CHIẾC NEO VIỄN ĐÔNG
TRUNG QUỐC: KHÔNG PHẢI TOÀN CẦU MÀ LÀ KHU VỰC
Lịch sử quốc gia là một trong những gì làm nên sự vĩ đại của Trung Quốc. Ở người dân Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc mãnh liệt hiện nay hẵng còn mới ở mức độ phổ biến xã hội, vì nó gắn kết sự tự nhận thức và cảm xúc của một số lượng lớn chưa từng có giữa những người Trung Quốc với nhau. Nó không còn là một hiện tượng bị giới hạn phần lớn trong giới sinh viên mà trong những năm đầu của thế kỷ 20 đã trở thành tiên nhân của cả Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bây giờ là một hiện tượng phủ khắp, khẳng định tư duy của nhà nước đông dân nhất thế giới.
Tư duy đó có nguồn gốc lịch sử rất xa xưa. Lịch sử đã khiến giới cai trị phong kiến nơi đây cho rằng Trung Quốc là trung tâm tự nhiên của thế
giới. Trên thực tế, cái tên Trung Quốc - Chung-kuo hay “Đế quốc Trung
tâm” - truyền đạt khái niệm về tính chất trung tâm của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới, khẳng định tầm quan trọng của sự thống nhất quốc gia. Viễn cảnh đó cũng bao hàm sự lan tỏa ảnh hưởng phân cấp từ trung tâm đến các vùng ngoại vi, và do đó Trung Quốc là trung tâm mong đợi sự kính trọng từ những nước khác.
Chưa kể, từ thời xa xưa, Trung Quốc, với dân số đông đảo, đã là một nền văn minh đặc sắc và đáng tự hào. Nền văn minh đó tiên tiến trong tất cả các lĩnh vực: triết học, văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng xã hội, phát minh kỹ thuật và quyền lực chính trị. Người Trung Quốc nhớ lại rằng cho đến khoảng năm 1600, nước họ dẫn đầu thế giới về năng suất nông nghiệp, đổi mới công nghiệp và mức sống. Nhưng không giống như các nền văn minh châu Âu và Hồi giáo, nơi đã sinh ra đến bảy mươi lăm quốc gia, Trung Quốc trong phần lớn lịch sử của mình vẫn được duy trì dưới một quốc gia
duy nhất, và tại thời điểm Mỹ tuyên bố độc lập, Trung Quốc đã có hơn 200 triệu người và cũng là cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới.
Từ triển vọng đó, Trung Quốc lao dốc khỏi sự vĩ đại, 150 năm hổ nhục vừa qua là một sự lầm đường, báng bổ phẩm chất đặc biệt của nước này và cũng là xúc phạm mỗi cá nhân Trung Quốc. Nó phải bị xóa bỏ, và thủ phạm đáng bị trừng phạt. Những thủ phạm này, ở các mức độ khác nhau, chủ yếu là bốn nước: Anh, Nhật Bản, Nga và Mỹ. Vương quốc Anh, vì cuộc Chiến tranh nha phiến kéo theo hậu quả là hạ nhục Trung Quốc; Nhật Bản, vì các cuộc chiến tranh áp bức kéo dài từ thế kỷ 19 đã gây ra những đau khổ mất mát khủng khiếp lên người dân Trung Quốc; Nga, vì những xâm lấn kéo dài vào lãnh thổ Trung Quốc ở miền Bắc; cuối cùng là Mỹ, thông qua việc hiện diện ở châu Á và sự hỗ trợ của Nhật Bản, làm cản trở tham vọng vươn ra bên ngoài của “Đế quốc Trung tâm”.
Theo quan điểm của Trung Quốc, có thể nói hai trong số bốn cường quốc này đã bị trừng phạt, xét trên phương diện lịch sử. Vương quốc Anh không còn là một đế quốc, việc lá cờ khối của Liên hiệp Anh bị hạ xuống ở Hồng Kông đã mãi mãi khép lại một chương đặc biệt đau đớn. Nga vẫn ở bên cạnh, tuy đã suy giảm nhiều về tầm vóc, uy tín và lãnh thổ. Chính Mỹ và Nhật Bản mới đặt ra những vấn đề nghiêm trọng nhất đối với Trung Quốc, và chính trong mối quan hệ tương tác với họ, vai trò khu vực và toàn cầu của Trung Quốc sẽ được xác định rõ ràng.
