Trong DHLS, đóng vai có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc rèn luyện KNS cho học sinh, phát triển kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình…khơi gợi hứng thú học tập, học sinh thể hiện năng khiếu nghệ thuật của bản
thân. Đây là biện pháp nhằm giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách tập trung vào một sự việc cụ thể mà các em vừa thực hiện hoặc quan sát được.
Có thể tiến hành đóng vai theo các bước sau:
Bước 1: Giáo viên chia nhóm và giao tình huống, yêu cầu đóng vai cho từng nhóm. Trong đó có quy định rõ thời gian chuẩn bị, thời gian đóng vai của mỗi nhóm. GV bố trí người dẫn chuyện để bài dạy logic hơn.
Bước 2: Lớp thảo luận, tìm phương án về cách ứng xử và cảm xúc của các vai diễn; về ý nghĩa của các cách ứng xử.
Bước 3: Các bạn được phân vai bắt đầu thể hiện phần diễn của mình. Cả lớp theo dõi để nhận xét và chia sẻ.
Bước 4: GV nhận xét, đánh giá và nêu những bài học lịch sử bổ ích, vận dụng vào thực tế cuộc sống giúp HS nhận thức được những KNS cần thiết trong cuộc sống .
Ví dụ khi dạy bài 19: Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X-XV. GV lựa chọn biện pháp đóng vai trong DHLS ở cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý, chống Mông - Nguyên thời Trần, chống Minh. GV bố trí người dẫn chuyện sau mỗi chiến thắng của quân dân ta, giúp cho bài dạy logic để kết nối quá khứ lịch sử đưa đến hiệu quả tư duy cao hơn.
Bước 1: GV chia nhóm, giao nhiệm vụ từng nhóm.
- Nhóm 1: Đóng vai Lý Thường Kiệt để giải thích tại sao ông lại đưa ra chủ trương: “Tiên phát chế nhân” và kể lại cuộc kháng chiến chống Tống trên đất Tống của nhà Lý.
- Nhóm 2: Hãy tưởng tượng mình đang tham gia vào cuộc kháng chiến chống Tống trên dòng sông Như Nguyệt 1077 và kể lại cuộc kháng chiến đó.
- Nhóm 3: Hãy tưởng tượng mình đang tham gia vào Hội nghị Diên Hồng để bàn về đánh hay hàng trước sự xâm lược của quân Mông- Nguyên và kể lại cuộc kháng chiến chống quân Mông- Nguyên.
- Nhóm 4: Đóng vai quân Minh và kể lại chiến thắng Chi Lăng- Xương Giang và hành động của nghĩa quân Lam Sơn khi tha chết, cấp ngựa, thuyền cho quân Minh.
Bước 2: Các nhóm thảo luận. Các thành viên đều hợp tác với nhau để bài dạy đạt hiệu quả cao.
Bước 3: Các bạn được phân vai bắt đầu thể hiện phần diễn của mình. Các nhóm khác theo dõi để nhận xét và chia sẻ.
Bước 4: GV nhận xét, đánh giá và nêu những bài học lịch sử bổ ích, vận dụng vào thực tế cuộc sống giúp HS nhận thức được những KNS cần thiết trong cuộc sống .
Qua việc nhập vai nhân vật trong lịch sử, HS được trải nghiệm, được tự nhận thức , giao tiếp, tự giải quyết vấn đề để thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực. Từ đó nhận thức đúng đắn hơn về chiến tranh- hòa bình, về lòng bao dung, nhân ái, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.
Hoặc khi dạy học bài 23: Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc cuối thế kỉ XVIIII. GV lựa chọn hình thức đóng vai khi dạy phần cuộc kháng chiến chống Thanh. GV phân công người dẫn chuyện để bài dạy logic.
Bước 1: Chia nhóm và giao nhiệm vụ từng nhóm:
Nhóm 1: Đóng vai Lê Chiêu Thống và cầu cứu nhà Thanh chống quân Tây Sơn.
Nhóm 2: Đóng vai vua Thanh và ra quyết định đem 29 vạn quân sang xâm lược nước ta.
Nhóm 3: Đóng vai Nguyễn Huệ với quyết tâm kháng chiến chống 29 vạn quân Thanh năm 1789 và vua Quang Trung khi đọc hiểu dụ thể hiện quyết tâm đánh bại quân Thanh.
Nhóm 4: Hãy tưởng tượng mình là người lính Tây Sơn và kể lại quyết tâm chống Thanh khi nghe lời hiểu dụ của Vua Quang Trung cùng cuộc chiến đấu bảo vệ Thăng Long năm 1789.
Bước 2: Các nhóm thảo luận, phân công nhóm trưởng và nhiệm vụ của các thành viên trong nhóm.
Bước 3: Các nhóm thể hiện phần diễn của mình. Các nhóm khác theo dõi để nhận xét, chia sẻ, rút ra bài học cho bản thân.
Bước 4: GV nhận xét, đánh giá và nêu những bài học lịch sử bổ ích, vận dụng vào thực tế cuộc sống giúp HS nhận thức được những KNS cần thiết trong cuộc sống.
Như vậy, việc tổ chức đóng vai phải được tiến hành tùy vào từng đối tượng HS, nội dung của từng bài. Bởi trong học tập, không phải mọi tri thức, kỹ năng, thái độ đều được hình thành bằng những hoạt động độc lập cá nhân. Lớp học là môi trường giao tiếp trò - trò, thầy - trò, tạo nên mối quan hệ hợp tác trên con đường lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng. Học tập hợp tác làm tăng hiệu quả học tập, phát triển tình bạn, thể hiện được tính cách, có ý thức tổ chức, tinh thần tương trợ, học sinh phát huy được năng khiếu nghệ thuật ... Trong quá trình thảo luận, diễn thì GV
phải là người đóng vai trò chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn, gợi mở, dẫn dắt, phân chia nhóm phải hợp lý, khoa học.