- Từ dữ liệu thu được, xác định tỷ lệ % những người bị rối loạn ít nhất 1 thành phần lipid máu và tỷ lệ % người mắc đái tháo đường dựa vào định nghĩa theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội tiết – chuyển hóa của Bộ Y tế [10]: TC > 5,2 mmol/L (200mg/dL), TG > 1,72 mmol/L (150mg/dL),
LDL-c > 2,58mmol/L (100mg/dL), HDL-c < 1,03mmol/L (40 mmol/L) và Glucose ≥ 7mmol/l.
- Trong số những người bị rối loạn lipid máu, mô tả đặc điểm rối loạn bằng cách xác định tỷ lệ % bệnh nhân có rối loạn kiểu từng thành phần lipid đơn lẻ (CT, TG, HDL-c và LDL-c) và kiểu phối hợp các thành phần lipid (từ 2 thành phần lipid trở lên).
- Mô tả sự tương quan giữa rối loạn lipid máu với các yếu tố giới tính, nhóm tuổi, tình trạng đái tháo đường và vùng sinh sống.
- Về cách phân chia các nhóm tuổi trong nghiên cứu, do không có quy định về cách phân chia độ tuổi RLLPM nên để có sự tương đồng với các nghiên cứu trước đó của các tác giả khác cũng như các yếu tố về sinh lý (tiền mãn kinh, mãn kinh…), các yếu tố về xã hội (độ tuổi lao động, nghỉ hưu), các thói quen sinh hoạt thường gặp…tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu phân độ tuổi thành 6 nhóm: bằng hoặc dưới 18 tuổi, từ 19 – 30, từ 31 – 40, từ 41 – 50, từ 51 – 60 và nhóm từ 61 tuổi trở lên.
- Bởi vì rối loạn lipid máu và đái tháo đường là các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch nên chúng tôi sử dụng chỉ số thống kê RR để kiểm định mối liên hệ giữa các yếu tố nguy cơ này [56].
- Công thức tính tỷ số nguy cơ RR như sau: RR = p1/p2,
Trong đó p1 và p2 là nguy cơ mắc bệnh của nhóm bệnh và nhóm chứng được tính theo công thức:
P1=k1/n1 và P2 = k2/n2, k1 là số bệnh nhân mắc bệnh trong nhóm bệnh (n1) và k2 là số bệnh nhân mắc bệnh trong nhóm chứng (n2).
Nếu RR > 1: yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh;
Nếu RR = 1: không có mối liên hệ nào giữa yếu tố nguy cơ và khả năng mắc bệnh;
Nếu RR<1: yếu tố nguy cơ làm giảm khả năng mắc bệnh.
- Các chỉ số sử dụng trong nghiên cứu: Giới tính, tuổi, vùng địa lý, chỉ số cholesterol total, HDL-c, LDL-c, triglycerid và glucose.