Tuy nhiên, định nghĩa đó trước tiên phụ thuộc vào chính cách Trung Quốc phát triển, vào mức độ sức mạnh kinh tế và quân sự mà nó thực sự đạt được. Về điểm này, tiên lượng cho Trung Quốc nói chung đầy hứa hẹn, mặc dù không phải không có một số bất trắc lớn kèm bằng chứng. Cả tốc độ tăng trưởng kinh tế và quy mô đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, mỗi thứ đều cao nhất thế giới, cung cấp cơ sở thống kê cho dự đoán tiêu chuẩn rằng trong vòng hai thập kỷ, Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc toàn cầu, ngang tầm với Hoa Kỳ và châu Âu (giả sử rằng cả hai sau đó hợp nhất và mở rộng hơn nữa). Sau đó, Trung Quốc có thể có GDP vượt xa đáng kể so với Nhật Bản, và nó đã vượt qua Nga một mức lớn. Động lực kinh tế đó sẽ cho phép Trung Quốc có được sức mạnh quân sự ở quy mô gây đe dọa tất cả các nước láng giềng, thậm chí ngay cả đối thủ xa hơn về mặt địa lý của tham vọng Trung Quốc. Được củng cố hơn nữa bởi sự hợp nhất với Hồng Kông và Macao, và có lẽ cuối cùng là sự phụ thuộc chính trị của Đài
Loan, một Đại Trung Hoa sẽ nổi lên không chỉ là quốc gia thống trị ở Viễn Đông mà còn là một cường quốc thế giới hàng đầu.
Dẫu vậy, có những cạm bẫy trong bất kỳ dự đoán nào đối với sự hồi sinh không thể tránh khỏi của “Đế quốc Trung tâm” như một thế lực trung tâm toàn cầu, trong đó rõ ràng nhất liên quan đến sự phụ thuộc máy móc vào dự báo thống kê. Đó là lỗi rất lớn đã xảy ra cách đây không lâu bởi những người tiên tri rằng Nhật Bản sẽ thay thế Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới và Nhật Bản được định sẵn là siêu cường mới. Viễn cảnh đó đã không tính đến cả yếu tố nhược điểm kinh tế của Nhật Bản và vấn đề gián đoạn chính trị, và một lỗi tương tự đang được lặp lại bởi lẽ những người tuyên bố hẳn thấy lo sợ sự nổi lên không thể tránh khỏi của Trung Quốc thành một cường quốc thế giới.
Trước hết, không chắc chắn rằng tốc độ tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc có thể được duy trì trong hai thập kỷ tới. Suy thoái kinh tế không thể được loại trừ, và chính điều đó sẽ làm mất độ tin cậy của việc tiên đoán quy ước. Trên thực tế, để các tỷ lệ này duy trì được trong một thời gian dài trong lịch sử sẽ đòi hỏi một sự kết hợp hoàn hảo bất thường giữa việc lãnh đạo quốc gia hiệu quả, ổn định chính trị, kỷ luật xã hội trong nước, tỷ lệ tiết kiệm cao, dòng đầu tư nước ngoài liên tục cao và sự ổn định khu vực. Làm được như vậy là cả một vấn đề.
Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng nhanh của Trung Quốc có khả năng làm phát sinh tác dụng phụ chính trị gây nguy cơ hạn chế quyền tự do hành động của nó. Tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc tăng lên ở mức vượt xa tốc độ sản xuất trong nước. Khoảng cách này sẽ càng rộng thêm trong mọi trường hợp, đặc biệt là nếu tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vẫn ở mức rất cao. Tương tự là trường hợp thực phẩm. Ngay cả khi mức độ tăng đã chậm lại, thì xét về mặt số tuyệt đối, tốc độ tăng dân số ở Trung Quốc vẫn bị xem là cao, kèm theo đó là tăng nhu cầu nhập khẩu thực phẩm vốn dĩ thiết yếu hơn đối với sức khỏe và sự ổn định chính trị nội bộ. Phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ không chỉ áp thêm căng thẳng lên các nguồn lực kinh tế Trung Quốc vì chi phí cao hơn, mà còn khiến Trung Quốc dễ bị ảnh hưởng hơn trước áp lực bên ngoài.
