Quy luật tất yếu của con người là sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già đi rồi qua đời đó là điều không thể tránh khỏi. Người dân tộc Tày và người dân tộc Giáy về cơ bản các bước thực hiện trong tang ma của hai nhóm người này là tương đồng nhau. Đều thực hiện các bước: Báo tang, gọi thầy cúng, rửa mặt cho người mất, đắp khăn trắng cho người mất, nhập quan, chôn cất. Khi có người mất người nhà sẽ thông báo cho con cháu ở xa và họ hàng, hàng xóm, sau đó tìm thầy cúng đến. Khi có người mất con cháu phải nhịn ăn uống để tỏ lòng đau đớn, thương tiếc với người đã khuất, cho đến khi thầy cúng đến làm lễ khâm niệm và nhập quan cho người mất rồi con cháu mới được ăn uống. Con cái rửa mặt cho người mất rồi đắp khăn trắng tự dệt của gia đình sau đó đặt thi hài ở gian có bàn thờ, con cái phải ngồi bên cạnh không được rời nửa
bước cho đến khi nhập quan. Tiếp đến thầy cúng tìm giờ tốt để nhập quan và sau đó tìm ngày giờ tốt mang đi chôn cất (hộp 4.14).
Hộp 4.14: Các bước trong tang ma
“Người dân tộc Tày thì có các bước như là báo tang, gọi thầy cúng, rửa mặt cho người mất, đắp khăn trắng cho người mất, nhập quan, chôn cất. Cụ thể, khi có người mất thì thông báo cho người thân, họ hàng ở xa, lau mặt, sau đó tìm thầy cúng về chọn giờ để cho người mất vào quan tài. Làm lễ tang rồi mang chôn cất. Đó là những nghi lễ truyền thống và bây giờ cũng vẫn giống như vậy”
(PVS, nữ dân tộc Tày, 51 tuổi) “Trong tang ma thì có các bước: Báo tang, gọi thầy cúng, rửa mặt cho người mất, đắp khăn trắng cho người mất, nhập quan, chôn cất. Hồi trước khi chưa có điện thoại thì gõ mõ để thông báo cho họ hàng, người thân ở xa, bây giờ có điện thoại thì tiện rồi chỉ cần gọi thôi thông báo thôi. Rồi tìm thầy cúng đến niệm, con cái rửa mặt cho người mấtvà phải ở bên cạnh trông người mất đến khi nhập quan rồi mới được rời đi. Con cái thì không được ăn cơm, uống nước trước khi thi thể người mất được đưa vào quan tài này. Sau đó thầy cúng chọn ngày giờ tốt để đem đi chôn cất, rồi làm lễ tang”
(PVS, nam dân tộc Giáy, 43 tuổi) Hiện nay, thời gian tổ chức tang ma của người dân tộc đã được rút ngắn bớt một phần. Thời gian tổ chức tang ma của người dân tộc Tày và người dân tộc Giáy phần lớn là từ 3-4 ngày (bảng 4.16).
Thời gian tổ chức tang ma Tày (n=25) Giáy (n=30) Số lượng Tỷ lệ (%) Số lượng Tỷ lệ (%) Từ 1-2 ngày 5 20.0 2 6.67 Từ 3-4 ngày 20 80.0 28 93.3 Trên 4 ngày 0 0.0 0 0.0 Tổng 25 100 30 100
Nguồn: Số liệu điều tra năm 2018 Từ bảng trên cho thấy thời gian tổ chức tang ma của người dân tộc Tày và người dân tộc Giáy phần lớn đều từ 3-4 ngày, một số ít là từ 1-2 ngày và trên 4 ngày thì cả hai dân tộc đều không có lượt chọn nào. Thời gian tổ chức từ 3-4 ngày của người dân tộc Tày là 80,0% còn với người dân tộc Giáy là 93,3%, hiện nay thời gian tổ chức tang ma đã được người dân làm ít ngày, giảm hơn đáng kể so với trước đây nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương “Bây giờ cải tiến rồi nên khi có tang thì tổ chức khoảng 3 ngày cháu ạ, trước kia làm 6-7 ngày tốn nhiều của cải và tiền bạc lắm” (PVS, nữ dân tộc Giáy, 37 tuổi). Tổ chức tang ma từ 1-2 ngày của người dân tộc Tày là 20,0% trong khi đó người dân tộc Giáy là 6,67% bởi vì người dân tộc Giáy một số hộ gia đình không có điều kiện nên làm đám ma nhỏ do vậy thời gian tổ chức chỉ kéo dài hơn một ngày. Hiện nay thời gian tổ chức tang ma trên 4 ngày đã được cả hai người dân tộc Tày và người dân tộc Giáy bỏ bởi vì nhờ sự quan tâm tuyên truyền của các cấp chính quyền mà một số thủ tục rườm rà, thời gian tổ chức tang ma mà người dân đã được rút ngắn hơn. Cả hai người dân tộc Tày và người dân tộc Giáy đều làm chôn cất khi có người mất vì “phong tục tập quán của dân tộc mình là chôn cất bởi vì từ xưa cha ông, tổ tiên ta đều làm vậy. Chưa có trường hợp nào thiêu đốt cả” (Pvs, nam dân tộc Giáy, 43 tuổi), “khi có người mất thì mang đi chôn cất cháu ạ vì đây là phong tục tập quán rồi không thay đổi được” (Pvs, nam dân tộc Tày, 48 tuổi).
Người dân tộc Tày và người dân tộc Giáy có phong tục khi tổ chức tang ma thì mổ những con vật như gà, vịt, dê, lợn, trâu/bò…để cúng tế cho người mất (hộp 4.15).
