Khoảng trống nghiên cứu

Một phần của tài liệu LA_LeHungSon (Trang 25 - 27)

Sau khi tổng hợp những nghiên cứu trên, tác giả đã rút ra một số vấn đề cơ bản như sau:

+ Hầu hết các nghiên cứu về sự hài lòng trong lĩnh vực y tế và BHYT đều lấy mô hình SERVQUAL làm cơ sở lý thuyết để xây dựng mô hình, sau đó có những điều chỉnh thích hợp. Do mục tiêu của luận án này là nghiên cứu mức độ hài lòng về chất lượng dịch vụ BHYT của người tham gia BHYT, tác giả quyết định sử dụng mô hình SERVQUAL làm cơ sở lý thuyết. Mặc dù vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm nhưng mô hình lý thuyết này được áp dụng rất rộng rãi trong các nghiên cứu cả trong nước và

nước ngoài để phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ. BHYT là một dịch vụ công có tính chất đặc biệt, hơn nữa chính sách cũng như mô hình tổ chức thực hiện BHYT là rất khác nhau giữa các quốc gia, nên không thể có một mô hình chung để đánh giá sự hài lòng về chất lượng dịch vụ BHYT. Do đó, dựa trên những nghiên cứu đã có về sự hài lòng và chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực dịch vụ y tế và những đặc điểm của chính sách BHYT ở Việt Nam, tác giả sẽ có những thay đổi và điều chỉnh trong mô hình nghiên cứu.

+ Theo hiểu biết của tác giả, số lượng những nghiên cứu về sự hài lòng trong lĩnh vực BHYT ở Việt Nam còn rất hạn chế. Mặc dù đã có một số nghiên cứu như đã trình bày ở trên, nhưng phần lớn những nghiên cứu này đều chỉ tập trung vào nhóm đối tượng ở một cơ sở y tế nhất định, chưa đại diện cho tổng thể người tham gia BHYT trên cả nước như: Vũ Hồng Thái và cộng sự (2006), Trương Ngọc Hải và cộng sự (2011), Hồng Hà và Thu Hiển (2012). Nghiên cứu của Phạm Văn Hùng và các cộng sự (2016) có mẫu khảo sát rộng tập trung tại 6 tỉnh/ thành phố nhưng phương pháp nghiên cứu chỉ dừng lại ở thống kê miêu tả, chưa xây dựng được mô hình hồi quy để đánh giá tác động của các nhân tố đến mức độ hài lòng của bệnh nhân. Nghiên cứu của Tăng Thị Lưu (2012) có phương pháp nghiên cứu tương đối hoàn chỉnh, đã xây dựng và kiểm định thang đo nghiên cứu để làm rõ những nhân tố nào tác động đến sự hài lòng về bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, đồng thời xây dựng mô hình hồi quy mức độ tác động của những nhân tố này. Tuy nhiên, nghiên cứu này có kích cỡ mẫu nhỏ và chỉ tập trung tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, chưa thể đại diện cho người tham gia BHYT trên cả nước. Hơn nữa, các nghiên cứu này đều tập trung phân tích đánh giá sự hài lòng về dịch vụ y tế và bệnh viện. Chất lượng dịch vụ BHYT không chỉ bao gồm dịch vụ y tế và bệnh viện, mà còn thể hiện ở một số nội dụng về thanh toán tiền BHYT, phạm vi thuốc và vật tư y tế được chi trả, tiếp cận BHYT, khiếu nại về BHYT, v.v... Đây chính là khoảng trống để tác giả thực hiện nghiên cứu.

+ Mẫu nghiên cứu của luận án được thực hiện ở ba thành phố: Hà Nội, Huế và Hồ Chí Minh với vị trí địa lý ở cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đây là những trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, là đầu não của cả nước. Tại các đô thị này cũng tập trung rất nhiều người dân từ các vùng miền khác nhau đến sinh sống và làm việc, với sự đa dạng về thu nhập, trình độ học vấn, văn hóa,…Hơn nữa, các cơ sở KCB tuyến cao nhất cũng tập trung ở đây những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính mà cơ sở tuyến dưới không giải quyết được phải giới thiệu lên tuyến trên. Do đó việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về chất lượng dịch vụ BHYT không chỉ có ý nghĩa nghiên cứu tại những thành phố này mà còn có ý nghĩa nghiên cứu cho cả đất nước.

Một phần của tài liệu LA_LeHungSon (Trang 25 - 27)