Về mặt quân sự, Trung Quốc phần nào đó có thể hội đủ điều kiện trở thành cường quốc toàn cầu, vì chính quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng
trưởng cao của nó sẽ cho phép các nhà lãnh đạo chuyển hướng một tỷ lệ đáng kể GDP của đất nước vào việc duy trì mở rộng và hiện đại hóa lực lượng vũ trang, bao gồm cả tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân chiến lược của riêng mình. Tuy nhiên, nếu nỗ lực đó là quá mức (và theo một số ước tính của phương Tây, vào giữa những năm 1990, nó đã tiêu thụ khoảng 20% GDP của Trung Quốc), nó có thể có tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn của Trung Quốc tương tự như nỗ lực cạnh tranh thất bại của Liên Xô trong cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ đã tác động lên nền kinh tế Liên Xô. Hơn nữa, một nỗ lực lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực này có thể sẽ tăng cường việc xây dựng lực lượng vũ trang đối kháng của Nhật Bản, từ đó gây hại đến một số lợi ích chính trị cho sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Và người ta không được bỏ qua thực tế là ngoài lực lượng hạt nhân của mình, Trung Quốc, trong thời gian tới, có khả năng sẽ thiếu phương tiện để dự phóng sức mạnh quân sự vượt ra ngoài phạm vi khu vực.
Căng thẳng tại Trung Quốc cũng có thể gia tăng, do sự không đồng đều không thể tránh khỏi của tăng trưởng kinh tế đang ngày càng tăng tốc với động lực thúc đẩy mạnh mẽ là hoạt động khai các vùng đất lợi thế cận biên giới chưa có người ở. Vùng duyên hải phía nam và phía đông cũng như các trung tâm đô thị chính, dễ dàng tiếp cận với đầu tư bên ngoài và thương mại nước ngoài hơn, cho đến nay vẫn là những vùng hưởng lợi chính từ sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Trung Quốc. Ngược lại, khu vực nông thôn nội địa nói chung và một số khu vực xa xôi hẻo lánh bị tụt lại phía sau.
Những phẫn nộ trước mức độ chênh lệch giữa các khu vực có thể sẽ tác động đến sự bức bối sẵn có nhắm vào bất bình đẳng xã hội. Tăng trưởng nhanh chóng làm gia tăng khoảng cách xã hội trong phân phối của cải tại Trung Quốc. Tại một số điểm, dù cho vì chính phủ muốn tìm cách hạn chế sự khác biệt đó, hoặc do sự phẫn nộ của xã hội từ bên dưới, sự chênh lệch khu vực và khoảng cách giàu nghèo có thể lần lượt ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của đất nước.
Lý do thứ hai cho sự hoài nghi thận trọng liên quan đến lời tiên đoán lan truyền về việc Trung Quốc sẽ nổi lên trong một phần tư thế kỷ tới thành cường quốc thống trị trong các vấn đề toàn cầu, tất nhiên là về tương lai của nền chính trị Trung Quốc. Đặc tính năng động của sự chuyển
đổi kinh tế phi chủ nghĩa Trung Quốc, bao gồm cởi mở xã hội với phần còn lại của thế giới, về lâu về dài không tương thích với thiết chế chính trị tương đối khép kín và quan liêu. Giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc vẫn được tổ chức như một hệ thống phân cấp cứng nhắc, kỷ luật và độc tài, về hình thức vẫn tuyên bố trung thành vào một thứ giáo điều được xem như sự biện minh cho quyền lực của mình, nhưng cũng đồng thời không còn thực hiện thứ giáo điều này trong xã hội nữa. Vào một lúc nào đó, hai xu hướng đối nghịch này có thể va chạm trực diện với nhau, trừ khi chính trị Trung Quốc bắt đầu thích nghi dần với những đòi hỏi về mặt xã hội mà nền kinh tế Trung Quốc đặt ra.
Do đó, vấn đề dân chủ hóa không thể né tránh vô thời hạn, trừ khi Trung Quốc đột nhiên đưa ra quyết định tương tự vào năm 1474: cô lập chính mình khỏi thế giới. Để làm được vậy, Trung Quốc sẽ phải gọi về hơn bảy mươi ngàn sinh viên hiện đang học tập tại Mỹ, trục xuất các doanh nhân nước ngoài, tắt máy tính và đập phá hết các đĩa truyền hình vệ tinh ở hàng triệu ngôi nhà. Đó sẽ là một hành động điên rồ, gợi nhớ Cách mạng Văn hóa.