Hộp 4.15: Tổ chức tang ma
“Khi tổ chức thì có mổ con lợn, con trâu vì mổ là mổ cho người mất để người mất mang theo để có trâu nuôi mà làm ruộng. Đây là phong tục từ xưa rồi, nó là đặc trưng riêng của người dân tộc không thể thay đổi được ”
PVS, nữ dân tộc Tày, 32 tuổi “Bây giờ tổ chức tang ma thì chỉ tổ chức khoảng 3 ngày thôi. Thường mổ con trâu hoặc con bò vì mổ con trâu/bò là thể hiện sự hiếu thảo của con cái đối với người mất, để cho người mất mang theo”
PVS, nữ dân tộc Giáy, 41 tuổi Kiêng kỵ là điều không thể thiếu trong những đám ma, mỗi dân tộc đều có những kiêng kỵ khác nhau. Và những kiêng kỵ đó trở thành bản sắc riêng có, trở thành phong tục tập quán mang đậm nét riêng của từng dân tộc (bảng 4.17).
Bảng 4.17: Những kiêng kỵ trong tang ma Những điều kiêng kỵ
trong tang ma của người dân
Tày (n=25) Giáy (n=30)
Số lượng Tỷ lệ (%) Số lượng Tỷ lệ (%)
Trước khi chưa đưa người mất vào quan tài (con cháu của người mất) không được ăn cơm, uống nước
0 0.0 30 100.0
Ăn quả chua 0 0.0 28 93.3
Kiêng ăn hoa quả có màu đỏ
0 0.0 30 100.0
Kiêng ăn thịt 1 4.0 30 100.0
Kiêng ăn lòng, tiết canh 2 8.0 30 100.0
Kiêng gội đầu 25 100.0 25 83.3
Khác 7 28.0 11 36.7
Nguồn: Số liệu điều tra năm 2018 Kết quả nghiên cứu (bảng 4.17) cho thấy những điều kiêng kỵ của
Người Giáy quan niệm kiêng những điều này là thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn công nuôi dưỡng của người đã khuất. Người dân tộc Giáy kiêng trước khi chưa đưa người mất vào quan tài thì con cháu người mất không được ăn cơm, uống nước là 100% và người Tày không có lượt chọn nào vì người Giáy quan niệm đó là cách thể hiện lòng hiểu thảo, sự thương tiếc đối với người đã mất. Không được ăn quả chua (như quả nhót, quả sổ) 93,3% lượt chọn, không được ăn hoa quả có màu đỏ 100% lượt chọn. Trong khi đó hai điều kiêng này người dân tộc Tày không có lượt chọn nào. Không ăn thịt người Tày có 4% lượt chọn và người Giáy có 100% lượt chọn bởi vì “kiêng kỵ trong tang ma là không ăn thịt, ăn mỡ vì ngày xửa ngày xưa các cụ nói trong tang các con ăn thịt là ăn thịt bố mẹ do vậy là kiêng kỵ” (PVS, nam dân tộc Giáy, 39 tuổi). Không ăn lòng, tiết canh người dân tộc Tày có 8% lượt chọn và người dân tộc Giáy là 100% lượt chọn do quan niệm ăn lòng là ăn lòng của bố/mẹ, ăn tiết canh là ăn máu của bố/mẹ do đó phải kiêng không được ăn. Kiêng gội đầu của cả hai dân tộc Tày và Giáy cao lần lượt là 100% lượt chọn và 83,3% lượt chọn. Đối với người Tày kiêng gội đầu 30 ngày vì “không được gội đầu (phải qua 30 ngày mới được gội) để sau này con cái làm ăn được” (PVS, nữ dân tộc Tày, 51 tuổi), cũng có người nói do “theo phong tục ngày xưa,tuy nhiên vẫn có thể thay đổi được” (PVS, nam dân tộc Tày, 45 tuổi). Đối với người dân tộc Giáy kiêng gội đầu bố mất kiêng 37 ngày, mẹ mất kiêng 40 ngày bởi phong tục ngày xưa cha ông để lại, tuy nhiên cũng có người không kiêng được chỉ kiêng được 1-2 tuần. Những kiêng kỵ khác người Tày có 28% lượt chọn còn người Giáy có 36,7% lượt chọn. Qua đó ta thấy tập tục kiêng kỵ của người Tày và người Giáy đã ăn sâu vào đời sống qua bao thế hệ, mang những nét riêng của từng dân tộc và có những kiêng kỵ tương đồng nhau như không gội đầu, kiêng ăn thịt, lòng, tiết canh,… khi có tang.
Bên cạnh đó tính cộng đồng làng xã được thể hiện hết sức sâu đậm trong phong tục tang ma của người dân tộc. Không chỉ dừng lại ở việc phúng viếng, tính cộng đồng làng xã còn được thể hiện ở niềm thương cảm của những người hàng xóm láng giềng đối với người đã khuất và gia đình người đã khuất. Đây là một điều hết sức đặc biệt, thể hiện lối sống trọng tình của những cư dân nông nghiệp nói chung và người dân tộc nói riêng. Tính cộng đồng được thể hiện rõ nét ở sự giúp đỡ lẫn nhau của những nguời đang sống trên cùng một khu vực làng xóm “khi có tang ma, hàng xóm đến giúp lấy củi, giúp nấu cơm, không chỉ những người trong cùng xóm với nhau mà xóm khác cũng đến giúp” (PVS, nam dân tộc Giáy, 35 tuổi). Đây là phong tục tập quán tốt đẹp của người dân tộc vẫn luôn được duy trì và không có sự biến đổi cho đến nay.