Từ thực tiễn về chính sách và tổ chức triển khai chính sách BHYT của một số nước trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
+ Việc thiết kế, xây dựng chính sách BHYT phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa và nhận thức của người dân ở từng quốc gia. Không thể có một mô hình BHYT theo mẫu chung áp dụng cho tất cả mọi quốc gia. Nghiên cứu chính sách BHYT của nước ngoài sẽ giúp tìm ra những điểm hợp lý có thể áp dụng vào thực tiễn
ở Việt Nam.
+ Nhà nước luôn giữ vai trò quyết định trong quá trình ban hành chính sách và tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHYT. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải xây dựng hệ thống y tế quốc gia (bệnh viện, bác sĩ, thuốc men, vv...) có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn dân.
+ Việc mở rộng phạm vi bao phủ BHYT tiến tới BHYT toàn dân khó có thể thành công trong một thời gian ngắn, ngay cả với những quốc gia phát triển như Nhật Bản cũng mất đến gần 40 năm. Do đó, việc xây dựng chính sách BHYT cần phải thực hiện trong một tầm nhìn dài hạn. Chính sách BHYT được xây dựng trên cơ sở mỗi một cá nhân phải nhận thức được nghĩa vụ cũng như quyền lợi tham gia BHYT.
+ Hệ thống BHYT muốn phát triển bền vững thì mức độ đóng góp của từng nhóm đối tượng tham gia, phạm vi quyền lợi thụ hưởng dịch vụ KCB BHYT, phương thức đồng chi trả và phương thức thanh toán giữa BHYT với các cơ sở KCB cần được tính toán, xác định chính xác, rõ ràng và cụ thể. Đồng thời tất cả các yếu tố này phải được liên kết chặt chẽ và quản lý đồng bộ nhằm cân đối, ổn định quỹ tài chính BHYT.
+ Tất cả các quốc gia đều có 2 hệ thống: BHYT Nhà nước và BHYT tư nhân. BHYT Nhà nước do Nhà nước triển khai, với đối tượng tham gia có thể là toàn bộ người dân hay một bộ phận người dân thuộc diện yếu thế trong xã hội. Trong hệ thống này, Nhà nước thường phải bảo trợ và hỗ trợ cho một số đối tượng. Hệ thống BHYT tư nhân thường do các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại triển khai. Hệ thống BHYT tư nhân là sự bổ sung cần thiết để đáp ứng mọi nhu cầu KCB của người dân.
CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MỨC ĐỘ HÀI LÒNG VỀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ
BẢO HIỂM Y TẾ Ở VIỆT NAM