Trong mọi trường hợp, tự cô lập nghĩa là chấm dứt mọi khát vọng nghiêm túc của Trung Quốc cho không chỉ quyền lực toàn cầu mà còn đối với tính ưu việt trong khu vực. Hơn nữa, đất nước này hiện tiếp cận quá sâu rộng với thế giới bên ngoài, một thế giới đơn giản là đã xâm nhập quá sâu nên không thể bị loại trừ dễ dàng và dứt khoát khỏi đời sống nội tại ở Trung Quốc như những gì xảy ra tại thời điểm năm 1474. Vì lẽ đó, không có sự thay thế thực tiễn nào ngoài việc Trung Quốc phải tiếp tục mở ra với thế giới, xét trên phương diện hiệu quả kinh tế lẫn tính khả thi về chính trị.
Dân chủ hóa vì thế sẽ ngày càng ám ảnh Trung Quốc. Cả vấn đề này lẫn câu hỏi liên quan về quyền con người đều không thể trốn tránh quá lâu. Sự tiến bộ trong tương lai của Trung Quốc, cũng như sự nổi lên của nó như một cường quốc, do đó sẽ phụ thuộc một mức độ lớn vào việc giới lãnh đạo Trung Quốc xử lý khéo léo hai vấn đề liên quan đến quyền lực, từ thế hệ cầm quyền đến thế hệ trẻ hơn, và đối phó với căng thẳng ngày càng tăng giữa các hệ thống kinh tế và chính trị của đất nước.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lẽ đã thành công trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi chậm chạp và có biến chuyển sang chế độ độc tài bầu
cử rất hạn chế, trong đó một số lựa chọn chính trị cấp thấp được khoan nhượng, và từ đó chuyển sang chủ nghĩa đa nguyên chính trị thực sự hơn, bao gồm bước đầu nhấn mạnh hơn vào sự cai trị bằng hiến pháp. Một quá trình chuyển đổi có kiểm soát như vậy sẽ tương thích với sự khẩn thiết của động lực kinh tế ngày càng mở rộng của đất nước hơn là kiên trì duy trì sự chuyên quyền hoàn toàn của Đảng đối với quyền lực chính trị.
Để thực hiện dân chủ hóa một cách có kiểm soát như vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải được lãnh đạo với kỹ năng phi thường, được dẫn dắt bởi ý thức thông thường thực dụng, phải tương đối đoàn kết và sẵn sàng giành lấy một số độc quyền về quyền lực trong khi dân số đông đảo sẽ phải đồng thời kiên nhẫn và dễ thấy thỏa mãn. Đó là tình huống khéo léo được chứng minh khó có thể đạt được. Kinh nghiệm dạy rằng áp lực của sự dân chủ hóa đến từ bên dưới, từ những người cảm thấy bị đàn áp về chính trị (trí thức và sinh viên) hoặc bị bóc lột về kinh tế (tầng lớp lao động thành thị mới và người nghèo ở nông thôn), thường có xu hướng bỏ qua những bằng lòng mà giới cai trị trao cho. Tại một số điểm, sự bất mãn về mặt chính trị và xã hội ở Trung Quốc có khả năng kết hợp thành lực lượng để đòi hỏi dân chủ, tự do ngôn luận và tôn trọng quyền con người hơn. Điều đó đã không xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, nhưng nó có thể sẽ xảy ra trong tương lai.
Theo đó, sẽ khó có khả năng Trung Quốc tránh khỏi một giai đoạn bất ổn chính trị. Điều này, ngay cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như cũng đoán trước được1. Một số chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thậm chí còn tiên đoán rằng nước này có thể quay trở về một chu kỳ lịch sử phân chia nội bộ của chính nó, do đó ngăn cản Trung Quốc tiến đến sự vĩ đại hoàn toàn. Nhưng xác suất của một tình huống cực đoan như vậy bị giảm đi do tác động song sinh của chủ nghĩa dân tộc đại chúng và truyền thông hiện đại, cả hai đều hoạt động có lợi cho một nhà nước Trung Quốc thống nhất.
Cuối cùng, có một lý do thứ ba nữa cho sự hoài nghi về triển vọng nổi lên của Trung Quốc trong vòng hai mươi năm tới như một cường quốc, hay đối với một số người Mỹ, một thế lực đe dọa toàn cầu. Ngay cả nếu Trung Quốc tránh được những gián đoạn chính trị nghiêm trọng và ngay cả nếu bằng cách nào đó, họ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cực