NHNN VIỆT NAM
Như những phân tích trong chương 2, Việt Nam hiện tại còn thiếu các điều kiện để có thể thực thi CSLPMT một cách hiệu quả. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế như đã được nêu ra ở chương 1 cho thấy việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện này trước khi áp dụng lạm phát mục tiêu trong điều hành CSTT không phải là một yếu tố bắt buộc. Phần lớn các quốc gia đã bắt đầu áp dụng những biến thể của CSLPMT, hay còn gọi là các CSLPMT ngầm định, ngay trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi chính thức đưa lạm phát mục tiêu vào thực thi nhằm chuẩn bị các điều kiện cơ bản. Trong giai đoạn này, các mức lạm phát mục tiêu có thể được theo đuổi mà không cần công bố với công chúng, hoặc công bố nhưng với mức cam kết thấp, hoặc công bố nhưng theo đuổi cùng với các mục tiêu khác, đồng thời các mục tiêu trung gian như cung tiền, tỷ giá... vẫn tiếp tục được sử dụng thay vì hoàn toàn điều hành qua kênh lãi suất. Với thực trạng Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều điều kiện như hiện nay, việc thực thi lạm phát mục tiêu chính thức là rất khó khăn, nhưng việc bắt đầu sử dụng một CSLPMT ngầm định là hoàn toàn có thể thực hiện ngay từ bây giờ. Thời gian cho quá trình chuyển tiếp phụ thuộc vào vị thế ban đầu và khả năng của từng quốc gia, tuy nhiên thông thường các quốc gia không để giai đoạn này quá dài. Tô Thị Ánh Dương (2012) và Nguyễn Thị Hiền (2015) đều đề xuất giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 5 - 6 năm.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện việc công bố mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới một ngưỡng nhất định vào đầu mỗi năm. Thực chất có thể coi đây chính là một yếu tố của lạm phát mục tiêu ngầm định. Do khả năng dự báo của NHNN còn hạn chế, điều kiện kinh tế còn dễ biến động, đồng thời các cơ chế thị trường chưa được hoàn chỉnh khiến các tín hiệu thị trường chưa đầy đủ và rõ ràng, NHNN có thể thực thi lạm phát mục tiêu ngầm định thông qua việc tiếp tục công bố mục tiêu lạm phát trong ngắn hạn (trong vòng 1 năm) vào đầu mỗi năm, nhưng thay vì chỉ đặt ra một giới hạn lạm phát thì nên đặt ra một giá trị cụ thể và một biên độ sai lệch nhất định. Mức biên độ này có thể đặt rộng trong những năm đầu tiên, nhưng cùng với công tác hoàn thiện các
điều kiện áp dụng CSLPMT thì mức biên độ sẽ dần thu hẹp, cùng với giá trị trung tâm của mục tiêu giảm dần. Nghiên cứu của Tô Thị Ánh Dương (2012) cũng đã đề xuất trong 5 năm đầu tiên nên đặt mục tiêu ở mức 6% +/- 2%và trong các năm sau là 4% +/- 1%.
Song song với việc đặt một mức mục tiêu lạm phát ngắn hạn, NHNN cũng cần bắt đầu điều chỉnh dần phương pháp điều hành chính sách. Hiện tại việc điều hành CSTT dựa trên sự phối nghiệp vụ thị trường mở điều chỉnh M2 và các mức lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn điều chỉnh lãi suất. Do CSLPMT sẽ sử dụng công cụ điều hành chính là lãi suất, trong thời kỳ chuyển tiếp kéo dài 5 năm NHNN sẽ cần tích cực tăng cường khả năng điều hành lãi suất và hạn chế dần điều hành khối lượng tiền, tiến tới hoàn toàn chỉ sử dụng công cụ lãi suất khi áp dụng chính thức CSLPMT. Các công cụ trực tiếp cũng cần được hạn chế, thông qua dần gỡ bỏ các mức trần lãi suất hiện nay.
Cũng trong giai đoạn chuyển tiếp này, Nhà nước cần tích cực triển khai hoàn thiện các điều kiện còn thiếu để chính thức áp dụng CSLPMT. Trong phần tiếp theo khóa luận sẽ đề xuất những giải pháp để hoàn thiện các điều kiện này tại Việt Nam.