2. Hoạt động M&A tại Việt Nam
2.1.6. Quy trình giao dịch hiện tại
Việc thực hiện giao dịch M&A tại Việt Nam hiện nay chưa có một quy chuẩn cụ thể. Mặc dù nhu cầu mua bán doanh nghiệp hiện nay khá lớn nhưng tỷ lệ giao dịch thành công lại thấp. Nguyên do là cả người bán và người mua đều chưa có nhiều thông tin, hiểu biết về các điều kiện, thủ tục sáp nhập và mua lại, khiến quá trình M&A gặp nhiều khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian. Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là do doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn, môi giới trong khi hầu hết các hoạt động mua bán doanh nghiệp, sáp nhập doanh nghiệp đều đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà tư vấn, môi giới chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực như luật sư, ngân hàng... Kết quả là các vụ M&A thời gian qua chủ yếu diễn ra nhờ quá trình tìm hiểu, đàm phán của các đối tác riêng rẽ.
Các giao dịch sáp nhập, hợp nhất có bên mua là các doanh nghiệp nước ngoài thì tình hình có khả quan hơn vì các doanh nghiệp này đều ít nhiều có kiến thức về quy trình giao dịch. Hơn nữa họ đều thuê chuyên gia tư vấn để đảm bảo thực hiện thành công. Trong trường hợp này M&A được thực hiện theo thông lệ chung trên thế giới. Quá trình này cũng không tránh khỏi một số khúc mắc từ sự khác biệt trong khung pháp lý cũng như thông lệ kinh doanh. Hơn nữa M&A lại là một loại hình giao dịch hết sức cá biệt hóa. Quy trình giao dịch M&A giữa các doanh nghiệp cụ thể trong từng trường hợp cụ thể cũng hết sức khác nhau.
Tỷ lệ thành công của các giao dịch M&A hiện nay vào khoảng 35%. Thông thường, mỗi giao dịch mua bán, sáp nhập kéo dài từ 7 tới 9 tháng.