Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glocose máu do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc về cả hai. Tăng glucose máu trong một thời gian dài gây ra những bất thường về chuyển hóa carbohydrate, lipid và protein. Bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch do hậu quả của xơ vữa động mạch [10], [13]. Bệnh ĐTĐ được phân thành 2 tuýp 1 và 2.
ĐTĐ tuýp 1 do tế bào beta bị phá hủy nên bệnh nhân không còn hoặc còn rất ít insulin chủ yếu do bệnh tự miễn (95%) hoặc vô căn (5%). Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, người lớn tuổi có thể bị ĐTĐ tự miễn diễn biến chậm, tình trạng thiếu insulin sẽ nặng dần theo thời gian. Người bệnh cần insulin để ổn định glucose máu, nếu để thiếu hụt sẽ dẫn đến tăng glucagon trong máu và không có thuốc điều trị sẽ bị nhiễm toan ceton. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến ĐTĐ tuýp 1 có thể là do di truyền như kiểu gen của cha, mẹ hoặc do môi trường như nhiễm các loại vi rút quai bị, rubella, thuốc diệt chuột [13].
ĐTĐ tuýp 2 hay còn gọi là ĐTĐ người lớn, là tình trạng phổ biến chiếm đến 95% các trường hợp ĐTĐ hiện nay. Sự bùng phát nhanh chóng của bệnh ĐTĐ cũng trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển ở Nam Á kể cả Ấn Độ. Cơ chế bệnh sinh của thể bệnh này không phụ thuộc vào insulin nên không có sự phá hủy tế bào beta do tự miễn và cũng không có kháng thể tự miễn trong máu. Đa số bệnh nhân có béo phì hoặc thừa cân, béo phì vùng bụng hoặc có vòng eo to. Các mô mỡ tiết ra một số hormon làm giảm tác dụng của insulin tại một số cơ quan đích như gan, tế bào mỡ, tế bào cơ gọi là tình trạng đề kháng insulin tại các cơ quan đích. Nếu để tình trạng đề kháng insulin kéo dài hoặc nặng thêm thì tế bào beta sẽ không tiết đủ insulin và ĐTĐ tuýp 2 lâm sàng sẽ xuất hiện. Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến gia tăng tỷ lệ ĐTĐ tuýp 2 như tuổi, béo phì, ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng, giàu carbohydrat, ít vận động, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, sắc tộc…Yếu tố di truyền ảnh hưởng mạnh
trong ĐTĐ tuýp 2 có thể do ảnh hưởng của nhiều gen chi phối. Hầu hết người bị ĐTĐ tuýp 2 đều có người thân bị ĐTĐ, tỷ lệ cùng bị ĐTĐ tuýp 2 của 2 người sinh đôi cùng trứng lên đến 90%... [13], [14].
Đặc điểm quan trọng nhất trong sinh lý bệnh đái tháo đường tuýp 2 là có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường. Yếu tố môi trường làm cho tình trạng bệnh tăng nặng hơn, biến chứng nhanh hơn. Trong đó nhóm yếu tố môi trường lại hoàn toàn giống với hội chứng rối loạn lipid máu. Đó là lối sống ít vận động nên ít tiêu hao năng lượng, chế độ ăn uống ít chất xơ nhưng giàu tinh bột gây dư thừa năng lượng, ăn nhiều loại thức ăn giàu carbohydrate hấp thu nhanh như bánh, kẹo, nước ngọt, chất béo bão hòa, bị stress… Ngoài ra còn có yếu tố môi trường không can thiệp được đó là tuổi thọ, tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Chính vì vậy, khi thay đổi được yếu tố môi trường thì không những gia hạn được thời gian xảy ra biến chứng mà chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa cũng được cải thiện hơn.
ĐTĐ và RLLPM là 2 trong số các BKLN phổ biến và cũng là hai yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch phổ biến hiện nay. Trong khi các bệnh lây nhiễm đang ngày càng được đẩy lùi nhờ sự tiến bộ của khoa học y học như phát triển các thuốc đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh thì các BKLN ngày càng gia tăng do không có vắc xin phòng bệnh. Nếu như các bệnh lây nhiễm có nguyên nhân rõ ràng như vi rút HBV, HCV gây bệnh viêm gan B, C, virút HPV gây bệnh ung thư cổ tử cung…thì các BKLN không có một nguyên nhân cụ thể rõ ràng nào mà gồm các nhóm yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh. Nhóm yếu tố nguy cơ về hành vi lối sống (dinh dưỡng không hợp lý, ít ăn các chất xơ, vitamin…, thói quen ăn uống không phù hợp, sử dụng các thức ăn có nhiều chất dầu mỡ, giàu năng lượng, thói quen hút thuốc lá, sử dụng các chất rượu bia mức nguy hại, thói quen lười vận động...). Đây là nhóm nguy cơ nguy hiểm nhất nhưng có thể thay đổi được. Nhóm nguy cơ thứ hai là môi trường gồm có môi trường vềvật chất, kinh tế, chính trị, xã hội…Và nhóm thứ ba là nhóm nguy cơ không thay đổi được (tuổi, giới tính, sắc tộc…).
Như vậy, mặc dù RLLPM và ĐTĐ là 2 bệnh khác nhau và đều là yếu tố nguy cơ độc lập đối với các bệnh lý tim mạch nhưng có điểm chung về nguyên nhân gây bệnh, đó là nhóm các yếu tố môi trường bao gồm các hành vi, thói quen không hợp lý. Vì vậy nếu chúng ta thay đổi hành vi lành mạnh hơn, thói quen hợp lý hơn thì không chỉ phòng ngừa được một bệnh mà các bệnh rối loạn chuyển hóa khác cũng có thể được hạn chế, phòng ngừa và chuyển biến tích cực hơn.