Hoàn thiện bộ máy kiểm soát chi hỗ trợ nhà ở người có công tại KBNN

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: KIỂM SOÁT CHI NGÂN SÁCH HỖ TRỢ NHÀ Ở ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC NGHI LỘC, TỈNH NGHỆ AN (Trang 98 - 100)

3.2.1.1. Bố trí nhân sự trong bộ máy phù hợp

Cùng với thực hiện Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi, cần bố trí cán bộ, phân công công tác theo đúng năng lực và trình độ của từng người cụ thể, sắp xếp và hợp lý hóa nguồn nhân lực KBNN Nghi Lộc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức và cơ chế quản lý mới. Chuẩn hóa khung năng lực cán bộ kiểm soát chi tại KBNN, xác định rõ các yêu cầu về năng lực để có thể hoàn thành chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được quy định cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác KSC NSNN.

Đồng thời cần thay đổi lại cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả phù hợp với định hướng, lộ trình cải cách hành chính và hiện đại hóa hoạt động KBNN Nghi Lộc. Phân định rõ nhiệm vụ và quan hệ phối hợp giữa các cán bộ trong đơn vị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy KBNN Nghi Lộc đảm bảo các nguyên tắc cơ bản: tính hệ thống, chuyên môn hóa và quản lý theo chức năng.

KBNN Nghi Lộc cần tổ chức lại bộ máy cho phù hợp với mục tiêu và quá trình cải cách hành chính. Sau khi tập trung nhiệm vụ KSC vào một đầu mối cần quy định lại nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN trong đó có cả nhiệm vụ KSC ngân sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công, xác định lại chức năng, nhiệm vụ của các giao dịch viên là vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi vừa thực hiện nhiệm vụ kế toán NSNN. Việc thay đổi chức năng KSC NSNN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị khi giao dịch với KBNN một đầu mối, nâng cao chất lượng KSC NSNN nói chung và KSC ngân sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công tại KBNN nói riêng.

3.2.1.2. Nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức của cán bộ kiểm soát chi ngân sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công tại KBNN

Để đáp ứng được yêu cầu cao của kiểm soát chi, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức kho bạc phải có trình độ chuyên môn vững vàng và phẩm chất đạo đức trong sáng. Giải pháp cho vấn đề này là:

- Thực hiện tiêu chuẩn hóa và chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ kiểm soát chi nói chung, trong đó có chi hỗ trợ nhà ở đối với người có công. Yêu cầu đối với những cán bộ này phải có năng lực chuyên môn cao, được đào tạo và bồi dưỡng bài bản, am hiểu và nắm vững tình hình kinh tế, xã hội cũng như các cơ chế, chính sách của Nhà nước, đồng thời có tư cách, phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm và tâm huyết với công việc được giao. Để thực hiện được những yêu cầu này hàng năm phải rà soát và phân loại cán bộ làm nhiệm vụ kiểm soát chi thường xuyên NSNN nói chung và kiểm soát chi ngân sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công nói riêng theo các tiêu chuẩn đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý.

- Trong tuyển dụng cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi: áp dụng hình thức thi tuyển nhằm đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn theo yêu cầu của hệ thống KBNN, đáp ứng cho công việc, và bù đắp nguồn cán bộ nghỉ theo chế độ hoặc chuyển công tác.

- Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi và chỉ đạo công tác kiểm soát chi: chú trọng đào tạo gắn với chức danh, ngạch công chức và quy hoạch cán bộ, trong đó đặc biệt chú ý đến công chức lãnh đạo và công chức chuyên môn. Thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và trình tự giải quyết các vấn đề nghiệp vụ. Có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, các thao tác kỹ thuật cụ thể. Ngoài ra cũng cần trang bị cho cán bộ KBNN những hiểu biết về các chuyên ngành khác như Luật, ngoại ngữ, tin học…Bồi dưỡng ý thức và đạo đức nghề nghiệp, thái độ văn minh, giao tiếp lịch sự cho cán bộ KBNN nói chung, cán bộ kiểm soát chi nói riêng tại KBNN Nghi Lộc. Để thực hiện được những yêu cầu đó, KBNN cần phải rà soát, phân loại, kiểm tra cán bộ

theo các tiêu chuẩn đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý... Kiên quyết loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, không đủ năng lực, trình độ ra khỏi bộ máy. Tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ kế toán (bao gồm KSC thường xuyên và hạch toán kế toán) định kỳ mỗi năm một lần tạo điều kiện trau dồi nghiệp vụ chuyên môn.

- Việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ kiểm soát chi tại KBNN Nghi Lộc phải xuất phát từ quy hoạch, chú ý trẻ hóa đội ngũ và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức kiểm soát được đề bạt, bổ nhiệm, đáp ứng được yêu cầu trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức và tuổi đời.

- Trong đánh giá cán bộ, từng bước hoàn thiện tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ, công chức kiểm soát chi tại KBNN Nghi Lộc theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, trình độ quản lý tiên tiến của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ có năng lực, trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu phát triển của KBNN Nghi Lộc; Thực hiện đánh giá và đãi ngộ cán bộ kiểm soát chi theo khối lượng, chất lượng và hiệu quả công việc được giao; đồng thời có cả đãi ngộ khuyến khích theo vị trí công tác và chức trách nhiệm vụ được giao.

- Có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, rõ ràng. Khen thưởng, động viên kịp thời đối với những công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng kiến trong công tác. Nghiêm khắc xử lý đối với cán bộ cố ý làm sai các quy trình nghiệp vụ, vi phạm các quy định về quản lý kinh tế - tài chính gây thất thoát vốn NSNN, những cán bộ lợi dụng nhiệm vụ quyền hạn trong công tác KSC ngân sách để vụ lợi, nhũng nhiễu khách hàng. Có như vậy mới kịp thời giúp đỡ uốn nắn những sai sót có thể xảy ra và thông qua đó cũng là điều kiện cho cán bộ nâng cao chất lượng kiểm soát thanh toán các khoản chi.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: KIỂM SOÁT CHI NGÂN SÁCH HỖ TRỢ NHÀ Ở ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC NGHI LỘC, TỈNH NGHỆ AN (Trang 98 - 100)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w