kinh tế của các khu vực này hiện đang được các thế lực nước ngoài nhắm đến, với đầy đủ phương tiện tài chính để đầu tư, phát triển và khai thác nguồn tài nguyên mà đến gần đây chỉ có mình Nga độc quyền tiếp cận.
Tuy nhiên, Nga phải đối mặt với một vấn đề nan giải: quá yếu về mặt chính trị để hoàn toàn khóa chặt khu vực khỏi bên ngoài và quá nghèo về tài chính để tự mình phát triển khu vực. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo nhạy bén của Nga nhận ra rằng sự bùng nổ nhân khẩu học đang diễn ra ở các quốc gia mới khiến việc họ không thể duy trì tăng trưởng kinh tế cuối cùng sẽ tạo ra tình cảnh bùng nổ dây chuyền dọc theo toàn bộ biên giới phía nam của Nga. Những gì Nga trải qua ở Afghanistan và Chechnya có thể được lặp lại dọc theo toàn bộ đường biên giới kéo dài từ Biển Đen đến Mông Cổ, đặc biệt là sự hồi sinh của tính dân tộc và Hồi giáo đang diễn ra giữa các dân tộc từng bị khuất phục trước đây.
Theo đó, Nga phải bằng cách nào đó tìm ra cách thích nghi với thực tế hậu đế quốc mới - như nó tìm cách kiềm chế sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - để ngăn chặn các đối thủ chính thu hút các quốc gia mới về phía mình, cũng như ngăn cản sự hình thành của bất kỳ mối hợp tác khu vực Trung Á độc lập thực sự nào, và để hạn chế ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ tại các thủ đô mới có chủ quyền. Do đó, vấn đề không còn là sự khôi phục đế quốc thứ sẽ vô cùng tốn kém và bị phản đối quyết liệt mà thay vào đó là tạo ra một mạng lưới quan hệ mới có thể kìm hãm các quốc gia mới và duy trì vị thế kinh tế và địa chính trị thống trị của Nga.
Công cụ được lựa chọn để hoàn thành nhiệm vụ đó chủ yếu là CIS, mặc dù ở một số nơi, việc sử dụng quân đội Nga và vận dụng khéo léo kỹ năng ngoại giao của Nga để “chia rẽ và cai trị” cũng đã phục vụ lợi ích của Kremlin. Moscow đã sử dụng đòn bẩy của mình để tìm kiếm từ các quốc gia mới mức độ tuân thủ tối đa đối với tầm nhìn của họ về một “khối thịnh vượng chung” ngày càng được hợp nhất và đã thúc đẩy một hệ thống kiểm